Trò chơi trẻ thơ
Nguyễn Ngọc Tuyết
![]() |
Ảnh tư liệu minh họa. |
(TBKTSG Online) - Một người bạn tôi bức xúc, phàn nàn: “Bọn con nít bây giờ sao chẳng thấy chơi trò chơi gì cả ngoài việc ôm cái máy vi tính hoặc xem phim hài, phim hoạt hình...”. Thì vào máy chẳng phải để chơi trò chơi (games) đó sao? Mà games thì thiên hình vạn trạng nhé, nội “Vui cùng Hugo, Đào vàng, nuôi thú trang trại...” cũng đã mê mẩn rồi, huống hồ còn biết bao games khác. Thời đại công nghệ mà!
Nói cho qua chuyện vậy thôi chứ về nhà tôi vẫn trăn trở về câu chuyện của bạn.
Chị kể “Bảo vợ chồng thằng con trai mua truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ nước ngoài tối tối đọc cho con nó nghe để khơi trí tưởng tượng và niềm say mê của trẻ, ươm dần thú vui đọc sách sau này cho thằng nhỏ... thế là chúng lại đi mua cái MP3 mở ra cho con nghe đọc chuyện! Nghĩ coi, còn gì đơn điệu, tẻ ngắt hơn nữa chứ?”.
Lại nhớ những lần tới nhà mấy đứa cháu, vẫn thấy chồng một máy, vợ một máy, cắm đầu làm việc hoặc lướt web trong khi đứa con năm bảy tuổi ngồi mê mẩn trước đầu đĩa với phim hoạt hình… Cả nhà ai lo việc nấy, không ai phiền ai.
Nào chỉ có vậy, ngay nhỏ cháu ngoại tôi thỉnh thoảng chạy lại nhờ ba nó xếp cho chiếc máy bay, con thuyền giấy cũng hay bị rầy: "Ba phải làm việc, con đem đồ chơi ra chơi đi!".
Thấy con bé lủi thủi chơi một mình, tôi lại xếp cho nó chiếc thuyền giấy, xếp con chim, con ếch. Nhưng thuyền giấy đã không còn chỗ thả bởi con rạch nhỏ trước nhà ngày xưa nước trong leo lẻo giờ đã thành “kinh nước đen”, con chim, con ếch không nhúc nhích được vì không có máy… Cuối cùng con bé lại chúi mũi vào màn hình ti-vi hoặc cái máy tính. May mà còn những buổi dã ngoại để nó vui thích khi thấy con bò, con trâu hay biết được chút ít về cây cỏ hoa lá những dịp được về quê thăm ông bà.
Nhìn bọn trẻ, ngay cả mùa hè cũng túi bụi chuyện học hành dù mới chỉ ở bậc tiểu học mà người lớn cũng thấy mệt lây. Ba mẹ chúng đều nói “Biết vậy là tước mất ngày hè của con. Nhưng ai cũng vậy hết, không học hè làm sao vào lớp theo kịp bạn!”. Cứ cái luận điệu “Ai cũng vậy hết” nên những trò chơi con nít cũng vậy, hầu như tất cả phụ thuộc vào máy móc, vào công nghệ để định hướng suy nghĩ, hình thành nhân cách cho trẻ.
Không còn những trò chơi dân dã như đánh chuyền, chuyền một, chuyền hai, chuyền ba với trái banh quay tít tuổi thơ; không còn trò chơi “cò chẹp” cùng niềm vui đi hết vòng để được cất nhà; không còn đường phố vắng vẻ thênh thang để trẻ “táng u” thật xa rồi u…u… một hơi dài đến khi đứt hơi, mệt ngất mà vui sướng dâng tràn; không còn những sợi dây quay vòng để bạn bè nhảy vào nhảy ra trong tiếng cười dòn; cũng không còn những con thuyền giấy thả lềnh bềnh trong mưa mang theo bao ước mơ tuổi nhỏ...
Và ngay cả một cánh diều thả lên trời cao vào những ngày gió lộng bây giờ cũng nào phải được chắt chiu từ đôi tay vuốt nan, dán giấy, kết đuôi của các bậc cha mẹ như ngày xưa!
Chợt nhớ, giờ đã là những ngày tháng Tám, giữa mùa thu. Khắp phố đã rộn ràng những gian hàng bánh trung thu và rực rỡ đèn hoa. Nhưng những chiếc đèn lồng của ngày tết nhi đồng này đây có còn bao nhiêu là đèn giấy hoa, giấy kiếng được làm thủ công từ những gia đình bao năm gắn bó với nghề? Hay hầu hết chỉ là sản phẩm công nghiệp, là những hình ảnh từ những chuyện tích nước ngoài chạy bằng pin phát thứ âm thanh ò í ò e nghe nhức cả tai?
Và rồi, trong đêm rằm có “Bóng trăng trắng ngà… ấy, mấy năm gần đây đám con nít có lẽ chỉ còn thấy cảnh rước đèn trên truyền hình hoặc tập trung trong hội trường cơ quan, đoàn thể (nếu cha mẹ các cháu là công nhân, viên chức) để lãnh quà bánh sau khi nghe người lớn đọc diễn văn.
Tìm đâu những đứa trẻ kéo hàng rồng rắn dạo khắp xóm với đủ thứ đèn trên tay như ngày xưa hay đẩy những hộp lon cắm đèn cầy loang loáng. Dường như đám con nít đã lui về phía sau để trở thành "đối tượng" hưởng thụ sự chăm sóc của người lớn, của phường khóm và các tổ chức trong những phát biểu kinh điển của người lớn như "tất cả vì con em chúng ta".