(KTSG Online) - Trong 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 800 tấn vàng. Trong đó, Trung Quốc mua đến 181 tấn. Làn sóng mua vàng diễn ra khi các nước tìm cách phòng thủ lạm phát và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
- Các ngân hàng trung ương mua vàng với tốc độ kỷ lục
- Cơn khát vàng chưa chấm dứt khi Trung Quốc liên tục mua dự trữ
Hôm 31-10, Hội đồng vàng thế giới (WGC) công bố báo cáo cho thấy, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua ròng 800 vàng trong 9 tháng đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng cao hơn cùng kỳ của bất cứ năm nào kể từ năm 2000.
“Lực mua mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương dự kiến tiếp tục diễn ra trong thời gian còn lại của năm”, WGC cho biết.
Tốc độ mua vàng của khu vực ngân hàng trung ương là một trong những yếu tố giúp giá vàng phục hồi và đang giao dịch sát mức 2.000 đô la Mỹ/ounce bất chấp chấp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt và sức mạnh của đồng đô la Mỹ.
Giá cả tiêu dùng tăng cao và đồng tiền mất giá ở nhiều thị trường thúc đẩy nhu cầu mua vàng như là tài sản lưu trữ giá trị vì lịch sử cho thấy, giá vàng thường ổn định khi lạm phát toàn cầu tăng
Một động lực khác thúc đẩy các ngân hàng trung ương đổ xô mua vàng là nhiều nước muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ với vai trò như đồng tiền dự trữ, sau khi Washington tận dụng sức mạnh thống trị của đồng bạc xanh trong giao dịch thương mại quốc tế để triển khai các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Trung Quốc nổi lên là nước mua vàng lớn nhất trong năm với 11 tháng mua vàng liên tục. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) báo cáo, đã mua 181 tấn vàng trong năm nay, đưa lượng vàng nắm giữ lên 4% tổng dự trữ ngoại hối của ngân hàng này. Những nước mua vàng nhiều nhất tiếp theo trong quí 3 là Ba Lan ( 57 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (39 tấn), theo WGC.
Tốc độ mua vàng nhanh chóng và liên tục của các ngân hàng trung ương đã khiến các nhà phân tích thị trường ngạc nhiên. Trước đó, các nhà phân tích dự báo khu vực ngân hàng trung ương sẽ mua vàng với tốc độ chậm lại so với khối lượng vàng mua vào kỷ lục hồi năm ngoái.
John Reade, Giám đốc chiến lược thị trường của WGC, cho biết WGC dự kiến tổng lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua trong năm nay sẽ gần bằng hoặc vượt mức 1.081 tấn của năm ngoái.
Các ngân hàng trung ương báo cáo hoạt động mua vàng cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng dòng chảy kim loại quí này cho thấy mức độ mua thực sự của các tổ chức tài chính nhà nước, đặc biệt là ở Trung Quốc và Nga, cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.
WGC ước tính, khối lượng vàng mua ròng của khu vực ngân hàng trung ương cao hơn 129 tấn so với con số được báo cáo chính thức trong quí 3, đưa tổng lượng mua vàng của khu vực này lên 337 tấn. Con số đó cao hơn hơn gấp đôi so với quí trước nhưng giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Hồi tháng 8, các nhà phân tích của BMO đã có báo cáo nhận định, lượng vàng nắm giữ thuộc sở hữu tư nhân và PBoC ở Trung Quốc cao hơn đáng kể so với nhu cầu tiêu dùng hàng năm và số liệu báo cáo chính thức.
Việc PBoC liên tục mua vàng, đồng nhân dân tệ suy yếu, thị trường chứng khoán trong nước ảm đạm và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô mua vàng thỏi để tích trữ tài sản.
WGC ghi nhận, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu ở Trung Quốc tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái trong quí 3 và sẽ “tiếp tục mạnh mẽ” trong ba tháng cuối năm nay.
“Sự mong manh của đà phục hồi kinh tế trong nước cùng với rủi ro địa chính trị toàn cầu ngày càng gia tăng, có thể tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trú ẩn an toàn các nhà đầu tư Trung Quốc đối với vàng”, báo cáo của WGC nhận định.
Hôm 31-10, giá vàng trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải tăng mức cao nhất từ trước đến nay, hướng tới mức tăng gần 7% trong tháng 10.
Những yếu tố đó giúp giá vàng trên thị trường quốc tế tiến sát mức cao nhất mọi thời đại là 2.072 đô la/ounce dù các nhà đầu tư ngày càng tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Triển vọng lãi suất của Mỹ khiến 8 tỉ đô la Mỹ bị rút ròng ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng trong quí 3.
Theo WGC, nhìn chung, nhu cầu vàng toàn cầu trong quí 3, không bao gồm dòng chảy ở thị trường phi tập trung song phương (không qua sàn giao dịch) đã suy giảm hơn 6% so với quí 3 năm ngoái, xuống còn 1.147 tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 8% so với nhu cầu trung bình trong cùng kỳ trong 5 năm qua.
WGC cho biết, nhu cầu vàng của các nhà đầu tư trên toàn cầu, những người coi vàng thỏi là tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn, tăng 56% trong quí 3 nhưng vẫn yếu so với mức trung bình 5 năm. Nhu cầu vàng thỏi và vàng xu giảm 14% trong quí vừa qua do nhu cầu suy yếu ở châu Âu.
Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã chắp cánh cho giá vàng tăng gần 10% trong 16 ngày qua. Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đạt 2.009,29 đô la/ounce vào thứ hôm 27-10, lần đầu tiên vượt qua mức tâm lý quan trọng 2.000 đô la kể từ giữa tháng 5, khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông có nguy cơ leo thang.
“Trong suốt năm nay, nhu cầu vàng chống chịu tốt trước những cơn gió ngược bao gồm lãi suất cao và đồng đô la mạnh mẽ. Với căng thẳng địa chính trị dâng cao và kỳ vọng khu vực ngân hàng trung ương tiếp tục mua mạnh, nhu cầu vàng có thể tăng bất ngờ”, Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao của WGC nói.
Theo Financial Times, Reuters