Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc can thiệp giá than, khiến giá dầu và khí đốt toàn cầu giảm theo

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính sách can thiệp của chính phủ Trung Quốc cũng khiến giá than tại nước này giảm hơn 30% trong ba ngày qua. Nhà đầu tư đẩy mạnh giao dịch bán tháo nhằm hạ nhiệt giá các mặt hàng năng lượng, đặc biệt là khí đốt và than đá, khiến giá dầu thô hôm nay giảm mạnh. Cùng lúc đó, dự báo về mùa đông ấm áp tại Mỹ cũng khiến giá dầu thô giảm thêm.

Nhà máy điện than ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Các chính sách can thiệp của chính phủ trung ương đã khiến giá than trên các sàn giao dịch nội địa giảm hơn 30% trong ba ngày qua. Ảnh: Reuters

Giá than nội địa Trung Quốc giảm mạnh

Sau cuộc họp với các hãng than lớn và các hiệp hội công nghiệp, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) – cơ quan hoạch định chính sách trung ương – đã đặt ra một số công cụ để hạ nhiệt giá than đang tăng phi tiễn, đồng thời bảo đảm đủ nguồn cung năng lượng cho mùa đông và mùa xuân tới.

Tại cuộc họp tối 19-10, các mỏ than được lệnh phải tuân thủ chặt chẽ các hợp đồng ngắn hạn và dài hạn nhằm giữ giá luôn ổn định. Cơ quan quản lý thị trường sẽ ra tay nếu có dấu hiệu đầu cơ hoặc tăng giá.

Giá các loại than nhiệt lượng giao trong tương lai lập tức giảm ngay trong đêm trên thị trường Trường Châu, với giá giao trong tháng 1-2022 giảm đến 8% còn 1.755 nhân dân tệ, tức 274 đô la mỗi tấn. Trước đó, giá than đã đạt đỉnh trong ngày ở mức 1.982 nhân dân tệ, cao gấp ba lần so với giá cuối năm 2020.

Sang ngày 20-10, sàn Trường Châu thông báo là biên độ giao dịch sẽ dao động đến 10% và sàn sẽ hạn chế một số nhân vật tham gia. Tính đến hết 22-10, giá than trên sàn Trường Châu, Đại Liên và các sàn nội địa khác đã giảm đến 31%.

Ngoài ra, chính phủ cũng yêu cầu mở cuộc kiểm tra đặc biệt về chi phí khai thác và phân phối than đối với các doanh nghiệp khai thác than lớn nhằm có phương án hạ giá than. Sản lượng khai thác than của Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc (CEG) trong 20 ngày đầu tháng 10 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 2,26 triệu tấn/ngày. Chính phủ Trung Quốc hiện đang đặt mục tiêu cung ứng ra thị trường 12 triệu tấn/ngày.

Đối với thị trường giao trong tương lai, chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các sàn giao dịch hàng hoá nước này phải nâng mức thuế, phí, hạn chế định mức giao dịch và điều tra các giao dịch nghi ngờ thao túng thị trường than giao sau. Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các doanh nghiệp nhiệt điện than được tăng giá điện đối với một số nhóm khách hàng để chuyển một phần gánh nặng chi phí nhiên liệu đầu vào, giảm mức thua lỗ.

NDRC đã viện dẫn điều 30 Luật về giá của Trung Quốc quy định “các cơ quan trung ương và cấp tỉnh có thể can thiệp khi giá các loại hàng hóa và dịch vụ chính yếu tăng mạnh”. Luật cũng đưa ra một số lựa chọn như giới hạn biên lợi nhuận, đặt ra khung giá và yêu cầu các đợt tăng giá phải có sự chuẩn thuận của chính quyền.

Tăng trưởng GDP trong quí 3 vừa rồi chỉ đạt 4,9%, giảm mạnh so với con số 7,9% của quí 2. Giá cả các loại nguyên liệu, trong đó có than, đều tăng là nguyên nhân chính. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chuyển các chi phí gia tăng này cho khách hàng và lợi nhuận của họ cũng sụt giảm. Thị trường vốn và việc làm cũng bị ảnh hưởng, với số việc làm ở thành thị vẫn thấp hơn mức trước khi dịch bùng phát.

Tuy vậy, các biện pháp kiểm soát giá sẽ thành công trong tương lai hay không vẫn chưa thể chắc chắn. Giá gia tăng không phải phần lớn vì nạn đầu cơ tích trữ, mà bởi nguồn cung bị hạn chế. “Ngay cả khi chính quyền giám sát chặt tệ đầu cơ, điều này vẫn chỉ có hiệu quả tạm thời nếu việc thiếu hụt năng lượng không được giải quyết”, Naohiro Niimura của hãng tư vấn Market Risk Advisory ở Tokyo giải thích.

Một số nhà quan sát cũng e ngại rằng việc “canh me” các nhà đầu cơ cũng đóng luôn cánh cửa tham gia cuộc chơi của các nhà buôn quốc tế. Bởi nhà buôn sẽ tìm cách bán ở thị trường cao giá hơn bên ngoài Trung Quốc, như vậy thị trường Trung Quốc vẫn khan hiếm và tăng giá.

“Trừ phi mùa đông này thật sự ấm áp, khan hiếm nguồn cung và tăng giá vẫn tiếp tục diễn ra cho đến hết mùa đông”, Nobuyuki Kuniyoshi của Công ty kim loại và dầu khí quốc gia Nhật Bản phân tích.

Dự báo mùa đông ấm áp khiến giá dầu giảm

Sau khi vượt ngưỡng 86 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, giá dầu thô Brent đã chịu áp lực giảm mạnh sau khi dự báo thời tiết nói Mỹ sẽ đón mùa đông ấm áp hơn trong năm nay. Nhiệt độ sẽ không giảm sâu như các lo ngại trước đây.

Đến trưa 22-10, giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 0,82% xuống còn 83,98 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm 0,65% xuống còn 81,92 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô WTI đang hướng đến mức tăng 0,5% và dầu thô Brent gần như không đổi.

Từ giữa tháng 9 đến đầu tuần này, giá dầu thô đã đạt những mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khi Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu thiếu nghiêm trọng than đá và khí đốt. Giá các loại nhiên liệu trên tăng vọt, kéo giá dầu tăng theo. Xu hướng chuyển đổi từ khí tự nhiên sang dầu thô của các nhà máy điện cũng khiến nhu cầu dầu thô dự báo sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 431.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 15-10, trái ngược hoàn toàn so với dự đoán tăng 1,9 triệu thùng trong một cuộc thăm dò của Reuters thực hiện trước đó.

Giới phân tích chỉ ra rằng, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushung, Oklahoma, những trung tâm sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2018 có thể khiến tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường kéo dài.

EIA đồng thời cũng đưa dự báo dữ trữ xăng của Mỹ giảm mạnh, dự kiến ở mức 5,4 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 217,7 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11-2019.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới