Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc giảm thời gian cách ly người nhập cảnh, nới lỏng truy vết tiếp xúc Covid-19

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong một dấu hiệu cho thấy chính sách zero-Covid bắt đầu được nới lỏng, Trung Quốc đã thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh đồng thời hủy bỏ quy định xử phạt các hãng hàng không chở ca nhiễm Covid-19 đến nước này. Trung Quốc cũng thu hẹp diện người phải cách ly do tiếp xúc với F1 của ca nhiễm Covid-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh hôm 10-11. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc yêu cầu các quan chức địa phương tránh xét nghiệm hàng loạt trên toàn thành phố, trừ khi các chuỗi lây lan không thể xác định rõ ràng. Ảnh: AP

Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 11-11, người nhập cảnh sẽ phải cách ly ở trong khách sạn hoặc cơ sở kiểm dịch của chính phủ 5 ngày và sau đó tiếp tục giám sát 3 ngày tại nhà. Quyết định mới nhất này giúp giảm thời gian cách ly 2 ngày. Trước đây, người nhập cảnh phải cách ly tổng cộng 10 ngày, trong đó một tuần ở khách sạn và 3 ngày sau đó ở nhà.

Ngoài ra, người nhập cảnh vào Trung Quốc chỉ cần thực hiện 1 xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp sinh học phân tử (PCR) trước khi khởi hành, thay vì 2 xét nghiệm theo như quy định trước đó.

Thời gian cách ly rút ngắn nói trên cũng được áp dụng cho người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 ở trong nước, giúp giảm tác động từ hoạt động truy vết tiếp xúc, đã khiến hàng triệu người bị đưa vào các cơ sở cách ly.

Thông báo của NHC cho biết một hệ thống xử phạt các hãng hàng không mang ca nhiễm Covid-19 vào Trung Quốc cũng sẽ được hủy bỏ.

Trong một động thái nhằm giảm thiểu số người bị đưa vào diện cách ly, NHC cho biết sẽ hủy bỏ việc xác định những người thân cận của những người tiếp xúc gần (F1) các ca nhiễm Covid-19.

Khi đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19, các quan chức địa phương được yêu cầu tránh xét nghiệm hàng loạt trên toàn thành phố, trừ khi các chuỗi lây lan không thể xác định rõ ràng.

Các thay đổi nói trên là một phần của 20 biện pháp mới nhằm hướng dẫn hoạt động phòng chống Covid-19.

Bắc Kinh nới lỏng chính sách “zero Covid” giữa lúc số ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn quốc tăng vọt lên hơn 10.000 ca, mức cao nhất trong 6 tháng với các ổ dịch mới bùng phát ở Quảng Châu và Bắc Kinh.

Các biện pháp mới được thông báo sau cuộc họp hôm 10-11 của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, trong đó, các lãnh đạo tuyên bố duy trì các biện pháp phòng chống Covid-19 nhưng đồng thời nhấn mạnh việc giảm thiểu xáo trộn xã hội và kinh tế.

Cuộc họp, do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, yêu cầu thực hiện cách tiếp cận có trọng điểm và quyết định hơn đối với Covid-19.

Cuộc họp kêu gọi tối ưu hóa các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và sử dụng cách tiếp cận chính xác hơn với hoạt động xét nghiệm Covid-19, tiêm phòng vắc-xin và thuyên chuyển bệnh nhân.

Thông điệp từ Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc, cho thấy “Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ mở cửa trở lại vì không ai được hưởng lợi từ chính sách hiện tại và áp lực kinh tế đang gia tăng, đặc biệt là khi chi phí tài chính ngày càng cao với các biến thể mới của Covid-19”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Natixis, nhận định.

Theo  ông, không còn nghi ngờ gì về việc cuối cùng Trung Quốc cũng sẽ mở cửa trở lại nhưng điều chưa rõ là tốc độ mở cửa. Ông nói: “Tiến trình mở cửa nền kinh tế có thể sẽ được thực hiện thận trọng với cách tiếp cận từng phần”.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle, nói rằng ông nhận thấy các thị trường đang quá lạc quan với thông báo mới của NHC.

Ông nói: “Chính sách Covid-19 của Trung Quốc sẽ chỉ được điều chỉnh nhỏ trong ngắn hạn, với trọng tâm là chuyển từ việc loại bỏ tất cả các ca nhiễm sang việc đưa ra các biện pháp chính xác hơn”.

Việc Trung Quốc tuân thủ chính sách “zero Covid” cùng với cơn suy thoái của thị trường bất động sản đã giánh đòn nặng nề cho các hoạt động kinh tế trong năm nay, đẩy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp xuống thấp khi mọi người mắc kẹt trong các chu kỳ bùng phát dịch bệnh, đóng cửa và rồi mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, quá trình mở cửa nền kinh tế trở lại của Trung Quốc có thể sẽ diễn ra chậm chạp và thận trọng khi hàng triệu người già của đất nước chưa được tiêm phòng và công chúng vẫn sợ hãi Covid-19 sau nhiều năm báo chí trong nước tuyên truyền về các hậu quả bi đát ở các nước phương Tây do cách kiểm soát Covid-19 lỏng lẻo.

“Đối với Trung Quốc, nới lỏng từ từ các biện pháp phòng chống Covid-19 là lựa chọn an toàn nhất. Nếu nởi lỏng quá nhanh, tình hình có thể bị đảo lộn vì vấn đề lớn nhất là người dân Trung Quốc không hiểu biết đúng về Covid-19. Sự thay đổi chính sách là hướng đi đúng đắn, nhưng nếu bạn muốn Trung Quốc kết thúc tất cả các hạn chế liên quan đến Covid ngay lập tức, đó là điều không thể”, Jin Dong-Yan, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, nhận định.

Đón nhận cùng lúc hai thông tích cực bao gồm các biện pháp kiểm soát Covid-19 được nới lỏng và tình hình lạm phát dịu lại ở Mỹ, thị trường cổ phiếu Trung Quốc đã tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch hôm 11-11.

Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông chốt phiên giao dịch với mức tăng 7,74%, lên 17.325,66 điểm, trong đó, chỉ số công nghệ Hang Seng tăng vọt 10,05%. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,6% và chỉ số Shenzhen Component tăng 2,12%.

Theo Bloomberg, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới