Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch săn lùng quan tham trốn ở nước ngoài

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thông qua hai chiến dịch “Săn cáo” và “Lưới trời”, Trung Quốc tăng cường cử các nhóm thực thi chống tham nhũng ra nước ngoài để truy lùng những kẻ chạy trốn và thu hồi tài sản tham ô.

Hình ảnh một số quan tham lẩn trốn ở nước ngoài đã bị bắt giữ và hồi hương thông qua Chiến dịch “Săn cáo”. Ảnh: CCTV

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) và các cơ quan chống tham những khác của chính phủ nước này đã bắt đầu bố trí quan chức thanh tra chống tham nhũng tại một số đại sứ quán Trung Quốc. Theo các nguồn thạo tin, các quan chức này sẽ phối hợp hợp với các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài để truy bắt quan tham Trung Quốc và thu hồi tài sản.

Một nguồn tin cho biết, đội ngũ thanh tra chống tham nhũng này chủ yếu được gửi đến các nước mà quan tham và các tội phạm kinh tế của Trung Quốc có khả năng cất giấu một lượng lớn tiền bất hợp pháp, chẳng hạn như các nước thành viên của Nhóm G20. CCDI đã cam kết trong năm nay sẽ tăng cường các nỗ lực xuyên biên giới trong chiến dịch chống tham nhũng, đặc biệt là ở các nước tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Trung Quốc đã đưa về nước gần 10.700 nghi phạm tham nhũng từ nước ngoài trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong số này, có hơn 60 người nằm trong danh sách 100 tội phạm kinh tế bị truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức CCDI cho biết, đang gặp khó khăn hơn khi giải quyết các vụ án nổi cộm và ngăn chặn những kẻ phạm tội tinh vi hơn.

“Hiện nay, khá nhiều trường hợp bỏ trốn là những vụ án cũ và có rất ít manh mối hiệu quả", một bài bình luận đăng trên trang web của CCDI hồi tháng tháng 12 cho hay.

Bài xã luận nhấn mạnh, các nhà điều tra cần vượt qua những khó khăn này bằng cách tăng cường phối hợp với giới chức trách nước ngoài và triển khai các chiến thuật và kỹ thuật điều tra mới.

Với tư cách là cơ quan truy quét tham nhũng hàng đầu Trung Quốc, CCDI nắm vai trò chính trong hoạt động truy lùng tội phạm kinh tế chạy trốn khỏi Trung Quốc, ngăn chặn dòng tiền bất chính chảy ra khỏi đất nước và thu hồi tài sản bị đánh cắp.

CCDI thực hiện nhiệm vụ này thông qua hai chiến dịch song song có tên gọi “Săn cáo” và “Lưới trời”. Chiến dịch “Săn cáo” tập trung vào nỗ lực hồi hương những kẻ chạy trốn bị buộc cáo buộc tội danh kinh tế và tài chính. Chiến dịch “Lưới trời” nhắm đến các kênh mà nghi phạm sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài cũng như những người và tổ chức điều hành các kênh này.

Thông qua chiến dịch “Lưới trời”, Trung Quốc đã bắt hơn 7.000 kẻ chạy trốn và thu hồi khoảng 35,2 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 5,12 tỉ đô la Mỹ trong thời gian 5 năm kết thúc vào cuối năm 2022, theo dữ liệu chính thức. Chiến dịch “Săn cáo” được thiết lập vào năm 2014 còn chiến dịch “Lưới trời” ra đời sau đó một năm đó.

CCDI đã tìm kiếm sự hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài trong các chiến dịch này. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc thường gặp khó khăn trong việc kêu gọi các đối tác phương Tây hỗ trợ bắt giữ và hồi hương các nghi phạm, một phần do thiếu các thỏa thuận dẫn độ với các nước lớn như Mỹ.

Trung Quốc đã ký các hiệp ước dẫn độ với khoảng 60 nước nhưng hơn 12 hiệp ước trong số này chưa được phê chuẩn đầy đủ và có hiệu lực.

Sự hiện diện của các quan chức chống tham nhũng tại các đại sứ quán Trung Quốc có nguy cơ gây báo động ở các nước sở tại, đặc biệt là các nước phương Tây. Chẳng hạn, các quan chức Mỹ nhiều lần phàn nàn về việc các đặc vụ Trung Quốc săn lùng những quan tham đang lẩn trốn trên đất Mỹ mà chưa được phép.

Tại một cuộc họp chính sách vào tháng 1, người đứng đầu CCDI Lý Hy cam kết tăng cường các nỗ lực của chiến dịch “Lưới trời” trong năm nay. Ông cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chống tham nhũng và thiết lập “một cơ chế tích hợp để truy đuổi những kẻ bỏ trốn, ngăn chặn việc bỏ trốn và thu hồi tài sản bị đánh cắp”.

Trung Quốc cho biết nhiều kẻ chạy trốn bị buộc tội tham nhũng và tội kinh tế chọn các nước ở Bắc Mỹ và châu Âu làm nơi ẩn náu.

Ví dụ, trước khi bị bắt giữ tại Stockholm (Thụy Điển) vào năm 2018, một cựu quan chức doanh nghiệp nhà nước, đứng thứ 3 trong danh sách 100 tội phạm kinh tế bị truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc đã ẩn náu và tẩu tán tài sản sang một số nước châu Âu, gồm Thụy Sĩ, Áo, Hungary, Liechtenstein, Cộng hòa Síp và Thụy Điển.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới