Trung Quốc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Giới chức trách Trung Quốc vừa mở cuộc điều tra cáo buộc về các thực hành độc quyền của Tập đoàn Alibaba giữa lúc Bắc Kinh tăng tốc các nỗ lực kiểm soát các đế chế kinh doanh ngày càng phình to của các ‘ông lớn’ công nghệ trong nước.
Bị cáo buộc o ép các bên bán hàng thứ ba
Trong thông báo ngắn ngủi hôm 24-12, Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) cho hay đang điều tra Alibaba về các thực hành chống cạnh tranh ở tập đoàn thương mại điện tử này, cụ thể là chính sách ‘chọn một trong hai’ của Alibaba, trong đó, yêu cầu những bên bán hàng thứ ba đang kinh doanh trên các nền tảng Alibaba không được bán hàng ở các nền tảng của các đổi thủ khác như JD.com, Pinduoduo. Nếu hợp tác bán hàng ở các đối thủ này, họ sẽ phải ngừng kinh doanh trên các nền tảng của Alibaba.
Alibaba đang bị Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) điều tra chống độc quyền. Ảnh: Reuters |
Alibaba ra thông báo xác nhận: “Hôm nay, Tập đoàn Alibaba nhận được thông báo từ SAMR cho biết đã mở một cuộc điều tra nhằm vào tập đoàn dựa theo Luật chống độc quyền. Alibaba sẽ hợp tác với các nhà quản lý trong cuộc điều tra này”.
Cùng ngày, Tân Hoa xã đưa tin, một nhóm cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã triệu tập các lãnh đạo của Ant Group, công ty liên kết của Alibaba, đến thảo luận về tình trạng tuân thủ pháp lý của công ty này. Ant Group, hoạt động như nhà trung gian giữa các ngân hàng, cônh ty bảo hiểm và khách hàng, đã cam kết tiến hành các biện pháp kiểm soát các rủi ro nợ sau khi giới chức trách Trung Quốc đình chỉ thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá trị kỷ lục của công ty này hồi tháng trước.
Đón nhận tin xấu, cổ phiếu Alibaba ở thị trường khoán Hồng Kông giảm sâu hơn 8% trong phiên 24-12, về mức thấp nhất trong năm tháng. Tại thị trường chứng khoán Tokyo, cổ phiếu của Tập đoàn SoftBank, cổ đông lớn nhất của Alibaba, giảm 1,65%.
Từng được ca ngợi là các đầu tàu thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc và là biểu tượng sức mạnh công nghệ của đất nước, Alibaba và các đối thủ như Tencent gần đây chịu sức ép ngày càng gia tăng từ các cơ quan quản lý sau khi thâu tóm hàng trăm triệu người dùng và gây ảnh hưởng lên gần như mọi mặt đời sống hàng ngày ở Trung Quốc.
Giới đầu tư vẫn không chắc chắc về mức độ ‘thanh trừng’ mà Bắc Kinh sẽ giáng vào Alibaba và các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác của Trung Quốc khi chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị triển khai các quy định quản lý chống độc quyền mới.
Các quy định dự thảo về chống độc quyền mà, công bố bố hồi tháng 11, cho thấy cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng sử dụng phạm vi quyền lực rộng lớn để kiểm soát các doanh nhân công nghệ như Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba và Ant Group, những người gần đây vẫn được thoải mái mở rộng các đế chế kinh doanh của họ.
“Đó là một sự leo thang rõ ràng trong các nỗ lực phối hợp nhằm kiểm soát đế chế kinh doanh của Jack Ma, một biểu tượng mới cho ‘các công ty quá lớn để sụp đổ’. Giới chức trách Trung Quốc muốn Alibaba trở thành một công ty nhỏ hơn, ít chi phối hơn và tuân thủ pháp lý hơn”, Dong Ximiao, nhà nghiên cứu ở Viện Tài chính internet Zhongguancun, nhận định.
Nền kinh tế internet sẽ bị quản lý gắt gao hơn
Jack Ma gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng kể từ khi thương vụ IPO của Ant Group đổ bể. Một nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết, hồi đầu tháng 12, khi đế chế kinh doanh của Jack Ma nằm dưới sự giám sát gắt gao của giới chức trách, vị doanh nhân nổi tiếng này được chính phủ khuyến cáo không rời khỏi Trung Quốc.
Hệ sinh thái internet của Trung Quốc, từ lâu được chính phủ Trung Quốc bảo vệ trước sự cạnh tranh của các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook, đang nằm dưới sự thống lĩnh của Alibaba và Tencent thông qua một mạng lưới đầu tư chằng chịt bao gồm phần lớn các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo cho đến tài chính số hóa.
Sự hậu thuẫn tài chính của Alibaba và Tencent đã nuôi dưỡng một thế hệ doanh nghiệp khổng lồ mới trong lĩnh vực công nghệ bao gồm hãng giao đồ ăn và các dịch vụ theo yêu cầu Meituan-Dianping và hãng gọi xe Didi Chuxing.
Các quy định chống độc quyền giờ đây đe dọa tính nguyên trên sân chơi công nghệ Trung Quốc với một loạt hậu quả tiềm tàng từ các mức phạt tài chính cho đến khả năng chẻ nhỏ các tập đoàn công nghệ dẫn đầu. Các cơ quan quản lý ở nhiều ngành khác nhau của Trung Quốc dường như đang phối hợp cho nỗ lực chống độc quyền và đó là một tín hiệu rất xấu cho ngành internet Trung Quốc.
Hôm 24-12, tờ Nhân Dân Nhật báo đăng bài xã luận cảnh báo rằng cuộc vận động chống độc quyền là một ưu tiên hàng đầu hiện nay của Bắc Kinh.
Bài xã luận nhận định chống độc quyền đã trở thành vấn đề khẩn cấp vì tình trạng tăng trưởng bát nháu trên các thị trường cần phải được kiểm soát bởi quy định pháp luật.
Chiến dịch chống lại Alibaba và các tập đoàn công nghệ Trung Quốc tăng tốc trong tháng 11 sau khi Jack Ma có bài phát biểu chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc đang áp đặt cách quản lý lạc hậu so với thời đại. Ngay sau đó, giới chức trách Trung Quốc đình chỉ thương vụ IPO của Ant Group và SAMR cũng vào cuộc bằng cách công bố dự thảo các quy định chống độc quyền.
Cơ hội để Ant Group phục hồi kế hoạch IPO vào năm tới dường như đang ngày càng trở nên mong manh khi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực cải cách các quy định quản lý ngành công nghệ tài chính, vốn tăng trưởng bùng nổ trong những năm qua và nổi lên như là một sự thay thế cho các hoạt động cho vay từ các ngân hàng thương mại nhà nước.
Trung Quốc được cho là đã thành lập một nhóm chuyên trách hỗn hợp dẫn đầu là Ủy ban Phát triển và Ổn định tài chính thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc nhằm giám sát Ant Group. Nhóm này thường xuyên liên lạc với Ant Group để thu thập dữ liệu và các tài liệu khác để nghiên cứu tái cơ cấu công ty này cũng như soạn thảo các quy định quản lý ngành công nghệ tài chính.
Bloomberg, Tech Crunch