Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: chính quyền lắng nghe…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: chính quyền lắng nghe…

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Thứ Sáu tuần trước (29-1) chính phủ Trung Quốc bất ngờ đưa ra một dự thảo nghị định về giải tỏa nhà cửa trên đất đai do nhà nước quản lý. Dự thảo được đăng trên trang web của Vụ Pháp chế, Quốc vụ viện nước này để trưng cầu ý kiến của người dân trong nửa tháng.

Hãng tin Tân hoa xã cho biết, ngay sau khi được công bố, bản dự thảo đã trở thành tin nóng trên báo chí và trên mạng, gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi khắp Trung Quốc và đến tối cùng ngày đã có 117.680 lượt người xem toàn văn dự thảo, 2.400 người đã nêu ý kiến bình luận.

Dự thảo quy định điều kiện, thủ tục giải tỏa nhà cửa, theo đó trước khi giải tỏa, chính quyền và nhà đầu tư phải đền bù cho chủ nhà với mức đền bù không thấp hơn giá mua bán các ngôi nhà tương tự trên thị trường; không được sử dụng bạo lực, đe dọa hoặc những biện pháp phi pháp khác như cắt nguồn cung cấp điện nước để buộc người dân phải rời khỏi nhà cửa.

Ngoài ra, người dân được quyền khiếu nại nếu cho rằng mức bồi thường là không thỏa đáng, và trong thời gian khiếu nại họ sẽ không bị cưỡng chế phải bàn giao nhà cửa.

Giáo sư Vương Khải Tân (Wang Xixin) thuộc trường Luật Đại học Bắc Kinh – một trong những tác giả của bản dự thảo, cho rằng nghị định này là một bước tiến lớn nhằm giải quyết một vấn đề xã hội bức xúc. Theo ông Vương, luật lệ hiện hành ở Trung Quốc về giải tỏa đất đai chỉ chú trọng đến lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư mà không quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Còn theo Giáo sư Uông Ngọc Khải (Wang Yukai) thuộc Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc, nghị định hạn chế đáng kể sự lạm quyền của chính quyền địa phương trong việc giải tỏa, thu hồi đất đai.

Theo luật đất đai Trung Quốc, khi thu hồi đất xây dựng các công trình công cộng, chính quyền phải thương lượng với người dân và đưa ra mức giá đền bù. Tuy nhiên, một đạo luật năm 2001 cho phép chính quyền cưỡng chế để thu hồi đất mà không cần phải có sự đồng ý của chủ nhà về mức đền bù, thậm chí không cần đền bù, cũng như cho phép các công ty kinh doanh địa ốc, các nhà đầu tư được tham gia quá trình giải tỏa nhà cửa lấy đất xây dựng công trình.

Một số công ty này, câu kết với chính quyền địa phương, sử dụng các thủ đoạn bạo lực để đẩy người dân ra khỏi nơi cư trú hợp pháp, chẳng hạn như cắt điện cắt nước, thuê côn đồ đe dọa, hành hung những người không chịu giao nhà cửa hoặc phản đối mức đền bù… gây bức xúc sâu sắc trong xã hội.

Giáo sư Thẩm Khuê (Shen Kui) Đại học Bắc Kinh, cho rằng lợi ích của người dân và của nhà đầu tư, kinh doanh địa ốc đối lập nhau gay gắt vì thế ngày càng có nhiều vụ giải tỏa mặt bằng kết thúc trong máu và nước mắt. Tình trạng đó đặc biệt nghiêm trọng từ năm ngoái khi có nhiều dự án bất động sản, xây dựng hạ tầng… được tiến hành nhờ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ Trung Quốc.

Nhiều vụ xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương hoặc nhà đầu tư… đã biến thành cuộc chiến đấu sinh tử. Một trường hợp điển hình là bà Đường Phúc Trân (Tang Fuzhen), 47 tuổi, đã tự thiêu ngày 13-11-2009 tại thành phố Thành Đô để phản đối giải tỏa. Theo Tân hoa xã, trong vài tháng qua đã có 5 vụ tự thiêu phản đối như vậy.

Ngay sau vụ tự thiêu của bà Đường, ngày 7-12-2009, năm giáo sư luật của Đại học Bắc Kinh, trong đó có các giáo sư Vương Khải Tân và Thẩm Khuê, đã gửi thư ngỏ tới Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân tức Quốc hội Trung Quốc, cảnh báo rằng luật pháp hiện hành về giải tỏa là vi hiến và vi phạm Luật về quyền sở hữu, yêu cầu phải cải tổ. Ngay sau đó Quốc vụ viện Trung Quốc đã tổ chức gặp gỡ và thảo luận với các giáo sư này – kết quả là sự ra đời của bản dự thảo nghị định nói trên.

Ở Trung Quốc, luật lệ và thực thi luật thường có khoảng cách khá xa cho nên nhiều người không mấy tin vào hiệu lực của nghị định sắp ban hành. Tân hoa xã dẫn số liệu khảo sát của mạng Sohu.com – một diễn đàn trực tuyến có đông người tham gia ở Trung Quốc, cho thấy trong 8.600 người được hỏi ý kiến có 42% không tin rằng nghị định mới có thể giải quyết tận gốc tình trạng tranh chấp chung quanh việc giải tỏa nhà đất, trong khi chưa tới 33% nói rằng nghị định có thể lập lại sự công bằng.

Trên diễn đàn của Tân hoa xã, nhiều người nói rằng nghị định mới không đủ để bảo vệ quyền sở hữu nhà cửa của người dân vì nó chưa đụng tới vấn đề sở hữu tập thể ruộng đất ở nông thôn và trong thực tế tranh chấp đất đai ở nông thôn diễn ra nhiều hơn và đẫm máu hơn ở đô thị.

Giáo sư Thái Định Kiến (Cai Dingjian) của Học viện Hành chính quốc gia cũng công nhận như vậy và cho rằng Trung Quốc cần có một bộ luật hoàn chỉnh về thu hồi đất đai, sung công nhà cửa cùng những vấn đề liên quan tới đền bù, giải tỏa mặt bằng thay vì chỉ có một nghị định hành chính.

Dù sao, việc nhanh chóng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của trí thức để đưa ra một nghị định mang tính đổi mới như vậy của Chính phủ Trung Quốc là một bước đi đáng nghiên cứu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới