Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc gia tăng kiểm soát nguồn cung cho nhiên liệu xanh trên toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  ­- Trong hai năm tới, Trung Quốc sẽ kiểm soát 50% sản lượng cobalt và 32% sản lượng lithium trên thị trường toàn cầu, cải thiện đáng kể so với hiện nay, theo đánh giá của giới phân tích và kinh doanh. Đây là hai kim loại quan trọng của pin xe điện, đóng vai trò trung tâm trong cuộc chuyển đổi xanh.

Đến năm 2025, thị phần sản xuất cobalt của Trung Quốc dự kiến chiếm một nửa sản lượng toàn cầu, tăng từ 44% hiện nay. Ảnh: Bloomberg

Đến năm 2025, thị phần sản xuất cobalt  của Trung Quốc dự kiến chiếm một nửa sản lượng toàn cầu, tăng từ 44% hiện nay, theo một báo cáo của Darton Commodities, công ty kinh doanh cobalt có trụ sở tại Anh. Sự gia tăng thị phần này phần lớn là nhờ Tập đoàn CMOC của Trung Quốc khởi động mỏ đồng-cobalt Kisanfu ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) trong năm nay.

Trung Quốc vẫn gia tăng thị phần bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng đối với các khoáng chất quan trọng như cobalt, lithium và nickel, rất cần thiết để sản xuất pin xe điện.

Sản lượng chế biến cobalt của Trung Quốc đạt 140.000 tấn trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với mức 5 năm trước. Nhưng sản lượng cobalt được xử lý ở phần còn lại của thế giới trì trệ ở mức 40.000 tấn, đưa nền kinh tế lớn nhất châu Á chiếm 77% thị phần toàn cầu về công suất chế biến cobalt.

Vai trò ngày cung ứng cobalt ngày càng lớn của Trung Quốc ngày càng lớn giữa lúc giá kim loại này đảo chiều, giảm 60%, xuống còn 16 đô la Mỹ/pound (0,453kg), từ mức đỉnh trên 40 đô la/pound được thiết lập vào tháng 5 năm ngoái.

Caspar Rawles, giám đốc dữ liệu của Benchmark Mineral Intelligence, nói: “Có rất nhiều yếu tố hội tụ cùng lúc để đẩy thị trường đi xuống: các tắc nghẽn hậu cần giảm bớt, doanh số bán hàng điện tử tiêu dùng suy yếu và sự chuyển đổi sang công nghệ pin sử dụng ít cobalt hơn hoặc không sử dụng kim loại này”.

Theo Darton Commodities, trong năm ngoái, sản lượng cobalt toàn cầu tăng 23%, tương đương 35.000 tấn. Sản lượng tăng là nhờ tập đoàn kinh doanh hàng hóa Glencore của Thụy Sĩ tăng cường sản xuất tại Mutanda, mỏ cobalt lớn nhất thế giới ở DRC, cũng như Indonesia đang nổi lên như một nhà sản xuất lớn.

Nguồn cung tăng cao hơn gấp đôi so với mức tăng của nhu cầu, dẫn đến giá cobalt sụp đổ.  Nhu cầu cobalt ảnh hưởng do doanh số bán hàng điện tử di động giảm trên toàn cầu, chính sách phong tỏa kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc và sự chuyển hướng của thị trường xe điện Trung Quốc sang các loại pin không sử dụng cobalt.

Giá cobalt thấp hơn sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô bớt lo lắng về chi phí nguyên liệu thô cho pin xe điện. Nhưng điều này lại đặt ra những thách thức lớn đối với việc triển khai các dự án khai thác và chế biến cobalt bên ngoài Trung Quốc.

Do lo ngại sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng cobalt ở Trung Quốc, Mỹ đã đưa ra các ưu đãi lớn để khuyến khích hoạt động sản xuất kim loại này ở trong nước hoặc ở các nước được xem là thân thiện với Mỹ. Tuy nhiên, những ưu đãi đó, được quy định trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), sẽ mất nhiều năm để tạo ra tác động cụ thể.

Các nhà sản xuất ô tô đang thúc đẩy công nghệ pin sử dụng ít cobalt hơn hơn vì lo ngại về tình trạng sử dụng lao động trẻ em ở DRC, nơi chiếm 3/4 nguồn cung cobalt toàn cầu.

Giá có thể giảm hơn nữa nếu Tenke Fungurume, mỏ cobalt lớn thứ hai thế giới ở DRC và thuộc sở hữu của CMOC (Trung Quốc), được phép tiếp tục xuất khẩu. Mỏ này bị cấm xuất khẩu hồi tháng 7 năm ngoái do một tranh chấp về thuế. Dù vậy, CMOC vẫn tiếp tục sản xuất và đang dự trữ 10.000 đến 12.000 tấn cobalt, tương đương 6% nhu cầu của toàn cầu năm ngoái.

Trong khi đó, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường khai thác lithium có thể đưa nước này chiếm gần 1/3 nguồn cung của thế giới vào năm 2025. Ngân hàng UBS dự báo các mỏ lithium do Trung Quốc kiểm soát, bao gồm cả các dự án ở châu Phi, sẽ tăng sản lượng lên 705.000 tấn vào năm 2025, từ 194.000 tấn trong năm 2022. Con số đó nâng tỷ lệ kiểm soát lithium của Trung Quốc lên 32% nguồn cung toàn cầu, từ 24% vào năm ngoái, theo báo cáo của UBS trong tuần trước

Cuộc chạy đua để giành nguồn lithium đang nóng hơn bao giờ hết, với các nước gồm Mỹ ưu tiên quyền tiếp cận các nguyên vật liệu để sản xuất pin khi thế giới ngày càng rời xa nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu lithium của Trung Quốc rất lớn vì đây là thị trường lớn nhất thế giới của xe năng lượng mới.

Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới