Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lùng mua các hàng hóa bị tác động do chiến tranh tại Ukraine

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ thị các cơ quan chức trách ưu tiên bảo đảm an ninh nguồn cung năng lượng và các hàng hóa khác vốn đang bị gián đoạn do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Hãng tin Bloomberg hôm 2-3 dẫn các nguồn thạo tin cho biết các cơ quan chính phủ bao gồm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) được yêu cầu phải thúc giục các công ty nhập khẩu của nhà nước lùng mua trên thị trường các nguyên vật liệu gồm dầu thô, khí đốt, quặng sắt, lúa mạch và bắp để bù đắp vào cho bất kỳ khoảng trống nguồn cung nào do chiến sự ở Ukraine.

Bắp được tập kết tại một kho dự trữ lương thực của nhà nước ở TP. Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Các nguồn tin cho biết mệnh lệnh trên không đề cập đến giá cả, cho thấy chi phí nhập khẩu hiện không phải là vấn đề trọng tâm đối với Trung Quốc. Họ nói rằng việc đảm bảo nguồn cung là ưu tiên hàng đầu của đất nước, trong bối cảnh Bắc Kinh lo lắng về tác động của việc chi phí hàng hóa đang gia tăng trên toàn cầu đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đang tăng cường tập trung củng cố an ninh năng lượng, lương thực, những vấn đề vốn chịu sức ép từ đại dịch, các căng thẳng trong chuỗi cung ứng và địa chính trị, chẳng hạn như cuộc tranh cãi ngoại giao với Úc. Theo các nguồn tin, các quan chức Trung Quốc không hướng dẫn cụ thể cách đảm bảo nguồn cung cấp mà để các cơ quan chức trách tự vạch ra phương hướng.

Cú tăng vọt của giá cả hàng hóa do chiến tranh Nga-Ukraine có thể làm phức tạp thêm các biện pháp để duy trì tăng trưởng của Trung Quốc. Hôm 2-3, giá dầu Brent ở thị trường London (Anh) tăng 8% lên mức hơn 113 đô la/thùng, trong khi đó, giá nhôm tăng 3,4%. Tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), giá bắp tăng 3% lên mức cao nhất kể từ năm 2012 và giá lúa mì tăng 7,6%.

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh dự kiến ​​công bố các bước tiếp theo để hỗ trợ nền kinh tế khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIII sẽ khai mạc bắt đầu vào cuối tuần này.

Mới đây, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc cảnh báo các doanh nghiệp không được hạn chế sản xuất tùy tiện, làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp.

Trung Quốc đang bước vào mùa nhu cầu cao điểm đối với nhiều mặt hàng và nguy cơ gián đoạn nguồn cung do xung đột quân sự ở Ukraine sẽ càng đẩy tăng giá của mọi thứ, từ kim loại đến phân bón.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã sốt sắng kiếm nguồn cung hàng hóa bên ngoài Nga và Ukraine sau khi chiến sự xảy ra. Với ngành phân bón kali của Belarus đang bị Mỹ và châu Âu trừng phạt, Trung Quốc hiện trả cao hơn 139% so với một năm trước để nhập khẩu kali từ Canada và Israel.

Về năng lượng, các nhà máy điện và nhà sản xuất thép của Trung Quốc đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho than của Nga sau khi một số ngân hàng trong nước đề nghị họ tránh mua mặt hàng này từ Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow ngày càng gia tăng. Nga là nguồn cung cấp than lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ đứng sau Indonesia.

Nga cũng là nước bán dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng mua các sản phẩm năng lượng từ nước láng giềng này trong vòng 5 năm qua, lên gần 60 tỉ đô la.

Trong cuộc gặp vào tháng trước ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình và Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã ký một loạt thỏa thuận nhằm tăng nguồn cung khí đốt, dầu thô, cũng như lúa mì của Nga cho thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là khách hàng lớn đối với bắp và lúa mạch của Ukraine. Trung Quốc đã mua hơn 8,2 triệu tấn bắp của Ukraine vào 2021, chiếm 29% tổng lượng bắp nhập khẩu của nước này. Trung Quốc mua khoảng 18 triệu tấn quặng sắt từ Ukraine, chiếm khoảng 1,6% lượng quặng sắt nhập khẩu của nước ngoài vào năm ngoái.

An ninh lương thực là ưu tiên quan trọng đối với Bắc Kinh, đặc biệt là khi nhu cầu nhập khẩu bắp, đậu nành và lúa mì của nước đông dân nhất thế giới đã tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây, làm tăng tính dễ bị tổn thương của Trung Quốc trước căng thẳng thương mại và cú sốc nguồn cung.

Các nỗ lực mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm của quốc gia bao gồm thúc đẩy sản xuất trong nước, đa dạng hóa nhập khẩu, phát triển ngành công nghiệp hạt giống cây trồng và giảm lãng phí thực phẩm.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới