Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trở về lãi suất thỏa thuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trở về lãi suất thỏa thuận

Tâm Dân

Do vướng trần lãi suất cơ bản, thời gian qua quan hệ cung cầu vốn và lãi suất đã bị biến dạng. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Quyết định mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép hệ thống ngân hàng mở rộng phạm vi áp dụng lãi suất thỏa thuận, không những đối với tiêu dùng mà cả cho vay trung, dài hạn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển nói chung. Đây là bước đi quan trọng, nằm trong lộ trình chính thức với quyết tâm quay trở về cơ chế điều hành theo lãi suất thỏa thuận, linh hoạt theo tín hiệu thị trường.

Thực tế hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy, do vướng trần lãi suất cơ bản, quan hệ cung cầu vốn và lãi suất đã bị biến dạng nghiêm trọng. Thanh khoản ngân hàng thường xuyên bị căng thẳng, lãi suất huy động bị biến tướng và đẩy lên rất cao so với mức khống chế 10,5%/năm bởi nhiều chiêu khuyến mãi phá rào.

Trong khi đó, ngoài lãi suất vay tối đa 12%/năm, nhiều ngân hàng buộc doanh nghiệp phải chấp nhận gồng gánh nhiều loại phí “bất thành văn” khác, cộng dồn lại có lúc có nơi lên đến 18-20%/năm. Có lẽ chưa khi nào môi trường kinh doanh tiền tệ lại tồn tại quá nhiều “nhân tố ngoài luồng” như vừa qua, mà một trong những nguyên nhân là do vận dụng chưa nhuần nhuyễn hoặc đôi khi thái quá những biện pháp quản lý “cứng”, dẫn đến mâu thuẫn với mô hình “mềm” của kinh tế thị trường.

Vấn đề đáng quan tâm trước hết là liệu sự quay trở về cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Trước mắt, về mặt tâm lý chắc chắn không tránh khỏi những quan ngại mặt bằng lãi suất chung, nhất là lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc nới rộng phạm vi áp dụng lãi suất thỏa thuận là bước đi khôn ngoan, đúng quy luật, mang lại lợi ích dài hạn nhiều mặt cho nền kinh tế.

Thời gian tới đây, sau quá trình thăm dò lẫn nhau, áp lực cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ, góp phần xác lập quan hệ cung cầu vốn theo hướng tích cực hơn, lãi suất cho vay tất yếu giảm dần, phù hợp với chiều hướng tự do hóa.

Riêng đối với những doanh nghiệp và các ngành nghề thuộc diện được tiếp tục hưởng hỗ trợ lãi suất (2-4%/năm) trong năm 2010 thì gánh nặng về tài chính do lãi suất tăng là không đáng kể. Điều quan trọng hơn là việc áp dụng cơ chế thỏa thuận sẽ trả lại cho thị trường tín dụng tính công khai minh bạch đầy đủ. Ngân hàng không có lý do gì để “bắt chẹt” khách hàng bằng nhiều loại phí vô lý, thậm chí sai luật.

Doanh nghiệp cũng sòng phẳng hơn trong quan hệ vay – trả, không phải đau đầu vắt óc với nhiều chiêu kế nhằm hóa giải việc hạch toán vào sổ sách những loại phí “không tên tuổi”. Mặt khác, cũng cần thấy được yếu tố tích cực của cơ chế lãi suất thỏa thuận trong việc góp phần kiềm chế và loại bỏ bớt những nhu cầu vay vốn không cần thiết, kém hiệu quả, các nhu cầu phi sản xuất, không cần khuyến khích…

Bước đi quan trọng tiếp theo của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là làm sao duy trì được tính ổn định thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng, tạo điều kiện bình thường hóa hoạt động huy động vốn, tiến đến chọn thời cơ chín muồi để áp dụng đồng bộ cơ chế lãi suất thỏa thuận trong toàn bộ hoạt động ngân hàng. Hay nói khác đi, cần phải sớm tháo dỡ “trần lãi suất” đối với cả huy động tiền gửi và cho vay ngắn hạn.

Một trong những trở ngại pháp lý khiến NHNN đang cân nhắc đó là nếu dỡ trần lãi suất cho vay ngắn hạn thì sẽ vi phạm điều 476 Bộ luật Dân sự. Trên thực tế, cơ chế lãi suất thỏa thuận đã được mặc nhiên thừa nhận về mặt pháp lý và vận hành suôn sẻ trong hệ thống ngân hàng trong thời gian Bộ luật Dân sự có hiệu lực (chỉ tạm dừng lại khi NHNN buộc phải sử dụng điều 476 vì lý do kiềm chế tình thế lạm phát cao đột biến trong năm 2008, có thể xem là tình huống bất khả kháng). Đây chính là “tiền lệ pháp luật” cần được ghi nhận và nên căn cứ thực tiễn này tạo điều kiện cho NHNN có đủ thẩm quyền tự quyết định thời điểm thích hợp nhằm áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận một cách hoàn chỉnh.

Vấn đề còn lại dường như chỉ là thời gian. Tuy nhiên, bài học quan trọng cần rút ra trong điều hành cơ chế lãi suất thời gian qua là trong mọi hoàn cảnh, bên cạnh “bàn tay hữu hình”, NHNN cần phải duy trì được sức mạnh “bàn tay vô hình” nhằm điều tiết có hiệu lực hành lang pháp lý, theo hướng vừa thông thoáng nhưng vừa phải đảm bảo nguyên tắc, kỷ cương phép nước.

Dư luận nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng thời gian vừa qua phải đối mặt với rất nhiều vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn, phí, lãi suất… từ phía hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN chưa kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, cụ thể hóa cơ chế thu phí dịch vụ, trong lúc vai trò chủ đạo của NHNN nhằm bình ổn tình hình, lập lại trật tự trên thị trường tín dụng gần như không theo kịp tình hình, nếu không muốn nói là còn lu mờ.

Công tác thông tin định hướng chính sách cũng cần phải đi trước một bước, xem trọng hơn nữa việc chủ động kiến tạo lòng tin của dư luận, bởi vì một khi tâm lý xã hội được củng cố, tạo ra sự đồng thuận cao, thì cũng đồng nghĩa kết quả tác nghiệp chính sách có thể cầm chắc ưu thế phần thắng trong tay.

Cần nghiêm túc thừa nhận một thực tế, trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại vì lợi ích cục bộ trước mắt đã nâng phí và lãi suất vô tội vạ, điều này đã làm tổn hại lớn đến hình ảnh và uy tín của cộng đồng ngân hàng trong nước. Chính vì vậy, việc quay trở về cơ chế lãi suất thỏa thuận lần này đồng thời là “phép thử” quan trọng về thái độ ứng xử cũng như tính chuyên nghiệp của hệ thống ngân hàng thương mại đối với khách hàng của mình, nên xem đây là cơ hội để thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với sự phát triển chung của nền kinh tế chứ không phải là “thời cơ kiếm lời” bằng mọi giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới