Chủ Nhật, 2/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lúng túng tìm cách tháo ngòi nổ ‘bom hẹn giờ’ Evergrande

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong vòng hơn 48 tiếng đồng hồ sắp tới, nhà đầu tư cùng các thị trường chứng khoán trên thế giới đều nín thở dõi theo bất kỳ động thái nào có liên quan có đến tập đoàn Evergrande đang có khoản nợ trên 300 tỉ đô la. Từ chính sách mới của Fed, đến các bước can thiệp kế tiếp của chính phủ Trung Quốc và quan trọng hơn hết là khả năng thanh toán hai loại trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong 48 giờ tới.

“Bom hẹn giờ” Evergrande sẽ được tháo ngòi hay bùng nổ gây họa vẫn đang là những khả năng để ngỏ.

Các nhà đầu tư cá nhân kéo đến trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến để đòi tiền. Ảnh: AFP/Jiji

Thị trường chứng khoán Nhật Bản là nạn nhân mới nhất của đợt bán tháo được kích hoạt bởi nguy cơ vỡ nợ của Evergrande, với chỉ số Nikkei đã giảm 621,55 điểm, tương đương 2,04% trong sáng nay. Trong khi đó, Topix cũng giảm 1,74%. Các thị trường chứng khoán châu Á khác đang ở trạng thái đáy bằng (flat base) sau khi tụt giảm trong ngày hôm qua.

Liệu từ đáy bằng để thăng hoa hay tụt đáy thảm hại? Nhà đầu tư đang chờ vào các tín hiệu là Bắc Kinh sẽ xông vào để xử lý khủng hoảng nợ hay không. Trong hai ngày nữa, hôm 23-9, Evergrande phải vượt qua một kỳ thử thách mới khi tập đoàn này đến hạn phải trả lãi cho hai loại trái phiếu bằng đô la Mỹ.

Trong khi đó, các nhà môi giới nói rằng họ cũng đang trông chờ vào cuộc họp của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày mai. Hiện giờ họ đang “neo hàng” sau khi được khích lệ từ các chỉ số S&P 500, giúp họ cân bằng được lỗ trong giờ giao dịch cuối trên thị trường. Các thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ Trung thu, sẽ mở trở lại ngày 23-9.

Chỉ số Nikkei mất hơn 2% giá trị trong phiên sáng 21-9. Trong khi đó, nhà đầu tư khắp thế giới đang ghim cổ phiếu, không vội bán ra để chờ động tĩnh của Fed và nhà chức trách Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia

Quá lớn để thất bại

China Evergrande Group nhanh chóng trở thành nỗi lo lắng lớn nhất của đất nước khổng lồ với các khoản nợ công lẫn tư luôn tăng phình theo hiệu ứng “quả cầu tuyết”. Mối lo sợ về nguy cơ vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản ngày càng lớn dần khi sự phát triển của Evergrande ngày càng mở rộng và bao trùm rất nhiều lĩnh vực, rất trái tay so với mảng kinh doanh cốt lõi là xây dựng.

Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) thành lập tập đoàn Hằng Đệ (Hengda) vào năm 1996 ở Quảng Châu và mở rộng công ty bất động sản này chủ yếu bằng hình thức vay mượn. Hiện Evergrande Real Estate sở hữu trên 1.300 dự án ở 280 thành phố khắp Trung Quốc. Cuối tháng 6 vừa rồi, Evergrande đã cam kết xây dựng khoảng 1,4 triệu căn hộ hay dự án tư nhân – theo Capital Economics.

Tập đoàn này cũng mạo hiểm bước qua những lĩnh vực khác như xe điện (Evergrande New Energy Auto), internet và truyền thông (HengTen Networks), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), bóng đá (Guangzhou F.C) và nhà máy nước khoáng và thực phẩm (Evergrande Spring) cùng nhiều dự án khác. Với 200 công ty ở nướ ngoài và 2.000 công ty con ở trong nước, Evergrande có tài sản tổng trị giá 2.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương với 2% GDP của Trung Quốc – theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc.

Gã khổng lồ bắt đầu có những khó khăn trong thanh khoản từ năm 2018, nhưng đến khi dịch Covid-19 bùng phát thì các “bệnh nền” bắt đầu lộ ra. Tháng 8-2020, tập đoàn đã gửi thư đến chính quyền tỉnh Quảng Đông thông báo rằng các khoản thanh toán đến hạn vào tháng 1-2021, có thể gây khủng hoảng thanh khoản và dẫn đến các vụ vỡ nợ lớn hơn trong nền tài chính Trung Quốc.

Lá thư kêu cứu của tập đoàn bị lộ trên báo chí ngày 24-9, khiến giá cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande lao dốc mặc cho tập đoàn bác bỏ và trấn an nhà đầu tư. Lá thư sau đó lan rộng trên mạng xã hội… Cuộc khủng hoảng được ngăn chặn nhanh chóng sau khi một nhóm nhà đầu tư đã không đòi khoản nợ 13 tỉ đô la đến hạn.

Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi vô số các khoản nợ đến hạn dồn dập kéo đến. Evergrande vạch kế hoạch cắt giảm khoản nợ 100 tỉ đô la phải trả xuống còn phân nửa vào giữa 2023, bao gồm bán hàng loạt tài sản và cổ phiếu. Tập đoàn hiện có khoản 80 tỉ đô la vốn trong các doanh nghiệp không liên quan đến bất động sản – theo Agnes Wong, nhà phân tích của BNP Paribas SA tại Hồng Kông.

“Chúa chổm” đã có gắng gọi vốn được 8 tỉ đô la trong tám tháng đầu năm nay, bán cổ phần trong hãng xe điện HengTen, công ty bất động sản Hàng Châu và một ngân hàng địa phương. Các mục tiêu bán kế tiếp có thể là các hãng du lịch và hãng nước đóng chai. Tuy vậy, các vụ tài sản này cần phải chờ đến năm 2022 mới hoàn tất.

Fitch Ratings và S&P Global Ratings đã đánh giá rằng Evergrander có khả năng vỡ nợ. Trong khi mọi người mong đợi Evergrander có thể thanh toán các sản phẩm quản lý tài sản có lợi suất cao mà tập đoàn đã bán cho hàng trăm ngàn các nhà đầu tư cá nhân, trong đó có cả nhân viên của họ. Nhưng thị trường nhà cửa ở Trung Quốc đang “đóng băng” khi nhà chức trách siết chặt quản lý và cả nỗi lo sợ Evergrande bán tháo tài sản.

Các khoản lãi suất đáo hạn hàng tháng, tính bằng đô la Mỹ, mà Evergrande phải trả từ tháng 9-2021 đến năm 2024. Đồ họa: Bloomberg

Lực bất tòng tâm khi gặp phải quá nhiều “chúa chổm”

Được xem là nhà phát hành trái phiếu có tính rủi ro lớn nhất châu Á, Evergrande đã không phát hành bất cứ trái phiếu bằng đô la Mỹ nào kể từ tháng 1-2020 trong nỗ lực giảm khối nợ. Trong bất cứ tình hình nào, tỷ phú họ Hứa luôn bị Bắc Kinh tạo áp lực cắt giảm vay mượn trong vài năm gần đây.

Nhưng ông có thể vay mượn từ các người bạn tài phiệt của mình, như đã từng trước đây. Trong đó có các tỉ phú cùng chơi poker với Hứa Gia Ấn đã thực hiện các giao dịch trị giá 16 tỉ đô la trong thập niên qua. Hay vị tỉ phú rất kín tiếng Joon Ping đang điều hành tập đoàn Asia Orient Holdings.

Nhưng thời gian đối với Evergrande không nhiều. Theo Bloomberg, từ giờ đến cuối năm tập đoàn cần trả lãi suất đến hạn tương đương 669 triệu đô la. Tháng 3-2022, lượng trái phiếu 2 tỉ đô đến hạn, kế tiếp là khoản khác 1,45 tỉ đô trong tháng 4. Hãng S&P nhận định: “Trong khi Evergrande đã trả hết trái phiếu công trong năm nay, tái tài chính trong năm 2022 sẽ là thách thức nếu tập đoàn không thể tiếp cận được thị trường vốn lúc cần kíp”.

Sáng nay, cổ phiếu Evergrande tiếp tục giảm thêm 3,5% trên thị trường Hồng Kông, như vậy cổ phiếu của hãng mất 85% giá trị kể từ đầu năm nay. Với khoản nợ lên đến 305 tỉ đô la và dòng tiền mặt liên tục cạn, Evergrande đã bắt đầu trả cho nhà cung ứng và các nhà đầu tư cá nhân bằng căn hộ, chỗ đậu xe và văn phòng cho thuê thay cho khoản tiền lãi lẫn gốc. Nếu không vượt qua kỳ hạn trả nợ vào ngày 23-9 tới và Evergrander không thể trả nợ trong một tháng tiếp theo, tập đoàn chính thức bị xem là phá sản.

Shoji Hirakawa, chiến lược gia toàn cầu của Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, nói rằng: “Hãy nhìn xa một chút. Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh sắp diễn ra trong 5 tháng nữa, chính phủ nước này sẽ không để mối nguy cơ tín dụng của Evergrande lan tràn khắp thế giới. Sự suy giảm của thị trường Nhật và Mỹ vào lúc là cơ hội tốt để mua vào của các nhà đầu tư”, Hirakawa nói.

Bloomberg nói rằng chính phủ trung ương và chính quyền Quảng Đông và một số doanh nghiệp nhà nước lớn có thể đưa tay hỗ trợ bằng một hình thức nào đó hay buộc Evergrande tái cấu trúc. Bắc Kinh đã chỉ thị cho tỉnh Quảng Đông vạch ra lộ trình giải quyết khối nợ của tập đoàn và lập cả danh sách các công ty có khả năng sẽ mua lại nợ. Trong tháng 9 này, nhà chức trách đã thông qua kế hoạch cho phép Evergrande tái đàm phán thời hạn trả nợ với các chủ nợ, mở đường cho “giải pháp câu giờ” khác.

Nhưng Bắc Kinh gặp cảnh tiến thoái lưỡng nan. Cứu Evergrande thì những “chúa chổm” khác như Anbang Group Holdings và HNA Group đòi hỏi. Chấm dứt tình trạng ỷ y của doanh nghiệp rằng “mình quá lớn, nếu sụp đổ thì nhiều đứa chết” sẽ tạo chương mới cho hệ thống tài chính phát triển khỏe mạnh hơn. Nhưng để một tập đoàn “dây mơ rễ má” như Evergrande sụp đổ, kéo theo hàng triệu chủ căn hộ hay bất động sản điêu đứng. Chính phủ Trung Quốc chắc chắn không muốn cảnh bất ổn đó.

Trong một báo cáo ngắn công bố hôm qua, hãng đánh giá tín dụng S&P Global Ratings nói rằng sẽ không kỳ vọng vào việc chính phủ sẽ ra tay giải quyết, trừ phi sự ổn định của toàn hệ thống bị đe dọa. “Sự cứu trợ của chính phủ sẽ làm lu mờ chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương trên thị trường tài chính của ngành bất động sản”, báo cáo viết.

Cho đến giờ, mạng xã hội Trung Quốc vẫn đang đặt câu hỏi: “Hằng Đệ sẽ trở thành Vĩnh Hằng?”.

Câu hỏi này đầy sự hoài nghi và không rõ ràng về tương lai của Evergrande. Một là có thể tồn tại mãi nếu được cứu, hai là trở thành cát bụi nếu ngày 23-9 không có phép màu xuất hiện.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới