(KTSG Online) – Luật sư Nguyễn Tấn Thi của Văn phòng Luật sư Hoa Sen ở quận Bình Thạnh, TPHCM trong một bữa ăn tối, anh ấy say sưa nói về ước mơ của mình là lập một công ty tư vấn, nhận ủy quyền mua bán tín chỉ carbon cho người dân và doanh nghiệp, từ những nhà dân, nhà xưởng lắp điện mặt trời áp mái, cho tới các chủ trang trại đầu tư trồng rừng ở các tỉnh.
Có thể nhiều người cho rằng anh ấy suy nghĩ viển vông, nhưng trên bình diện quản lý nhà nước vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì dường như Việt Nam đang đi chậm trong chuyện hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon trong nước. Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc tương đương một tấn carbon dioxide (tCO2e).
Tại Việt Nam, phát triển thị trường carbon trong nước là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, tức cách nay cả chục năm chứ không ít; rồi còn có Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2016.
Nói đâu chi xa, từ năm 2021, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính và năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Đặc biệt, theo lộ trình, sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức trong năm 2028.
Như vậy chỉ còn 1-2 năm nữa, hành lang pháp lý cho thị trường mua bán tín chỉ carbon phải được xây dựng, người dân và doanh nghiệp có giảm phát thải hay hấp thu phát thải khí nhà kính (như chủ rừng, các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió) cũng như những doanh nghiệp phát thải khí nhà kính phải tính toán để có thể mua tín chỉ carbon nếu phát thải và bán tín chỉ nếu hấp thu.
Cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Thực ra, Việt Nam cũng đang thử nghiệm mô hình mua bán tín chỉ carbon. Đó là Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký vào tháng 10-2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải CO2 từ sáu tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu đô la, tức mỗi tín chỉ carbon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 đô la Mỹ.
Một thỏa thuận khác tương tự với 5,15 triệu tấn CO2 giảm từ rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, Việt Nam sẽ được nhận từ quỹ tài chính lâm nghiệp LEAF 51,5 triệu đô la. Mỗi tín chỉ tương đương 10 đô la. Hiện Quảng Nam đang xây dựng đề án bán tín chỉ carbon rừng với dự kiến xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ trong 5 năm.
Có thể thấy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như chính quyền một số địa phương đã bắt đầu ít nhiều tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế với nguồn giảm phát thải là rừng tự nhiên thuộc Nhà nước quản lý hoặc giao khoán cho dân chăm sóc bảo vệ.
Phương thức bán cũng chỉ là bán sỉ, hay nói chính xác hơn là xuất khẩu tín chỉ carbon cho một số tổ chức quốc tế họ làm trung gian bán lại cho nước ngoài mà tiềm năng này có thể lên tới 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, thu về chí ít cũng hàng trăm triệu đô la hàng năm.
Nhưng các doanh nghiệp có đầu tư trồng rừng, điện mặt trời hay điện gió, chủ trang trại rừng nhỏ lẻ bán tín chỉ carbon cho ai? Còn các nhà máy sắt thép, xi măng trong nước vài năm nữa phải đi mua thì mua của ai nếu không có thị trường tín chỉ carbon nội địa và những doanh nghiệp trung gian mua bán như luật sư Thi bạn tôi?
Nhà tôi có 17 tấm pin điện năng lượng mặt trời hòa lưới, mỗi năm giúp giảm phát thải chẳng được bao nhiêu nhưng nếu hàng ngàn hộ dân ở TPHCM có pin điện mặt trời, muốn bán tín chỉ thì ký ủy quyền cho doanh nghiệp nào đó. Hay bác, chú tôi ở quê mỗi người cũng có một vài héc ta rừng trồng, làm sao bán được nếu không có những công ty như ý tưởng của luật sư Thi bạn tôi?
Việt Nam có 14,7 triệu héc ta rừng, trong đó 60% do Nhà nước quản lý, việc bán tín chỉ carbon dạng bán sỉ sẽ đơn giản mà nghe đâu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ cho phép bộ này làm đại diện. Nhưng 40% rừng của hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư trồng thì ai làm đại diện nếu không chuẩn bị từ bây giờ? Rừng là nguồn hấp thu, giảm phát thải lớn nhất khi trung bình 1 héc ta rừng mỗi năm giảm phát thải từ 100 tấn đến hơn 1.000 tấn (tùy rừng nghèo, giàu sinh khối).
Hình thành sớm thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ có lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, rồi còn bán tín chỉ carbon cho nước ngoài. Và rất có khả năng phong trào đầu tư trồng rừng sẽ tăng mạnh, ích lợi cho môi trường sinh thái, vì ngoài thu hoạch lâm sản, chủ rừng còn có thu nhập từ bán tín chỉ carbon với nguồn thu không hề nhỏ.
Ước mơ chỉ là mơ ước. Nhìn lại quá trình triển khai phát triển năng lượng tái tạo không thôi, thì đã phát chán rồi. Bao nhiêu dự án đắp chiếu, nằm chờ, bao nhiêu tiền bạc, công sức trôi theo gió/ nắng. Thế thì nói chuyện mua bán tín chỉ cacbon để làm gì ?