(KTSG Online) - Một số bộ của Trung Quốc yêu cầu nhân viên không sử dụng iPhone tại nơi làm việc để đề phòng rủi ro an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ dâng cao.
Tờ South China Morning Post hôm 6-9 dẫn các nguồn thạo tin xác nhận, lệnh cấm đó được đưa ra hồi tháng 8, áp dụng cho các nhân viên của các bộ phụ trách các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư, thương mại và các vấn đề quốc tế.
Các nguồn tin cho biết, lệnh cấm nhằm mục đích loại bỏ các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến các thiết bị viễn thông do Apple sản xuất.
Một lệnh cấm tương tự được cho là đã thực thi trong nhiều năm đối với một số cơ quan chính phủ, nhưng lệnh cấm mới nhất đã mở rộng phạm vi áp dụng.
Một nguồn tin cho biết, nhân viên ở các bộ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm có thời hạn đến cuối tháng này để chuyển sang sử dụng các thương hiệu điện thoại khác ở công sở.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal đưa tin, Trung Quốc cấm nhân viên của các cơ quan chính quyền trung ương sử dụng hoặc mang iPhone cũng như các thiết bị thương hiệu nước ngoài vào nơi làm việc.
Động thái này có thể gây lo ngại cho các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc bao gồm Apple. Apple thống trị phân khúc smartphone cao cấp ở Trung Quốc. Đây cũng là một trong những thị trường lớn nhất của Apple, đóng góp 19% tổng doanh thu của công ty.
Các lệnh cấm tương tự cũng được Washington và các đồng minh áp đặt đối với các thiết bị viễn thông Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cấm thiết bị điện tử của hai tập đoàn công nghệ và thiết bị viễn thông Trung Quốc, Huawei và ZTE kể từ tháng 11-2021 với mục đích “bảo vệ người dân Mỹ khỏi các mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến viễn thông”.
Kể từ tháng 11-2022, nhiều nước phương Tây cấm cài đặt ứng dụng TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ ByteDance (Trung Quốc), trên thiết bị của các cơ quan chính phủ vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể được chuyển giao cho chính phủ Trung Quốc.
Động thái trên của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vướng vào các tranh chấp về thương mại, công nghệ và gián điệp.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc Trần Nhất Tân kêu gọi thực thi các biện pháp chặt chẽ hơn để “chủ động phòng vệ” trước các hoạt động gián điệp.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đối với công nghệ nước ngoài vì lo ngại về an ninh quốc gia.
Hai năm trước, Bắc Kinh cấm xe điện của hãng Tesla (Mỹ) đi vào các cơ sở của chính phủ và khu quân sự vì lo ngại gián điệp. Tesla đã nhiều lần phủ nhận xe của hãng được sử dụng làm phương tiện để thu thập thông tin tình báo.
Bắc Kinh đã kêu gọi các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước thay thế công nghệ nước ngoài bao gồm máy tính, hệ điều hành và phần mềm bằng các sản phẩm nội địa được cho an toàn hơn và có thể kiểm soát.
Bắc Kinh cũng thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý để củng cố an ninh quốc gia, chẳng hạn, xây dựng luật để đảm bảo rằng dữ liệu được thu thập ở Trung Quốc không được lọt ra ngoài lãnh thổ của nước này.
Hồi tháng 7, luật chống gián điệp mới của Trung Quốc có hiệu lực, xem các cuộc tấn công mạng nhằm vào chính phủ để lấy dữ liệu và thông tin “liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia” là hoạt động gián điệp.
Năm 2017, Trung Quốc ban hành luật an ninh mạng, yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung Quốc ở trong nước.
Kể từ năm 2018, Apple đã lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung Quốc tại một trung tâm dữ liệu nằm ở tỉnh Quý Châu.
Vào năm 2021, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ban hành dự thảo yêu cầu tất cả các phương tiện thông minh phải lưu trữ dữ liệu được thu thập ở Trung Quốc trong phạm vi biên giới của nước này. Trong năm đó, Tesla đã mở một trung tâm dữ liệu ở Thượng Hải.
Theo SCMP, WSJ