(KTSG Online) - Các nhà kinh doanh hàng hóa đang chuyển sự chú ý vào lithium, kim loại thiết yếu để sản xuất pin lithium-ion cho xe điện, được mệnh danh là “vàng trắng” (vì có màu trắng) khi nhu cầu tăng vọt làm thay đổi phương thức giao dịch.
- Vật liệu chế tạo pin xe điện, lithium thiết lập kỷ lục mới
- Trung Quốc ráo riết thâu tóm nguồn cung lithium trong bối cảnh bùng nổ xe điện
Các công ty kinh doanh hàng hóa nhập cuộc
Khi thị trường dầu mỏ được tự do hóa vào thập niên 1970, một nhóm nhà buôn do thương nhân người Bỉ Marc Rich dẫn đầu đã gặp vận may lớn nhờ kết nối người mua - người bán và lướt sóng dựa trên biến động của giá dầu thô.
Marc Rich là người sáng lập công ty kinh doanh hàng hóa đa quốc gia Glencore vào năm 1974, hiện đã trở thành công ty kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới. Nửa thế kỷ sau, một số hậu duệ tinh thần của Marc Rich đang hy vọng áp dụng chiến thuật kinh doanh tương tự với lithium.
Là thành phần thiết yếu trong hầu hết các loại pin xe điện hiện nay, lithium đang trở thành một trong những mặt hàng quan trọng nhất trên thế giới. Giá kim loại này đã tăng lên mức cao chưa từng thấy khi nhu cầu được dự báo tiếp tục tăng, khiến các nhà sản xuất ô tô phải tranh giành để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
Tuy nhiên, cho đến gần đây, lithium hầu như không thể giao dịch. Giá cả sẽ được cố định trong các hợp đồng riêng và dài hạn giữa một số ít các nhà cung cấp nắm quyền chi phối thị trường và khách hàng của họ, không cần đến các bên trung gian.
Bây giờ, với nhu cầu lithium tăng vọt, cách mua và bán kim loại này được định hình lại. Nhiều giao dịch cung ứng đã trở nên ngắn hơn đáng kể, với giá thả nổi dựa vào giá trên thị trường giao ngay. Trong khi đó, các sàn giao dịch từ Chicago (Mỹ) cho đến Singapore đang thử nghiệm các hợp đồng tương lai mới đối với lithium.
Lithium cũng đang thu hút sự chú ý của công ty kinh doanh hàng hóa. Các công ty như Trafigura (Singapore) và Glencore (Anh-Thụy Sĩ) kiếm tiền từ việc mua bán hàng hóa từ đồng cho đến dầu thô và than trên khắp thế giới, hiện bắt đầu lấn sân sang thị trường lithium.
Những công ty này cho rằng, có thể giúp thị trường lithium mở rộng và trưởng thành hơn đồng thời giảm thiểu rủi ro cho những tay chơi khác trong chuỗi cung ứng. Một số công ty như Trafigura và Traxys (Luxemburg) cũng đang đầu tư vào các nguồn cung lithium mới.
Theo Martim Facada, nhà kinh doanh lithium của Traxys, hoạt động của các nhà kinh doanh trên thị trường lithium sẽ giúp xây dựng một thị trường minh bạch và hiệu quả hơn theo thời gian. Việc này giống như dầu vào thập niên 1970 khi các chính phủ bán dầu trực tiếp cho các khách hàng nhưng sau đó, các thương nhân bắt đầu cung cấp dịch vụ mua bán dầu, giúp thị trường tăng trưởng và phát triển nhanh hơn. "Lithium đang bắt đầu trải qua quá trình đó”, Facada nói.
Tất nhiên, sự so sánh với cách đây 50 năm không tránh khỏi những khập khiễng. Thị trường lithium rất nhỏ so với các thị trường hàng hóa nhiên liệu lỏng và lâu đời hơn. Sản lượng dầu thế giới hàng năm trị giá hơn 3 ngàn tỉ đô la Mỹ theo giá hiện tại, so với 30 tỉ đô la của lithium. Kim loại này cũng được tinh chế thành các hóa chất có tính chuyên dụng mà môt số chuyên gia cho rằng sẽ làm giảm khả năng dễ dàng giao dịch của nó.
Lo ngại nguồn cung thiếu hụt
Một trong những mối lo ngại trên thị trường lithium là tình trạng thiếu hụt nguồn cung quá mức có nguy cơ đẩy giá tăng lên quá cao, hoặc kim loại trở nên khó tiếp cận đến mức các nhà sản xuất ô tô ngừng mua.
Các công ty kinh doanh hàng hóa có một lịch sử tai tiếng về lần bóp nghẹt và gây ra những cú sốc nguồn cung trên thị trường hàng hóa. Họ sẽ hứng chịu làn sóng chỉ trích nếu lặp lại hành vi này đối với lithium, kim loại rất quan trọng đối với nỗ lực phi carbon hóa của thế giới để bảo vệ khí hậu. Nhưng các công y này khẳng định họ sẽ trung vào việc giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung, chứ không làm cho vấn đề này tồi tệ hơn.
Socrates Economou, người đứng đầu bộ phận kinh doanh nickel, cobalt và lithium của Trafigura, nói: “Nhà giao dịch phải có tiếp cận hoàn toàn khác nếu muốn tham gia thị trường lithium. Bạn đang chứng kiến giá lithium cao đến mức có thể phá hủy nhu cầu. Nếu những nhà giao dịch đẩy giá lên cao hơn, tôi không biết thị trường này có thể tự duy trì bằng cách nào”.
Trafigura ước tính nhu cầu lithium carbonate trên toàn cầu sẽ đạt 800.000 tấn trong năm nay, vượt xa cung 140.000 tấn. Công ty dự báo nhu cầu lithium carbonate sẽ tăng thêm 200.000-250.000 tấn mỗi năm cho đến năm 2025.
Và trong khi thế giới ngày càng cần nhiều lithium hơn, hoạt động đầu tư vào nguồn cung mới vẫn chưa theo kịp với nhu cầu. Cho đến nay, Trafigura tập trung vào việc thực hiện các giao dịch với các dự án khai thác và tinh chế lithium ở giai đoạn đầu. Traxys cũng đang thực hiện cách tiếp cận tương tự, lùng sục khắp thế giới để tìm các nguồn cung cấp mới và giúp thúc đẩy sản xuất.
Martim Facada, nhà kinh doanh lithium của Traxys, cho biết mục đích của công ty ông là kiếm lợi nhuận nhờ thúc đẩy dòng dòng chảy tổng thể của lithium đến các nhà sản xuất xe điện.
Các công ty kinh doanh hàng hóa khác cũng đang xem xét lithium. Glencore, nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào Li-Cycle (Canada), công ty khởi nghiệp tái chế pin lithium-ion. Glencore cân cân nhắc kinh doanh lithium do công ty này tự khai thác cũng như lithium được cung cấp từ bên thứ ba.
Các công ty kinh doanh hàng hóa lớn khác gồm IXM, Transamine và Mercuria Energy Group đều đã thiết lập hoạt động giao dịch lithium trong những năm gần đây. Trong khi đó, Mitsui & Co. của Nhật Bản đã hoạt động trong lĩnh vực này từ lâu.
Chuyển sang mô hình giá giao ngay
Các công ty kinh doanh hàng hóa đang bước vào thị trường lithium vào một thời điểm diễn ra sự chuyển đổi mạnh mẽ. Trong nhiều năm, khách hàng chính của lithium chủ yếu là các nhà sản xuất ngách trong các lĩnh vực như dược phẩm và dầu nhờn công nghiệp. Giờ đây, khi các nhà sản xuất xe điện trở thành người mua lớn nhất, các công ty khai thác lithium đã chuyển sang mô hình định giá ngắn hạn hơn, phản ánh tốt hơn sự chênh lệch giữa cung và cầu.
Hồi tháng 4, viết trên Twitter, Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk nói rằng giá lithium giao ngay đã trở nên “đắt điên rồ”. Và sau nhiều năm thúc giục các nhà sản xuất cung cấp nhiều hơn, ông đang đẩy mạnh nỗ lực để tự khai khác và tinh chế lithium. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang gây áp lực buộc các công ty khai thác lithium hàng đầu như Albemarle (Mỹ) phải chuyển đổi hợp đồng bán lithium sang giá giao ngay một cách quyết liệt hơn, có khả năng gây thêm căng thẳng cho khách hàng của công ty này khi cuộc chạy đua mua lithium ngày càng gay gắt.
Kent Masters, Giám đốc điều hành của Albemarle, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, cho biết sẽ mất một thời gian trước khi thị trường lithium trưởng thành để có thể giao dịch nhiều hơn. Với thị trường giao ngay đang phát triển, cột mốc quan trọng tiếp theo của ngành công nghiệp lithium sẽ là sự phát triển của các hợp đồng tương lai có tính thanh khoản cao.
Ngoài việc giúp thị trường lithium hoạt động hiệu quả hơn, các công kinh doanh hàng hóa cho biết họ cũng có thể quản lý rủi ro đối với các nhà sản xuất ô tô và sản xuất pin khi họ bắt đầu xem xét triển khai các dự án khai thác lithium khi các lo ngại nguồn cung thiếu hụt bắt đầu tăng lên. Việc gia nhập vào ngành công nghiệp khai thác lithium sẽ đưa họ vào những địa hạt rủi ro cao hơn, khiến họ phải tốn kém các khoản đầu tư khổng lồ cũng như các biến động giá mạnh trong ngành khai thác.
Claire Blanchelande, Giám đốc kinh doanh lithium của Trafigura cho biết: “Một trong những vai trò của chúng tôi là kết nối các cấp độ khác nhau của chuỗi cung ứng để cung cấp một số mức độ bảo vệ giá cả”.
Theo Bloomberg