Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trung Quốc, nước xử lý đất hiếm hàng đầu thế giới, thông báo cấm xuất khẩu công nghệ chiết xuất và tách các kim loại chiến lược từ đất hiếm. Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm bảo vệ sự thống trị đối với một số kim loại đóng vai trò đối với quá trình chuyển đổi xanh cũng như các thiết bị điệu tử tiêu dùng và vũ khí quốc phòng.

Nhiều chuyên gia coi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm là bằng chứng thấy Bắc Kinh đang tận dụng sự kiểm soát đối với chuỗi cung ứng công nghệ sạch toàn cầu để chống lại các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 21-12, Bắc Kinh đưa công nghệ liên quan đến kim loại và nam châm đất hiếm vào danh sách các mặt hàng không được phép xuất khẩu . Danh sách cấm xuất khẩu bao gồm công nghệ tách đất hiếm cũng như sản xuất kim loại đất hiếm, nam châm chất hiếm và vật liệu hợp kim. Công nghệ khai thác mỏ, luyện quặng và luyện kim được liệt kê là “bị hạn chế” thay vì bị cấm. Mục đích của lệnh cấm gồm bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các đối thủ địa chính trị của Trung Quốc đang gấp rút cắt giảm sự phụ thuộc vào vật liệu thô quan trọng sản xuất tại Trung Quốc. Trong ba thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng vai trò thống trị trong hoạt động khai thác và tinh chế đất hiếm, một cụm gồm 17 nguyên tố kim loại được sử dụng trong mọi thứ, từ tuốc-bin gió đến thiết bị quân sự và xe điện. Trung Quốc đã làm chủ được quy trình chiết dung môi để tinh chế các loại khoáng sản chiến lược, điều mà các công ty đất hiếm phương Tây gặp khó khăn trong việc triển khai do sự phức tạp về kỹ thuật và lo ngại về ô nhiễm.

Các quy định mới của Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm nhưng có thể nhằm mục đích cản trở những nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này bên ngoài Trung Quốc.

Các kim loại chiến lược đang được chú ý khi các nước phương Tây ngày càng coi nỗ lực bảo đảm nguồn cung của chung vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt là khi quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt trong tương lai.

Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực giảm bớt sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các dòng khoáng sản từ đất hiếm cho đến các kim loại như lithium và cobalt. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đặt ra các quy tắc nhằm khuyến khích tăng nguồn cung các kim loại này trong nước hoặc từ các đồng minh. Trung Quốc đã đáp trả bằng việc hạn chế xuất khẩu các kim loại chiến lược bao gồm gallium, germanium và than chì (graphite) trong năm nay.

Trong khi IRA cùng với Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu và IRA sẽ mở ra nguồn tài trợ mới cho các nhà cung cấp tiềm năng, động thái mới nhất của Bắc Kinh nhấn mạnh những thách thức kỹ thuật mà các nhà sản xuất phương Tây có thể đối mặt trong việc phát triển các quy trình xử lý đất hiếm Trung Quốc đã thành thạo trong nhiều thập niên.

Cho đến gần đây, hầu như không có nhà máy tinh chế đất hiếm nào bên ngoài Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty và nhà nghiên cứu của nước này đã xây dựng được lợi thế thực tế và công nghệ đáng kể về cách chiết xuất và tinh chế đất hiếm.

Việc Trung Quốc chi phối thị trường đất hiếm toàn cầu lần đầu tiên thu hút được sự chú ý tế vào năm 2010, khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế xuất khẩu mặt hàng này đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Sau đó, Trung Quốc phải hủy bỏ các hạn chế này sau khi bị khiếu kiện ở Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, những lo ngại về sự thống trị đất hiệm của Bắc Kinh vẫn tồn tại khi các nhà cung cấp phương Tây vấp phải những trở ngại về thương mại, kỹ thuật và môi trường trong nỗ lực phát triển các nguồn cung thay thế.

Theo số liệu của chính phủ Mỹ, Trung Quốc chiếm hơn 2/3 sản lượng lượng đất hiếm khai thác trên thế giới năm ngoái và là nơi có công suất tinh chế lớn nhất toàn cầu. Nước này cũng thống trị nguồn cung nam châm đất hiếm, sử dụng phổ biến trong xe điện, động cơ tuốc-bin gió, điện thoại di động và nhiều sản phẩm tinh vi khác.

Một nhà phân tích đất hiếm giấu tên cho biết thực tế, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các công nghệ đất hiếm kể từ năm 2007. “Các nước khác như Mỹ, Nhật Bản và Pháp đều có công nghệ chiết  xuất kim loại đất hiếm nhưng Trung Quốc có lợi thế về hiệu quả và chi phí hàng đầu”, nhà phân tích nói.

Các quan chức Trung Quốc trong những tháng gần đây nhấn mạnh an ninh quốc gia là lý do chính cho các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia coi đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang tận dụng sự kiểm soát đối với chuỗi cung ứng công nghệ sạch toàn cầu để chống lại các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh.

Sản lượng oxit đất hiếm bên ngoài Trung Quốc tăng gần gấp 4 lần lên 90.000 tấn trong vòng 7 năm tính đến năm 2022. Nhưng Trung Quốc vẫn duy trì sự thống trị tăng gấp đôi sản lượng oxit đất hiếm lên 200.000 tấn trong cùng kỳ.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu đất hiếm toàn cầu sẽ tăng gấp 7 lần trong hai thập niên tới năm 2040 do sự chuyển đổi của thế giới từ sản xuất và vận chuyển năng lượng sử dụng nhiều carbon sang sản xuất điện và xe điện sạch hơn. Cơ quan này lưu ý, các nước thường mất hơn 15 năm để phát triển các dự án khai thác đất hiếm từ phát hiện đến khi sản xuất.

 Theo Bloomberg, Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới