Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc – Ấn Độ tranh chấp nguồn nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc - Ấn Độ tranh chấp nguồn nước

Tây Tạng là nơi khởi nguồn của nhiều dòng sông lớn

(TBKTSG) - Bên cạnh tranh chấp lãnh thổ nhiều thập niên chưa giải quyết xong, giữa Trung Quốc và Ấn Độ mới đây lại nảy sinh vụ tranh chấp mới về nguồn nước, tương tự như vụ tranh chấp nước sông Mêkông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Trung Quốc có kế hoạch nắn dòng để chuyển lưu lượng nước của một con sông bắt nguồn từ Tây Tạng cho chảy về những vùng đất khô hạn của mình và điều đó khiến vùng đông bắc Ấn Độ trở thành sa mạc. Thủ tướng Ấn Manmohan Singh, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh gần đây, được biết là đã nêu lên vấn đề những dòng sông quốc tế khởi nguồn từ Tây Tạng nhưng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định rằng tình trạng thiếu nước đang đe dọa “sự sinh tồn của đất nước Trung Hoa”.

Dòng sông được đề cập là sông Brahmaputra, bắt nguồn từ vùng tây nam Tây Tạng với tên gọi Yalong Tsangpo. Nó chảy về hướng đông, qua miền nam Tây Tạng khoảng 1.600 ki lô mét rồi đột ngột đổi hướng về tây; chỗ dòng sông quay đầu được gọi là điểm Shuomatan, hay là “Khúc ngoặt vĩ đại”. Ngay sau khúc ngoặt này dòng sông chảy vào đất Ấn Độ, hợp lưu với hai dòng sông lớn khác và có tên là sông Brahmaputra. Sông Brahmaputra lại chảy vào đất Bangladesh, hợp lưu với sông Hằng (Ganges) để tạo ra vùng châu thổ rộng lớn nhất thế giới trước khi đổ vào vịnh Bengal.

Chính “Khúc ngoặt vĩ đại” của sông Yalong Tsangpo là nơi Trung Quốc có kế hoạch nắn dòng và xây dựng một dự án thủy điện khổng lồ có công suất 40.000 megawatt. Vụ nắn dòng chảy của sông Yalong Tsangpo là một phần của một dự án thủy lợi, thủy điện lớn lao hơn nhằm đưa nước từ cao nguyên Tây Tạng băng giá về miền Hoa Bắc khô hạn. Nước của ba dòng sông Yalong, Dadu và Jinsha - đều khởi nguồn từ Tây Tạng, sẽ được chuyển vào sông Hoàng Hà, từ đó cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và công nghiệp cho những vùng khan hiếm nước ở bắc và đông bắc Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, lý lẽ biện minh cho dự án nắn dòng các con sông thật đơn giản. Hơn một phần tư lãnh thổ Trung Quốc là sa mạc; vùng miền bắc và đông bắc thiếu nước trầm trọng. Nhu cầu tiêu thụ nước ngày càng tăng, đô thị hóa với tốc độ nhanh và ô nhiễm đã khiến nước của nhiều dòng sông Trung Quốc trở nên không sử dụng được; nhiều đoạn sông Hoàng Hà đã cạn nước. Ngược lại, những dòng sông sinh ra từ những khối núi băng ở Tây Tạng thì đầy nước. Trung Quốc dự tính, khi hoàn thành, dự án nắn dòng các con sông sẽ chuyển được mỗi năm khoảng 40-200 tỉ mét khối nước đến những vùng khô hạn, giải tỏa cơn khát nước ở mức độ đáng kể.

Quả thật cao nguyên Tây Tạng là một nguồn nước phong phú, nơi sinh ra hơn 10 dòng sông lớn, trong đó có sông Yalong Tsangpo/Brahmaputra, sông Sutlej, sông Ấn hà (Indus) và sông Mê Kông/Cửu Long; 47% dân số thế giới ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam sống nhờ vào những dòng sông này.

Nhưng theo giới nghiên cứu, nguồn nước của cao nguyên Tây Tạng băng giá không phải là vô tận như tuyên bố của các quan chức Trung Quốc. Cao nguyên Tây Tạng phủ đầy băng nhưng là một sa mạc khô cằn với lượng mưa rất ít. Nguồn cung cấp nước cho các dòng sông chính là những băng sơn đang tan vì tác động của sự ấm nóng toàn cầu. Nếu cùng với tác động của nhiệt độ ngày càng tăng trên các băng sơn, Trung Quốc ra sức nắn các dòng sông khỏi con đường đi tự nhiên của chúng thì chỉ vài thập kỷ nữa Tây Tạng sẽ trở thành một vùng thiếu nước; môi trường và sinh thái sẽ bị tàn phá khủng khiếp.

Việc nắn dòng sông Yalong Tsangpo tại “Khúc ngoặt vĩ đại” không chỉ gây tai họa cho cao nguyên Tây Tạng mà cho cả các quốc gia phía hạ nguồn như Ấn Độ và Bangladesh, đe dọa cuộc sống và sinh mạng của hàng chục triệu người. Khi sông Yalong Tsangpo bị nắn dòng, lưu lượng sông Brahmaputra sẽ sút giảm đáng kể, gây khô hạn cho vùng đông bắc Ấn Độ và nước Bangladesh; nông nghiệp và ngư nghiệp sẽ bị tác động nặng nề vì độ mặn của nước tăng lên, phù sa làm cạn dòng ở phía cuối nguồn.

Trước đây sự giảm sút lưu lượng nước của sông Hằng đã từng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh mạng của nhiều triệu người Bangladesh, buộc họ phải di cư tới vùng đông bắc Ấn Độ, làm thay đổi cơ cấu dân số của vùng này và gây nên những vụ xung đột sắc tộc. Sự giảm sút lưu lượng nước của sông Brahmaputra sẽ đẩy tình trạng này lên cấp độ nguy hiểm hơn nhiều.

Nhiều người còn lo ngại rằng, một khi dự án nắn dòng sông được khởi động, Trung Quốc sẽ có quyền lực lớn hơn và lợi thế hơn Ấn Độ và điều đó càng làm gia tăng mối bất hòa giữa hai quốc gia đông dân nhất hành tinh. Trong lịch sử đã từng có những biến cố cho thấy các nước phía cuối nguồn các dòng sông thường dễ bị tổn thương vì những chuyện diễn ra ở phía đầu nguồn. Tháng 6-2000, một con đập ở Tây Tạng bị vỡ, gây lụt lội và làm thiệt mạng hơn 100 người Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh. Tháng 8 cùng năm, những hồ nước ở Tây Tạng bị tràn bờ gây lũ trên sông Sutlej ở bang Himachal Pradesh miền bắc Ấn Độ, cuốn trôi hơn 100 cây cầu và hàng chục người thiệt mạng.

"Nếu lũ lụt phía thượng nguồn gây tai họa cho phía hạ nguồn thì việc nắn dòng, chuyển nước đi nơi khác còn gây tác hại khủng khiếp hơn nữa”, ông Claude Arpi, quan sát viên kinh tế Ấn-Trung, cảnh báo.

Ông Arpi còn nói rằng, do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, dự án chuyển dòng này “không chỉ liên quan tới môi trường mà còn tác động đến an ninh quốc gia và quốc tế. Nếu Bắc Kinh kiên trì thực hiện dự án nắn dòng sông Yalong Tsangpo thì trong thực tế hành động đó gần như là tuyên chiến với vùng Nam Á”, ông nhấn mạnh.

Ấn Độ đang theo dõi dự án nắn dòng này với mối quan tâm sâu sắc nhưng họ chẳng thể làm gì được. Hai nước Ấn-Trung chưa ký kết hiệp định chia sẻ nguồn nước nên Trung Quốc tùy ý sử dụng đoạn phía thượng nguồn sông Brahmaputra mà không cần tham vấn ý kiến của Ấn Độ. Hơn thế nữa, sự thờ ơ của Trung Quốc đối với các nước phía cuối nguồn còn bộc lộ rõ qua việc Trung Quốc không bao giờ công khai hoặc chia sẻ các dữ liệu thủy văn với Ấn Độ hoặc các nước có chung những dòng sông quốc tế. Hai nước Ấn-Trung thực tế đã thành lập một cơ quan liên quốc gia cấp chuyên viên phụ trách các dòng sông này nhưng Trung Quốc không mấy nhiệt tình trong việc triển khai hoạt động của cơ quan.

Có vẻ như Ấn Độ chẳng thể làm gì khác hơn là ngồi nhìn trong tuyệt vọng cảnh Trung Quốc hăm hở lao tới với những tham vọng chuyển hóa các dòng sông.

THÁI BÌNH (Theo Asia Times Online)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới