Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trông vào người dân?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trông vào người dân?

Bảo Bảo

(TBKTSG) – Thời bao cấp, trẻ con ở Hà Nội có rất nhiều không gian nhưng rất ít đồ chơi. Trò chơi khá phổ biến của lũ trẻ bị nhốt trong nhà lúc bố mẹ đi làm là vịn chấn song cửa đếm xe qua lại. Đại khái trong một giờ đồng hồ có bao nhiêu ô tô, xe máy, xe đạp đi qua con đường trước mặt. Ô tô là của hiếm, xe máy lác đác lượn qua, còn xe đạp đều đều mỗi phút độ chục cái. Trò chơi dễ dàng và miễn phí này tưởng đã thất truyền vì giờ đây lượng xe qua lại đã gấp nhiều lần khả năng đếm của mắt trẻ con. Vậy mà ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21, trò chơi ấy xem chừng lại hữu dụng.

Sau những tranh luận không ngớt, lần lượt các quan chức Chính phủ và Quốc hội đã thừa nhận tình trạng nghiêm trọng của chuyện ùn tắc giao thông tới mức “khẩn cấp”. Dường như những phản biện đã được lắng nghe, vì thế, từ các thông điệp mạnh mẽ như “cấm”, “giảm”, “hạn chế” (xe cá nhân), “cưỡng bức” (giao thông), “đổi” (giờ làm), người dân bắt đầu nhận được lời kêu gọi chia sẻ khó khăn một cách mềm mại hơn. Theo đó, giải pháp cho giao thông do các cơ quan nhà nước đưa ra là cần “tạo sự đồng thuận mạnh mẽ thông qua giải thích tuyên truyền để người dân đồng cảm với Nhà nước. Xét cho cùng, điều gì tốt cho lợi ích chung, mỗi người phải hy sinh một chút” (*). 

Không có gì sai ở chuyện đồng cảm trong một cộng đồng, nhất là đặt trong một truyền thống xã hội “duy tình”. Nhưng trước khi người dân mềm lòng chấp nhận bị “hạn chế quyền” khi Nhà nước áp dụng những quy định của “Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp” như có ý kiến từ Quốc hội đưa ra, nên chăng cần xem xét vấn đề này theo góc nhìn trách nhiệm.

Những ví dụ nhỏ mà không nhỏ, như chuyện đảm bảo đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư phải hoạt động, hay mọi biển báo giao thông phải hiên ngang trong tầm mắt chứ không “anh-hùng-Núp” dưới tán cây, ắt hẳn thuộc về trách nhiệm của các cơ quan công quyền. Đó là chưa nói tới trách nhiệm xây đường sá cho đủ, dẹp nhà cửa xây lấn tuyến cho nghiêm…

Người dân sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có đèn đỏ mà cứ vượt, có biển cấm rẽ mà cứ lượn, đường một chiều mà cứ phớt lờ. Nhưng trách nhiệm của họ sẽ không phải là “cầm điếu cày” nhảy ra lùa xe ngược chiều, hay hoan nghênh các kỹ sư của một cơ quan nghiên cứu khoa học về giao thông vận tải xuống đường phân làn. Thực chất, nếu phải chịu chung hậu quả của sự thiếu trách nhiệm trong điều hành giao thông đô thị, e rằng yêu cầu đó hơi quá sức người dân.

Các cán bộ của cơ quan chuyên ngành, vốn có cơ hội chiêm nghiệm qua nhiều chuyến tham quan học tập các thành phố hiện đại trên thế giới, phải có trách nhiệm trong tổ chức giao thông và áp dụng các công cụ tiên tiến để điều tiết lưu lượng xe cộ trong thành phố.

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước nằm chính ở khả năng điều phối giữa các cơ quan hữu trách cho cùng một vấn đề. Người ta vẫn viện lý do vướng mắc phát sinh trong quy hoạch là rất phức tạp, nhưng nếu ghé mắt nhìn qua những lời rao dự án bất động sản trong trung tâm và xung quanh thành phố, không khó để làm một phép tính cộng lượng cư dân đã, đang và sẽ đặt số mệnh các chuyến đi ngày ngày của họ trên một tuyến đường. Vấn đề là cơ quan quản lý xây dựng không có ý định đếm cư dân, qua đó, ước lượng phương tiện, có lẽ do việc đếm các giấy phép xây dựng và các con số trong đó mới là chính yếu.

Việc áp dụng các giải pháp như giảm phương tiện cá nhân, đổi giờ làm, dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Người dân sẽ phải chuẩn bị cho lịch sinh hoạt thay đổi, điều chỉnh lại kế hoạch mua sắm xe cộ trong tương lai, cùng với sự cảm thông sâu sắc với trách nhiệm mà Nhà nước trao gửi họ.

Chưa được xuất ngoại, chỉ xem một vài bộ phim hành động Mỹ hồi đầu thế kỷ, nhiều đứa trẻ đã quan sát thấy giao thông ở các siêu đô thị được kiểm soát hoàn toàn bằng máy tính. Mọi giao lộ đều có camera kết nối hệ thống mạng chung. Từ đây, trung tâm điều độ giao thông dễ dàng quan sát để đưa ra những mệnh lệnh tăng giảm lượng xe trên đường bằng tín hiệu đã được luật hóa để các phương tiện tuân theo răm rắp. 

Nhìn bố mẹ mắt nhắm mắt mở dắt xe khỏi nhà lúc 6 giờ sáng, lũ trẻ mong tới một ngày được lớn lên, đưa trò chơi đếm xe thuở nào vào hệ thống máy tính điều khiển giao thông thành phố.
_____
(*) http://dantri.com.vn/c20/s20-533149/buoc-phai-pham-quyen-cong-dan-de-han-che-tai-nan-un-tac-giao-thong.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới