Trời lạnh rồi, nhớ đem cây nhãn vào nhà
Nguyễn An Nam
(TBKTSG Xuân) - Khu vực quanh ga Hauptbahnhof ở Frankfurt am Main có một số tiệm ăn Việt Nam. Đó là những địa chỉ quen thuộc mà những người Việt ở Frankfurt thường hẹn nhau trong những dịp gặp gỡ đồng hương, hoặc để đãi bạn bè ở “bên nhà” sang. Bên tô bún bò Huế, tô phở Hà Nội, tô hủ tiếu Sài Gòn của nhà hàng Góc Phố, Kim’s Pho, Sài Gòn Xưa hay Hà Nội Cuisine..., những người xa nước lâu năm được nghe lại tiếng Việt, dễ tìm chút ấm áp trên xứ người, dù rằng, bây giờ đã có các chuyến bay thẳng từ Frankfurt về Hà Nội hay Sài Gòn để giải quyết nỗi nhớ “bên nhà” sau 12 hay 14 giờ bay.
Lần đầu ở quán phở Kim, tôi quen anh Ngọc, một kỹ sư sống ở Đức 50 năm. Chúng tôi ngồi với nhau trong một cuộc gặp đông người, sau chủ đề văn chương sách vở, là chuyện đời sống. Chúng tôi trở nên thân thiết ngay từ lần gặp đầu tiên.
Những ngày sau đó, tôi và anh cùng nhau lang thang trên những đồi nho ven sông Rhine hay lê la trong những ngôi làng rượu vang cổ ở quanh Frankfurt. Vào khoảng giao mùa thu đông, cây bên đường đổ lá vàng. Những thị trấn cổ bình yên như được dệt từ trong những giấc mộng đẹp. Các phế tích, đền đài bảy tám trăm năm tuổi thấp thoáng trên những ngọn đồi cây lá chuyển màu rực rỡ - cái rực rỡ của tàn phai trong vòng tuần hoàn của trời đất. Câu chuyện trong chiếc xe có máy sưởi giữa chúng tôi trở nên dông dài vì cả hai đều tìm kiếm những manh mối quan hệ, bạn bè để tìm đến một điểm chung nào đó, một sự quan tâm nào đó. Cho cùng, có một điểm chung lớn nhất để chia sẻ với nhau trên những dặm dài hành trình của hai kẻ mới quen, đó là thời sự bên nhà.
Ở những người như anh Ngọc, tôi nhận ra sự thông thạo thời sự “bên nhà” nhiều hơn mình - một người sống ở Sài Gòn và vẫn còn giữ thói quen đọc báo hàng ngày như tôi. Từ chuyện kẹt xe, triều cường, bụi mịn cho đến các dự án phong điện, nhiệt điện hay giáo dục văn hóa..., có vẻ như những Việt kiều lại biết nhiều hơn những người sống trong nước. Họ vui nỗi vui cao hơn tôi và lo nỗi lo sâu hơn tôi. Cả thứ tiếng Việt mà họ nói, cũng được chắt chiu, nâng niu hơn thứ tiếng Việt buông tuồng mà những đứa như tôi và những người trẻ “bên nhà” dùng hàng ngày, ưa pha tạp tùy tiện đủ thứ cho ra vẻ hội nhập.
Ba mùa đông rồi, cứ đến trước kỳ tuyết rơi, vợ chồng anh lại lặng lẽ bê cái chậu nhãn vào nhà đặt trên cửa sổ phòng ăn để được nhìn thấy nó hàng ngày và để nó được sưởi ấm cùng mình. |
Trong chiếc xe anh Ngọc có những đĩa nhạc Việt Nam, từ nhạc vàng đến nhạc đỏ, từ tình ca Sài Gòn đến nhạc rock Hà Nội. Ban đầu, cái đứa kén nhạc như tôi nảy ra ý nghĩ “phán xét” về gu nhạc của người bạn vong niên. Nhưng rồi những lần sau, mỗi khi bước vào chiếc xe bốn chỗ để chuẩn bị đến một điểm mới, chỉ cần đóng cửa lại là những bài hát Việt được cất lên trong lúc khung cảnh xa lạ của trời Âu trôi bên ngoài. Tôi chợt hiểu đó là một thế giới tinh thần đóng kín, riêng tư và có gì đó như một nghi thức thiêng liêng của người xa xứ, để bảo tồn một phần căn tính của mình. Tôi tưởng tượng đến việc năm mươi năm đã trôi qua, mỗi ngày trên đường đến sở làm, mặc cho khung cảnh bên ngoài đổi thay xuân hạ thu đông, thì cái thế giới trong chiếc xe đang di chuyển trên đường đó vẫn không thay đổi. Nó chất đầy âm hưởng quê nhà, giai điệu quê nhà, tiếng nói quê nhà. Cái phổ nghe lúc bấy giờ đâu bị chi phối bởi những thế đứng hay định kiến nào với một người xa nước đã lâu và không kinh qua những khúc quanh khốc liệt của lịch sử. Mọi thứ gói gọn trong một thứ khí quyển gọi là Việt Nam. Một Việt Nam của bản boléro Sài Gòn rồi tiếp đó là một hành khúc Trường Sơn mà không mảy may phân định ranh giới nào giữa chúng. Một tâm thế nghe nhạc không phải nghe bối cảnh lịch sử nữa, mà cốt chỉ để nghe một thứ giai điệu quê nhà, câu chuyện quê nhà, tiếng nói quê nhà. Ý nghĩ thoáng qua đó khiến tôi không truy vấn gì thêm người bạn đồng hành. Những ý định truy vấn đã hướng vào bên trong tôi, trở thành tự vấn: mình đang nghe và hát tiếng Việt có bằng sự phổ quát đủ đầy như vậy không?
Những lao xao tranh cãi “nhạc vàng, nhạc đỏ” mà tôi thường gặp phải nơi quê nhà làm dậy những trận sóng truyền thông, ô hay, trở nên nhất thời trong cái thùng xe, khi tôi trong vai một khách lữ hành bên một người viễn xứ thâm niên.
Những người viễn xứ thâm niên, không vướng mắc bởi các biến cố hay khúc quanh lịch sử khốc liệt, họ có một cách nhìn “dáng hình của nước” khác. Đất nước của họ lớn rộng và bao dung, ưu tư và quay quắt hơn trong sự bao quát của điểm nhìn.
Trên những chuyến lang thang ngắn ngày, tôi lại gặp những người bạn khác kể với tôi rằng, trong những năm sống xa nước, thành công của họ không phải là có một vị trí hay sự ổn định kinh tế trên đất khách, mà có khi niềm tự hào lớn lao là ở chỗ họ đã dạy được cho đứa con biết rửa chén sau mỗi bữa ăn, biết chào hỏi khách bên nhà qua một cách tự nhiên và thân thiện, biết nấu món ăn Việt Nam, và nói được tiếng Việt. Không ít lần tôi hỏi, để làm gì, khi điều ấy có thể tạo ra sự “mắc kẹt văn hóa” từ thế hệ này qua thế hệ khác. Một chị bạn nói với tôi đại ý rằng: “Người ta có thể “mắc kẹt” trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Và dù ở trong nước thì vẫn “mắc kẹt” như thường. Điều quan trọng là tôi thấy con cái khi học lễ nghĩa và ngôn ngữ, chúng gắn bó với mình sâu sắc hơn. Cuộc đối thoại bằng tiếng Việt sẽ ấm áp hơn, hạnh phúc hơn, dù nhiều khi chúng tôi vẫn nói với nhau bằng thứ tiếng Đức với tư duy của người Việt”.
Trong căn hộ nhỏ ở một ngôi làng bên sông Main cách trung tâm Frankfurt 20 phút tàu điện, chị T. vẫn ân cần nấu nướng cho chồng con các bữa sáng, trưa, tối, làm tôi hình dung đến mẹ mình, chị mình hay những bà vợ nội trợ thứ thiệt bên nhà. Khó tưởng tượng được họ đã sống ở nước Đức nửa thế kỷ, mà cái cung cách chuẩn bị mỗi bữa ăn gia đình gợi lại cái không gian truyền thống Việt Nam chi lạ. Chúng tôi ngồi nói về những món ngon, về cách chế biến chúng với các nguyên liệu, gia vị kiểu Việt Nam đậm đà. Anh chị kể về niềm hạnh phúc khi lần đầu thấy chai nước mắm gắn giá 11 “ơ” (euro) trên kệ siêu thị ở trung tâm. Tôi thấy chén nước mắm trên mâm cơm nhỏ và bữa ăn nhỏ nhẹ đó là hiện thân của một Việt Nam đủ đầy.
Một buổi sáng, khi tôi đang đi dạo trong mảnh vườn chung của khu chung cư, giữa những luống cà phê, cải ngồng và hương thảo, chợt thấy một cây nhãn lồng được trồng trong chiếc chậu nhỏ. Tôi thắc mắc vì sao nó có thể sống sót ở xứ lạnh. Anh Ngọc kể ba năm trước, trong một chuyến về Sài Gòn, anh đã mang nhiều nhãn sang. Năm đó “bên nhà” được mùa nhãn, trái ngọt và thơm. Anh đã ươm hạt và có cây nhãn này. Ba năm rồi, nó chỉ cao khoảng hai tấc. Cứ vào mùa nóng, cây nhãn ra được 8 cái lá, đó là số lá nhiều nhất mà nó từng mang trên mình. “Nhưng vui, nhìn nó để nhớ bên nhà”, anh nói.
Ba mùa đông rồi, cứ đến trước kỳ tuyết rơi, vợ chồng anh lại lặng lẽ bê cái chậu nhãn vào nhà đặt trên cửa sổ phòng ăn để được nhìn thấy nó hàng ngày và để nó được sưởi ấm cùng mình.
Khi tôi chuẩn bị rời Frankfurt, trời đã chuyển lạnh. Các hàng phong ven đường trút xuống mặt đường những thảm lá vàng xao xác như lụa gấm. Nắng đã ươm màu se sắt. Sáng hôm ấy, trước khi chở bạn ra sân bay về nước, tôi nghe anh Ngọc dặn vợ: “Hôm nay chuyển lạnh rồi, mình nhớ mang cây nhãn vào nhà”.