Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trông chờ và lo lắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trông chờ và lo lắng

Một số doanh nghiệp gỗ trông chờ đơn hàng nhiều hơn là hỗ trợ lãi suất 4% -Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Chính sách hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ được các nhà xuất khẩu trông chờ với hy vọng giảm bớt phần nào khó khăn, nhưng kèm theo đó là lo lắng khi đơn hàng, thị trường đầu ra chưa tốt, cùng với nỗi băn khoăn khi hết thời hạn hỗ trợ doanh nghiệp sẽ ra sao?  

Cơ bản vẫn là đơn hàng  

Công ty TNHH chế biến gỗ Minh Phương ở Bình Dương qua tết đã khai trương “lấy ngày” hôm mùng 8 tết tức ngày 2-2 nhưng sau đó không hề sản xuất vì thiếu đơn hàng. Ông Huỳnh Văn Hạnh, giám đốc doanh nghiệp cho biết hiện công ty không còn đơn hàng để làm nên ông phải cho công nhân nghỉ, chờ khi nào có đơn hàng mới thì khai trương chính thức.  

Do vậy, thông tin báo chí mấy ngày qua liên tục đề cập gói giải pháp kích thích nền kinh tế bằng việc Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động, trong đó tập trung chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu như công ty ông Hạnh, được ông quan tâm theo dõi sát sao. “Nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện được thì quá tốt”, ông Hạnh nói.  

Thế nhưng, điều ông Hạnh cho là cơ bản vẫn là doanh nghiệp có đơn đặt hàng, có đầu ra hay không. Như công ty ông, nếu không có đơn hàng thì ông không thể đi vay vốn làm hàng xuất khẩu. “Không lẽ vay để đó mà không có đơn hàng thì chẳng ngân hàng thương mại nào cho vay cả”, ông nói.  

Với tư cách là phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ông Hạnh cho biết các doanh nghiệp trong ngành gỗ đang khó khăn vì thiếu đơn đặt hàng. Do vậy HAWA dự kiến ngày 9-2 tới đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại bắt đầu đi vào thực thi việc hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, hội này sẽ họp ban thường vụ để bàn cách tận dụng gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ như thế nào, chia sẻ đơn hàng ra sao?  

Khác với Công ty Minh Phương, Công ty TNHH Maika ở TPHCM – chuyên may gia công quần áo xuất khẩu vào Mỹ, đến hôm nay vẫn chưa khai trương lại sau tết. Lý do, theo giám đốc Hàn Phúc Sinh, là có quá ít đơn hàng. Đề cập đến gói hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn cho sản xuất của Chính phủ, ông Sinh nói rằng chỉ giúp giải quyết một phần nhỏ khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp như ông.  

“Cái khó vẫn là thị trường, như công ty tôi năm nay đơn hàng giảm 30 – 40% so với năm ngoái”, ông Sinh cho hay. Một năm bình thường ông Sinh vay vốn lưu động 2 lần, mỗi lần vài tỉ đồng và như năm ngoái, lãi phải trả ngân hàng của công ty 500 – 600 triệu đồng.

Ông Sinh giả định nếu làm ăn và vay vốn như năm ngoái, cộng với lãi suất ngân hàng đã hạ và hỗ trợ 4% nữa thì số tiền lãi ông trả cho ngân hàng chỉ còn một nửa, có nghĩa không quá lớn. “Do vậy, nếu có đầu ra tốt thì 4% lãi suất không là vấn đề gì lớn lao, nếu có chỉ giúp giảm giá thành, hạ giá bán chút đỉnh”, ông tính toán.  

Lo lắng

Các nhà xuất khẩu cũng lo lắng sau khi hết hỗ trợ sẽ ra sao?-Ảnh: Kinh Luân.

Công ty TNHH Hoàng Kim ở TPHCM chuyên làm túi xách, va li xuất khẩu có 100 công nhân và vốn điều lệ chỉ 1 tỉ đồng. Khi báo chí đăng tin gói hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động dành cho doanh nghiệp thì giám đốc Lưu Văn Thành điện thoại hỏi các ngân hàng quen liên tục về vấn đề này.

Thế nhưng, ông Thành bảo ông khá buồn khi vài ngày trở lại đậy, có tờ báo nói việc giảm lãi suất không dành cho doanh nghiệp quá nhỏ như ông.  

“Tới bây giờ tôi vẫn chỉ nghe gói hỗ trợ này qua báo chí chứ chưa đọc được văn bản chính thức, nên không biết doanh nghiệp quá nhỏ như chúng tôi có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này hay không”, ông Thành lo lắng.

Công ty ông Thành thường hay ký hợp đồng trung hạn với ngân hàng (kiểu ký hợp đồng nguyên tắc về hạn mức tín dụng doanh nghiệp) và sau đó vay từng đợt tùy theo đơn hàng. Năm ngoái ông vay 5 tỉ đồng và phải trả lãi 800 triệu đồng.

Ông nhẩm tính nếu được hỗ trợ 4% lãi suất và với mặt bằng lãi suất đã giảm như hiện nay, có thể ông chỉ trả còn 500 triệu đồng, chênh lệch 300 triệu đồng đó đối với công ty nhỏ như Hoàng Kim là một số tiền quan trọng.  

Tuy nhiên, vấn đề mà ông Thành lo lắng nữa là nhà nước chỉ hỗ trợ trong thời hạn 8 tháng trong khi các quan chức và giới báo chí thì kêu gọi dùng hỗ trợ 4% lãi suất này để giảm giá thành, hạ giá bán mà ông gọi điều này là rất nguy hiểm.  

Với doanh nghiệp sản xuất như Hoàng Kim và nhiều doanh nghiệp khác, vòng quay một đơn hàng kéo dài 3 – 5 tháng, cứ cho thời hạn 8 tháng quay tối đa được 2 vòng đơn hàng, nếu hạch toán khoản hỗ trợ 4% lãi suất để kéo giảm giá thành, giảm giá bán thì sẽ đặt ra nhiều vấn đề.  

“Khi doanh nghiệp hết được hỗ trợ thì sẽ ra sao? Chẳng hạn hiện một sản phẩm xuất khẩu bán 10 đô la Mỹ, nhờ hỗ trợ nên giảm giá bán xuống còn 8 – 9 đô la Mỹ, không lẽ khi hết hỗ trợ thì tăng giá lên lại 10 đô la Mỹ, liệu có khách hàng nào chấp nhận?”, ông đặt câu hỏi.  

Ngoài ra, ông còn cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ này, do vậy có khả năng trong cùng một ngành hàng, sẽ có doanh nghiệp nhờ tiếp cận được nên giảm giá xuất khẩu, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành nhưng chưa tiếp cận được.  

Theo ông, các doanh nghiệp nên dùng khoản hỗ trợ lãi suất này để đầu tư thêm máy móc, thiết bị góp phần kích cầu, gia tăng chất lượng sản phẩm để tính đường làm ăn lâu dài một khi hết hỗ trợ. Còn nếu chỉ nhắm vào hạ giá thành và giảm giá bán trong ngắn hạn sẽ rất nguy hiểm cho doanh nghiệp nói riêng và cả ngành may mặc, lẫn nền kinh tế.  

Nói thì nói vậy chứ ông Thành bảo ngày mai (5-2), ông sẽ tới làm việc trực tiếp với ngân hàng quen để xem thử việc thực thi gói hỗ trợ như thế nào để có thể tìm cơ hội, vì công ty ông làm hàng xuất khẩu nhưng cần vốn lưu động mua gom nguyên liệu da, vải ở trong nước rải đều trong cả năm.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới