Trông mong gì từ các tham tán thương mại Việt Nam
P.V
(TBKTSG) - Bên lề Diễn đàn xuất khẩu 2014 mang tên “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức hôm 12-9 tại TPHCM, một số doanh nghiệp đã bày tỏ những kỳ vọng của họ về vai trò của các tham tán thương mại.
Tham tán phải đi ra từ doanh nghiệp và nhiều gấp 5 lần hiện nay
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn
- Trách nhiệm và vai trò của các tham tán thương mại là giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường đó có phù hợp với sản phẩm hay không, còn buôn bán, thanh toán là chuyện của doanh nghiệp. Chúng ta phải nhìn như vậy, chứ không thể nhìn tham tán thương mại như người phải mở thị trường cho ta.
Với trách nhiệm như thế thì một số tham tán thương mại mà tôi tiếp xúc đã làm được điều này. Chẳng hạn, vừa rồi tôi muốn mở văn phòng tại Hồng Kông, khi đến tham tán thương mại của Việt Nam tại đây, họ hỗ trợ thông tin rất tốt. Họ cho biết người có quốc tịch Việt Nam và một số nước không được mở công ty tại đây. Nếu không đến đây thì tôi không biết điều này.
Một đại sứ Việt Nam ở nước ngoài phải có 10 tham tán thương mại hay số lượng tham tán thương mại phải gấp 5 lần hiện nay thì may ra mới làm tốt nhiệm vụ của mình. Riêng như Công ty Nam Thái Sơn có ba phòng xuất khẩu, bộ phận tiếp thị khảo sát thị trường lâu lâu còn phải thay đổi, thử hỏi chỉ có một tham tán thương mại thì lấy đâu ra thời gian để làm hết việc này.
Ngoài ra, các tham tán thương mại phải từ doanh nghiệp đi ra. Tức là họ đã từng hoạt động trong doanh nghiệp và hiểu thị trường, chứ nếu chỉ làm ngoại giao sẽ rất khó. Thường thì doanh nghiệp cần thông tin về pháp lý của địa phương, văn hóa tiêu dùng của dân tộc đó và muốn biết có bao nhiêu nước đang có tham tán thương mại ở thị trường xuất khẩu, để từ đó doanh nghiệp có thể biết có bao nhiêu đối thủ đang bán hàng ở đấy.
Phải tạo niềm tin giữa doanh nghiệp và tham tán
Chủ tịch HĐQT của một công ty nhựa
- Tôi đã có dịp gặp gỡ khá nhiều tham tán thương mại. Tôi thấy rằng, tham tán phải là người làm kinh doanh, phải hiểu về kinh doanh, chứ nếu không hiểu thì rất khó có thông tin tốt để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tôi thấy tại diễn đàn “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu” có hai luồng ý kiến. Một luồng là tham tán thương mại nói doanh nghiệp phải đưa thông tin cho họ thì họ mới giúp doanh nghiệp được, còn doanh nghiệp lại nói tôi đưa thông tin nhưng không nhận được gì cả thì tôi không đưa. Vấn đề ở đây là niềm tin của hai con người và kết nối giữa con người với tổ chức đấy chưa có. Nếu doanh nghiệp và tham tán gặp nhau chỉ để chào hỏi, nói chuyện phiếm thì sẽ chẳng đi đến đâu, doanh nghiệp không muốn mất thời gian như thế.
Trước đây tham tán thương mại khá thụ động, nhưng bây giờ tham tán thương mại chủ động gặp doanh nghiệp và tìm hiểu thông tin cũng như chuẩn bị cho sự kết nối khá tốt. Tuy nhiên tham tán lại thuộc đại sứ quán, do đó doanh nghiệp phải liên hệ qua cơ quan này, chứ không tách riêng như trước đây.
Cần hỗ trợ thông tin về hiệp định và nguồn nguyên phụ liệu
Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành
- Tôi cho rằng nếu các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài giúp được doanh nghiệp trong nước có thông tin về việc doanh nghiệp ở quốc gia đó có thế mạnh gì, lĩnh vực gì, công nghiệp phụ trợ mạnh như thế nào thì sẽ rất hữu ích.
Các tham tán thường cung cấp thông tin về tốp 20 doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, nhưng những thông tin này, tập đoàn lớn mới cần. Thay vào đó tham tán thương mại nên giúp doanh nghiệp nhỏ có thông tin về những doanh nghiệp uy tín có thế mạnh cung cấp nguyên phụ liệu trong từng ngành.
Hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định, vai trò của các tham tán lại càng quan trọng. Các tham tán hãy đúc kết ra những điều gì doanh nghiệp hưởng được, những điều gì thuận lợi khi đi vào quốc gia mà họ phụ trách.
Đây là điều rất quý báu, vì các doanh nghiệp khó có thể biết hết những điều này.
Từng liên hệ với tham tán, nhưng không được hồi âm
Ông Lê Công Minh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Phát Thành
- Hiện tham tán thương mại thường đưa ra thông tin chung chung như cung cấp các trang web và một số địa chỉ e-mail để doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, tìm tòi và xúc tiến, chứ chưa hỗ trợ được những thông tin như định hướng cho từng ngành hàng, thông tin doanh nghiệp các nước sở tại làm ăn uy tín ra sao.
Nếu nói đến việc liên hệ trực tiếp với tham tán, thú thật tôi chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Nói như vậy vì trước đây tôi cũng có e-mail của tham tán thương mại Việt Nam và đã gửi e-mail nhưng chờ hoài mà không nhận được sự trả lời. Sau này tôi không liên lạc nữa.
Lưu ý gì khi xuất khẩu sang Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản? Tại Diễn đàn xuất khẩu 2014, ông Bùi Trung Thướng, bí thư phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết ngoài điện thoại di động, thì nông sản và thực phẩm như cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, thuỷ sản... là các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ, Tuy nhiên, Ấn Độ lại có tập quán tiêu dùng khác với Việt Nam, nên trước khi thâm nhập thị trường này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ. Chẳng hạn với sản phẩm mì tôm, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ mùi vị để phù hợp với thị trường Ấn Độ. Qua một số tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ gần đây, ông Bùi Trung Thướng nhận định Ấn Độ có thông tin tình báo thương mại, hải quan rất tốt, do đó, trong thời gian ngắn có thể phát hiện ra những lô hàng khai không đúng giá trị, tên hàng. Do đó ông lưu ý doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ pháp luật và khai đúng tên hàng hóa, để tránh trường hợp một khi đã bị phát hiện và bị phạt sẽ khó có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Mặc dù Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại với thị trường Ấn Độ, nhưng đây là thị trường lớn nên chương trình xúc tiến này chưa thể đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Thướng cho biết, Ấn Độ thường kết nghĩa với các thành phố nước ngoài, đây là cơ hội tốt để mở văn phòng đại diện các thành phố của Việt Nam tại Ấn để xúc tiến du lịch, hiểu biết về pháp luật, tập quán, cũng như tìm đối tác. Đối với thị trường Indonesia, tham tán Lê Hồng Minh, Trưởng đại diện thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, cho biết có nhiều cách tiếp cận thị trường Indonesia, nhưng tham gia hội chợ triển lãm thương mại chuyên ngành là một trong những cách tiếp cận hữu hiệu nhất. Dù mất chi phí ban đầu, nhưng việc này đem lại hiệu quả khá cao. Ông Minh cũng lưu ý doanh nghiệp nên hợp tác với nhà phân phối địa phương, trong đó có các kênh siêu thị, vì siêu thị ở đây đang phát triển. Có điều cần lưu ý là giá thành sản phẩm nhập khẩu thường cao hơn sản phẩm sản xuất nội địa, nên doanh nghiệp xuất khẩu phải tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ông Lê Hồng Minh cho biết thêm, việc vận chuyển trong nội địa Indonesia khá khó khăn, làm đội chi phí lên rất nhiều, và nếu vận chuyển hàng tươi sống, doanh nghiệp phải bảo quản tốt nếu không hàng hóa có khả năng bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Phát biểu tại Diễn đàn xuất khẩu 2014, ông Satoshi Nakajima, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản, một trong những điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Satoshi Nakajima, mặt hàng xuất khẩu có triển vọng của Việt Nam vào thị trường này là nông thủy sản, nhưng người tiêu dùng Nhật Bản lại rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, thời gian gần đây sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến thịt gà Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Nhật Bản càng kiểm tra nghiêm khắc hơn đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu. Ông Satoshi Nakajima cho rằng điều quan trọng nhất là làm thế nào lấy được niềm tin từ người tiêu dùng Nhật Bản. Ông hy vọng Chính phủ và các nhà sản xuất Việt Nam sẽ cùng nghiên cứu, hợp tác để tìm ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng nông thủy sản xuất sang Nhật. |