Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc họp với các quỹ toàn cầu để mời gọi tiếp tục đầu tư

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà quản lý Trung Quốc tiến hành cuộc họp hiếm hoi với lãnh đạo của một số quỹ toàn cầu. Mục đích là để giải tỏa các lo ngại của họ cũng như khuyến khích họ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, hãng tin Bloomberg hôm 22-7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết.

Các nhà quản lý Trung Quốc đã họp với một số lãnh đạo của các quỹ toàn cầu để khuyến khích họ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Ảnh: CFP

Cuộc họp trên diễn ra ở Bắc Kinh hôm 21-7 trong bối cảnh chính phủ Trung quốc nỗ lực vực dậy niềm tin của thị trường khi xung lực phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu.

Các nguồn tin cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Fang Xinghai đã chủ trì cuộc họp với một số lãnh đạo của các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm (VC) và cổ phần tư nhân tư nhân (PE) toàn cầu để lắng nghe những mối quan tâm của họ về hoạt động đầu tư ở Trung Quốc. Neil Shen, đối tác sáng lập quỹ HongShan và một lãnh đạo của quỹ PE toàn cầu Warburg Pincus, có trụ sở ở New York (Mỹ) nằm trong số các lãnh đạo quỹ VC và PE toàn cầu có mặt tại cuộc họp. Tháng trước, quỹ VC toàn cầu Sequoia Capital (Mỹ) tách Sequoia Capital China ra hoạt động như một công ty độc lập và đổi tên thành HongShan. Động thái này được cho là nhằm tránh những rủi ro đầu tư khi căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng dâng cao.

Tháp tùng ông Fang Xinghai là các nhà quản lý khác của CSRC và Hiệp hội Quản lý tài sản Trung Quốc (AMAC), các nguồn tin cho hay.

Cuộc họp hiếm hoi với các quỹ toàn cầu được tiến hành sau khi Bắc Kinh phát đi thông điệp ủng hộ mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây đối với các doanh nghiệp công nghệ tư nhân của nước này chỉ vài ngày trước đó. Tuy nhiên, những nỗ lực này của chính phủ Trung Quốc vấp phải sự hoài nghi, khi các nhà đầu tư kêu gọi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp cụ thể hơn và kích thích mạnh mẽ hơn để vực dậy tăng trưởng.

Theo các nguồn tin, chủ đề được thảo luận tại cuộc họp hôm thứ 21-7 bao gồm các bước đi có thể được thực hiện để đảm bảo các quỹ toàn cầu yên tâm tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Một nguồn tin cho hay các quỹ toàn cầu đã kêu gọi giới chức trách Trung Quốc đẩy nhanh các thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở nước ngoài của các công ty trong nước. Đồng thời, họ cũng đề nghị giới chức trách tăng tốc các thương vụ IPO ở trong nước à nới lỏng các quy tắc mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp.

Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, chiến dịch chấn chỉnh kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân và nền kinh tế đang suy yếu của đất nước đang làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một số quỹ PE toàn cầu và các nhà đầu tư của họ đang suy nghĩ lại về các chiến lược đối với Trung Quốc sau khi chính sách siết chặt kiểm soát đối với các công công nghệ phủ bóng đen lên triển vọng lợi nhuận của họ cũng như và thu hẹp cơ hội đầu tư ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hồi tháng 1, quỹ hưu trí giáo viên Ontario (OTPP), quỹ hưu trí lớn thứ ba của Canada, cho biết sẽ tạm dừng các khoản đầu tư trực tiếp trong tương lai vào tài sản tư nhân ở Trung Quốc.

Các mối lo ngại dài hạn trên cũng khiến các quỹ VC và PE toàn cầu chật vật thu hút vốn của các nhà đầu tư tổ chức bao gồm các quỹ hiến tặng ở các tổ chức giáo dục và và quỹ hưu trí của Mỹ.

Trong tuần này, một ủy ban của Hạ viện Mỹ cho biết đang mở điều tra bốn công ty đầu tư mạo hiểm liên quan đến khoản đầu tư của họ vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Đây là hiệu mới nhất cho thấy Washington đang tăng cường giám sát các quỹ của Mỹ bị nghi ngờ giúp phát triển các ngành công nghiệp nhạy cảm ở Trung Quốc. Các quỹ đang bị điều tra là GGV Capital, GSR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures.

Những lo ngại về chính sách siết chặt quản lý ở Trung Quốc cũng đè nặng lên cộng đồng đầu tư. Trong tháng này, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc đưa ra một tuyên bố chung hiếm hoi về 31 biện pháp cải thiện điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cam kết đối xử với các công ty tư nhân giống như các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi động thái đó giành nhận được sự hoan nghênh của các doanh nhân tỉ phú Trung Quốc, bao gồm Pony Ma, đồng sáng lập của Tencent Holdings, các công ty nước ngoài đang muốn nhiều hành động thực tế hơn hơn là những ngôn ngữ hoa mỹ sau hai năm Bắc Kinh thực hiện chính sách kiểm soát đại dịch Covid-19 với các biện pháp hà khắc. Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết các công ty châu Âu đã quen với việc Bắc Kinh “đưa ra các tuyên bố ủng hộ doanh nghiệp mà không có hành động cụ thể nào được thực hiện”.

Đầu tháng này, chính phủ Trung Quốc cũng thể hiện sự ủng hộ đối với các công ty VC và PE khi Thủ tướng Lý Cường ký phê duyết các quy tắc cuối cùng về thị trường quỹ tư nhân trong nước trị giá 20 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,8 nghìn tỉ đô la) gần sáu năm sau khi dự thảo được công bố.

Trong khi các biện pháp xử phạt đối với những hành vi sai phạm tăng cường đáng kể, các quy tắc mới cũng dành ra một chương đặc biệt cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, với các yêu cầu được nới lỏng hơn. Các quy tắc này cũng miễn trừ các quỹ đầu tư mẹ khỏi một số hạn chế, mang lại lợi ích cho thị trường thứ cấp của vốn cổ phần tư nhân.

Đà phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc đang tác động lớn đến tâm lý trên các thị trường toàn cầu. Bắc Kinh đã chọn chiến lược kích thích có mục tiêu , thay vì rộng rãi, chẳng hạn giảm lãi suất, mở rộng tiếp cận tín dụng và một loạt biện pháp khác để vực dậy thị trường nhà đất đang suy thoái.

Tuy nhiên, giới doanh nghiệp vẫn đang chờ đội ngũ quan chức kinh tế mới của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra các tín hiệu bảo đảm môi trường chính sách sẽ minh bạch và dễ đoán hơn.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới