Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc loay hoay với làn sóng thất nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc loay hoay với làn sóng thất nghiệp

Lạc Diệp

(TBKTSG) - Đại dịch Covid-19 đã gây ra làn sóng thất nghiệp với quy mô lớn chưa từng có tại Trung Quốc kể từ năm 1990. Chính phủ nước này thậm chí đã phải tuyên bố từ bỏ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 để tập trung vào khôi phục việc làm và ổn định nền kinh tế.

Doanh nghiệp Trung Quốc nếm đòn khủng hoảng vì dịch bệnh nCoV

Kinh tế Trung Quốc hứng đòn nặng do khủng hoảng dịch nCoV

Lao động nhập cư chờ việc tại thị trấn Majuqiao, Bắc Kinh. Nguồn: AP

Hồi tháng 10 năm ngoái, anh Tian Zhanhua chuyển từ quê nhà, tỉnh Hà Bắc, lên thủ đô Bắc Kinh và tìm được việc làm tại một công ty in ấn. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, anh đã rơi vào cảnh thất nghiệp khi công ty phải đóng cửa bởi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm.

Tian giờ phải sống một cách chật vật trong căn phòng chỉ rộng 6 mét vuông và đối mặt với một tương lai bất định. “Trước khi dịch bệnh bùng phát, tôi có thể làm hai công việc cùng lúc, nhưng giờ thì chỉ một việc thôi cũng đã khó tìm. Tôi đang đối mặt với nguy cơ chết đói”, anh nói.

Tuy nhiên, Tian không phải trường hợp hiếm gặp. Nơi anh ở, thị trấn Majuqiao phía Nam thủ đô Bắc Kinh hiện cũng đang là nơi cư trú của hơn 100.000 lao động nhập cư. Do các văn phòng giới thiệu việc làm tại đây vẫn chưa được phép mở cửa trở lại, nhiều lao động hàng ngày phải đứng trên đường trong nhiều giờ với hy vọng tìm được việc.

“Mọi người phải cạnh tranh khốc liệt để nhận được những công việc với mức thù lao 150 nhân dân tệ. Chúng tôi sẵn sàng làm việc từ 10-11 tiếng một ngày tại công trường xây dựng chỉ để nhận được mức lương đó”, Tian chia sẻ.

Còn tại tỉnh Quảng Đông, nơi mà quy mô GDP đủ để lọt vào tốp 5 nền kinh tế hàng đầu châu Á (GDP của Quảng Đông trong năm 2019 đạt 1.600 tỉ đô la Mỹ), tình hình cũng đang xấu đi nhanh chóng. Tại siêu đô thị Đông Hoản, nơi có dân số tương đương với New York của Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ đang vật lộn để tồn tại, còn hàng ngàn lao động di cư đã phải khăn gói trở về quê vì không còn việc làm.

“Xung quanh đây, chín trên mười xưởng dệt may đã đóng cửa”, ông Long, chủ một xưởng may nhỏ ở Đông Hoản, trao đổi với Bloomberg. Ông chỉ còn giữ lại 10 công nhân và cũng chỉ có thể trả cho họ phân nửa mức lương vì kinh doanh trì trệ.

Theo các số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc, dịch Covid-19 đã nâng tỷ lệ người thất nghiệp tại các đô thị nước này lên 6% trong tháng 4. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings ước tính có tới 30% trong số 442 triệu lao động tại các đô thị của Trung Quốc - tương đương với hơn 130 triệu người đang không có việc làm, ít nhất là trong ngắn hạn. Còn theo Citigroup, 25 triệu việc làm có thể sẽ biến mất vĩnh viễn.

Tình hình thậm chí có thể trở nên trầm trọng hơn khi các dữ liệu thống kê chính thức cho thấy 8,74 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ gia nhập thị trường việc làm sau khi tốt nghiệp trong năm nay. Cộng thêm với khoảng 300.000 sinh viên từ nước ngoài về và những sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm từ năm ngoái, con số này có thể lên tới 9 triệu lao động mới.

Ngày 22-5, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều yếu tố khó dự đoán liên quan đến dịch Covid-19 và môi trường kinh tế - thương mại trên thế giới. Do đó, Chính phủ Trung Quốc chuyển trọng tâm sang giải quyết việc làm và sự ổn định của nền kinh tế. Năm nay, nước này đặt mục tiêu tạo ra hơn 9 triệu việc làm tại các đô thị, thấp hơn mục tiêu của năm trước là khoảng 11 triệu, đồng thời duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị vào khoảng 6%, cao hơn mức mục tiêu của năm 2019.

Tuy nhiên, ngay cả việc thực hiện những mục tiêu đó cũng không hề đơn giản. Ông Zhang Lin, nhà quan sát kinh tế chính trị tại Bắc Kinh, cho biết làn sóng thất nghiệp sau đại dịch Covid-19 lớn hơn nhiều so với hai làn sóng trước đó: giai đoạn cuối thập niên 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Trong khi đó, khả năng tạo ra việc làm mới của nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm hiện tại lại kém hơn nhiều so với hai giai đoạn kể trên.

Trong suốt giai đoạn cuối thập niên 1990, số lao động bị sa thải khỏi các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đã nhanh chóng được tiếp nhận bởi thành phần kinh tế tư nhân. Còn trong giai đoạn 2008-2009, những lao động nhập cư vừa mất việc trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu đã nhanh chóng tìm được việc làm trong lĩnh vực dịch vụ nhờ quá trình đô thị hóa.

“Giờ đây, tăng trưởng đang chậm lại, quá trình đô thị hóa đã đạt đỉnh, còn thành phần kinh tế tư nhân vẫn phải vật lộn với khó khăn”, chuyên gia Zhang Lin cảnh báo.

Theo Bloomberg, với việc có tới gần 200 triệu việc làm tại Trung Quốc (nhiều hơn lực lượng lao động của cả nước Mỹ) nằm trong các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, mọi hy vọng về một sự phục hồi sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các nước khác khống chế dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế sớm tới đâu.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những áp lực từ bên ngoài. Sau quãng thời gian tạm lắng, bóng ma của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang dần quay trở lại khi Washington liên tục cáo buộc Bắc Kinh không thực hiện đúng các cam kết về nhập khẩu hàng Mỹ. Những căng thẳng gia tăng liên quan đến nguồn gốc và cách thức xử lý dịch Covid-19 có thể coi là tín hiệu tiêu cực cho quan hệ thương mại song phương.

Một yếu tố khác cũng khiến giới chức Bắc Kinh phải lưu tâm chính là “xu hướng giãn cách” với Trung Quốc hậu Covid-19 của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nếu như chiến tranh thương mại đã khiến các nước lưu tâm hơn về mối quan hệ với Trung Quốc, thì Covid-19 đã khiến quan điểm này được thể hiện rõ ràng hơn. Mỹ tiếp tục đẩy mạnh vận động di dời các chuỗi cung ứng công nghiệp khỏi Trung Quốc. Nhật Bản vừa tung gói kích thích 2,2 tỉ đô la để giúp các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước này. Giới lãnh đạo Liên hiệp châu Âu cũng cho biết sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch qua đi.

(Theo AP, CNBC, Global Times, SCMP, Bloomberg, Caixinglobal)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới