(KTSG Online) – Trung Quốc vừa công bố kế hoạch cải cách bộ máy quản lý mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên. Đây được xem là một phần trong nỗ lực sâu rộng của nước này nhằm giúp nền kinh tế tự lực và kiên cường hơn trong bối cảnh Mỹ ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ tiên tiến.
- Quốc hội Trung Quốc bàn kế hoạch phục hồi kinh tế
- Trung Quốc ngăn chặn tình trạng phát triển ‘bát nháo’ của bất động sản
Kế hoạch cải cách được chính phủ Trung Quốc công bố hôm thứ 7-3 bao gồm tăng cường giám sát hệ thống tài chính trị giá 60 nghìn tỉ đô la, thành lập một cơ quan mới để quản lý dữ liệu và tái tổ chức Bộ Khoa học và công nghệ. Những thay đổi mới bao gồm đề xuất thành lập một cơ quan có tên gọi Ủy ban Khoa học và công nghệ trung ương sẽ củng cố vai trò hoạch định chính sách trong hai lĩnh vực này của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tân Hoa xã cho biết mục tiêu của kế hoạch là “phân bổ nguồn lực tốt hơn để vượt qua những thách thức trong các công nghệ then chốt và cốt lõi, đồng thời tiến nhanh tới sự tự lực lớn hơn về khoa học và công nghệ”.
Trung Quốc cũng sẽ cắt giảm 5% số lượng vị trí công việc trong các cơ quan chính quyền trung ương và phân bổ họ vào các lĩnh vực quan trọng chiến lược, theo văn kiện được công bố tại kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc). Đây là tỷ lệ việc làm ở các cơ quan trung ương bị cắt giảm nhiều nhất kể từ năm 1998, khi chính quyền trung ương và các doanh nghiệp nhà nước được tổ chức lại.
Một trong những điểm nổi bật của cuộc cải tổ là thiết lập một cơ quan quản lý tài chính quốc gia có tên gọi Ủy ban Công tác tài chính trung ương để đảm trách một số nhiệm vụ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Theo kế hoạch, Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc sẽ bị xóa bỏ. Trong khi đó, Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc sẽ được nâng lên thành cơ quan chính phủ trực thuộc Quốc vụ viện (tức chính phủ Trung Quốc). Mục đích là để giải quyết các xung đột và vấn đề tồn đọng từ lâu trong lĩnh vực tài chính.
Quyết định này đánh dấu bước phát triển mới nhất trong nỗ lực kéo dài một thập niên nhằm thúc đẩy hợp nhất, hoặc ít nhất là thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng sẽ thành lập một cơ quan quốc gia để giám sát và bảo vệ các nguồn dữ liệu. Cơ quan mới có thể giúp Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát thông tin có giá trị thu thập từ các bộ phận của nền kinh tế, bao gồm cả ngành công nghiệp internet.
Tiffany Tam và Robert Lea, hai nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, nhận định trong một báo cáo: “Các lo ngại về an ninh quốc gia đã đặt vấn đề bảo vệ dữ liệu lên ưu tiên hàng đầu ở cả hai phía Mỹ lẫn Trung Quốc”.
Bắc Kinh đang chịu sức ép lớn do Washington tăng cường sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, các biện pháp trừng phạt khác để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ có thể mang lại lợi thế kinh tế và quân sự, đặc biệt là về chip bán và trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc cũng đứng trước một loạt thách thức kinh tế trong nước. Báo cáo công tác chính phủ tại Quốc hội Trung Quốc của Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh các khoản nợ của chính quyền địa phương và khó khăn trong lĩnh vực bất động sản là những mối đe dọa chính đối với sự ổn định tài chính.
Mỹ đã đưa vào “danh sách đen” tất cả các công ty và viện nghiên cứu tiên tiến nhất của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau từ chip,siêu máy tính cho đến điện toán đám mây và khai thác dữ liệu. Tập đoàn công nghệ và viễn thông Huawei Technologies, hãng chip Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) và gần đây nhất là Inspur Group, nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu lớn và điện toán đám mây của Trung Quốc, đều bị Mỹ đưa vào danh sách này nhằm ngăn chặn họ tiếp cận công nghệ của Mỹ.
“Ở những khu vực quan trọng, chúng ta cần tự lực và kiểm soát. Phát triển mạnh mẽ và kiểm soát các công nghệ quan trọng nhất là cần thiết cho sự phát triển chất lượng cao của chúng ta... Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, liệu chúng ta có xây dựng được đất nước hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa một cách toàn diện như kế hoạch hay không phụ thuộc vào sự tự lực, tự cường của khoa học và công nghệ” , Chủ tịch Tập Cận Bình nói trước các đại biểu Quốc hội Trung Quốc hôm 5-3.
Rory Green, một nhà kinh tế tại TS Lombard, nhận định những cải cách trên của Trung Quốc nhằm tạo ra một mô hình kinh tế chính trị “thịnh vượng chung”, một cụm từ mà Chủ tịch Tập Cận Bình thường sử dụng để ám chỉ đến một hệ thống phân bổ của cải công bằng hơn.
Theo Bloomberg, Reuters