Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc ‘trải thảm đỏ’ mời gọi nhà đầu tư nước ngoài

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc đang sốt sắng thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế “bầm dập” sau ba năm kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt. Gần đây, các chính quyến địa phương của Trung Quốc tổ chức loạt sự kiện ở trong nước lẫn nước ngoài để mời gọi vốn đầu tư nước ngoài.

Bắc Kinh xem nguồn vốn đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để củng cố tăng trưởng ở thời kỳ hậu Covid-19. Ảnh: Nikkei/Reuters

Áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng và việc làm

Chính quyền Thượng Hải có kế hoạch tổ chức hơn 100 sự kiện trong năm nay để thu hút vốn từ nước ngoài. Tại một sự kiện như vậy trong tháng 4 này, giới chức Thượng Hải đã công bố các ưu đãi lên tới 100 triệu nhân dân tệ (14,5 triệu đô la) cho các công ty nước ngoài đầu tư vào thành phố này.

“Thượng Hải cung cấp cho những dịch vụ hàng đầu và một môi trường kinh doanh tuyệt vời”, Trấn Cát Ninh, Bí thư thành ủy Thượng Hải, nói với lãnh đạo của các công ty nước ngoài tại Hội nghị xúc tiến đầu tư toàn cầu Thượng Hải diễn ra đầu tháng 4.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, các phái đoàn lớn gồm các quan chức thành phố và doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm chuyến công du ở châu Á và châu Âu để  tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài khi các chính quyền địa phương chạy đua với các mục tiêu tăng trưởng và việc làm.

Thị trưởng thành phố Thâm Quyến Đàm Vĩ Trung đã đến thăm Tây Ban Nha và Israel vào tháng 3 để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Hồi tháng 2, các quan chức thành phố Đại Liên đến Nhật Bản và ghé thăm hàng loạt doanh nghiệp đang đầu tư ở Đại Liên bao gồm Nidec, nhà sản xuất động cơ, có trụ sở ở Kyoto.

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc chịu áp lực lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong khi gánh khoản nợ chồng chất lên tới 9 nghìn tỉ đô la.

Erik Yim, một nhà lập pháp đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hồng Kông, nói: “Có áp lực rõ ràng đối với mọi cấp chính quyền trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cao”.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhấn mạnh 2023 là năm đầu tư vào Trung Quốc. Bộ này có kế hoạch tổ chức các sự kiện như vậy ở hàng chục địa điểm trên khắp đất nước, cũng như ở Saudi Arabia, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giới chức trách Trung Quốc kỳ vọng dòng tiền đầu tư nước ngoài có thể hỗ trợ phục hồi những thiệt hại kinh tế do ba năm áp dụng chính sách “zero Covid”, hạn chế sự di chuyển của người và hàng hóa, đồng thời làm giảm tiêu dùng.

Theo dữ liệu chính thức, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm 7% trong nửa cuối năm 2022, xuống còn 76,7 tỉ đô la. Đây là mức giảm FDI mạnh nhất trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ nửa đầu năm 2020.

“Chúng tôi được đốc thúc cải thiện tốc độ tăng trưởng trong năm 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài là sứ mệnh lớn nhất của chúng tôi”, một nguôn tin chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Đông cho biết.

Xem doanh nghiệp nước ngoài như “người nhà”

Gần đây, một số lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây cũng đã đến thăm Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch hãng xe Volkswagen (Đức) Oliver Blume, người đã đến Thượng Hải và các thành phố khác ở Trung Quốc hồi tháng 2. Trong chuyến thăm, ông nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của ngành sản xuất ô tô. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 3, tiếp theo là Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger đến hồi tháng 4. Cả hai vị lãnh đạo doanh nghiệp này đều khẵng định họ tập trung nguồn lực đầu tư vào Trung Quốc.

Tháng trước, phát biểu tại một cuộc gặp với giới lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu bên lề Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) tổ chức ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường cam kết Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở cửa đồng thời kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Trung Quốc.

Ông nói: “Cho dù tình hình quốc tế thay đổi ra sao, Trung Quốc sẽ kiên định mở cửa với thế giới bên ngoài. Nền kinh tế Trung Quốc đã hội nhập sâu vào sự phân công lao động toàn cầu”.

Ông cam kết Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, đối xử bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư bằng cách loại bỏ sự kiểm soát của chính phủ.

Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào nói với giới giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia rằng họ sẽ được xem là “người nhà của Trung Quốc”.

Các lo ngại về vốn đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc đang gia tăng. Nhiều thông tin cho biết Apple đang tăng tốc kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chủ thương hiệu iPhone và máy tính Macbook được cho là đã yêu cầu các nhà cung cấp tích cực hơn trong kế hoạch tìm kiếm địa điểm lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác của châu Á.

Hồi tháng 2, Foxconn (Đài Loan), nhà cung cấp lớn nhất của Apple, xác nhận đã tìm kiếm được một địa điểm mới ở Việt Nam để mở rộng sản xuất.

Trong cuộc khảo sát hàng năm, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc phát hiện thấy rằng lần tiên sau 25 năm, chưa đến 50% công ty thành viên được hỏi xem Trung Quốc là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của họ.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản, ngoại trừ một số tên tuổi lớn, có xu hướng cảnh giác với Trung Quốc. Ngoài những lo ngại căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan, vụ Bắc Kinh bắt giữ một nhân viên của hãng dược Astellas Pharma của Nhật Bản hồi tháng 3 với cáo buộc gián điệp khiến các công ty Nhật Bản càng thận trọng khi xem xét đầu tư mới ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn chung, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng Trung Quốc thời kỳ hậu Covid-19 mở ra nhiều cơ hội cho giới đầu tư nước ngoài. Hãng tư vấn quản lý McKinsey & Co. nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng. Trong báo cáo gần đây, hãng này nhấn mạnh, đối với những nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường tăng trưởng mới, “Trung Quốc tiếp theo” chính là Trung Quốc.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu trong thời điểm hiện tại. Các công ty Nhật Bản cần phải hành động, xem động thái của các công ty đa quốc gia phương Tây là kim chỉ nam”, Kiyoyuki Seguchi, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu toàn cầu Canon (Nhật Bản), nói.

Theo tính toán của Bloomberg dựa vào dữ liệu mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới hồi tuần trước, Trung Quốc sẽ đóng góp 22,6% tổng tăng trưởng GDP toàn cầu trong 5 năm tới. Đây sẽ mức đóng góp cao nhất, tiếp theo là Ấn Độ (12,9%) và Mỹ (11,3%).

Theo Nikkei Asia, CNN, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới