(KTSG Online) – Việc Trung Quốc tập trung vào các mục tiêu thiên về chính trị như chính sách ‘zero Covid’, thay vì các mục tiêu kinh tế đang khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất dần sức hút như là một điểm đến đầu tư đối với các doanh nghiệp châu Âu, theo đánh giá của Phòng Thương mại liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC).
- Ba hãng bay nhà nước Trung Quốc lỗ nặng vì chính sách zero Covid
- Doanh nghiệp nước ngoài e ngại Zero Covid của Trung Quốc hơn là chiến tranh
Báo cáo của EUCCC, công bố hôm 21-9, cho hay các quyết định chính sách gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này hiện được xem là “kém dự đoán, kém tin cậy và kém hiệu quả hơn”. Điều này dẫn đến sự mất niềm tin vào Trung Quốc và ngày càng có nhiều doanh nghiệp châu Âu tìm cách chuyển đầu tư sang các thị trường khác được cho là có “độ tin cậy và khả năng dự đoán cao hơn”.
Joerg Wuttke, Chủ tịch EUCCC, cho biết đây là báo cáo hàng năm bi quan nhất về mối quan hệ kinh doanh giữa châu Âu và Trung Quốc kể từ khi EUCCC được thành lập vào năm 2000.
Joerg Wuttke nói: “Các doanh nghiệp châu Âu đến đây đầu tư để tận dụng thị trường rộng lớn của Trung Quốc và chúng ta có thể thấy rằng điều kiện lý tưởng của thị trường này hiện đang bị thu hẹp”. Ông cho rằng tại Trung Quốc, chính trị đang lấn át vấn đề kinh tế, chẳng hạn như việc Bắc Kinh vẫn theo đuổi mục tiêu xóa sạch các ca nhiễm Covid-19 bất chấp chi phí tăng cao hoặc mở chiến dịch chấn chính lĩnh vực công nghệ và hạn chế sử dụng điện trong ngành công nghiệp nặng vào năm ngoái để ưu tiên kiểm soát khí thải.
Báo cáo của EUCCC cho biết chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc đang gây trở ngại cho doanh nghiệp châu Âu vì cách triển khai không linh hoạt và không nhất quán. Theo báo cáo, chính sách này gây bất lợi đối với việc thu hút và giữ chân nhân tài nước ngoài và trong nước, đồng thời khiến doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc ngày càng trở nên bị cô lập vì nhân viên của họ không thể tự do đi đến trụ sở chính.
Không có dấu hiệu nào cho thấy khi nào Bắc Kinh có thể dừng các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt và bắt đầu tái mở cửa biên giới quốc tế. Theo Wuttke, kịch bản lạc quan là Trung Quốc sẽ bắt đầu làm như vậy vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông lưu ý tình trạng thiếu miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ tiêm phòng tương đối thấp ở người già là những yếu tố có thể khiến Trung Quốc trì hoãn việc mở cửa trở lại.
EUCCC nhận định: “Xu hướng giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Trung Quốc khó có thể đảo ngược trong bối cảnh các nhà điều hành doanh nghiệp châu Âu bị hạn chế đến và đi từ Trung Quốc để phát triển các dự án mới tiềm năng”.
Những đánh giá từ báo cáo nói trên là một dấu hiệu khác cho thấy hình ảnh Trung Quốc như một điểm đến hấp dẫn để kinh doanh đã sa sút như thế nào. Tháng trước, báo cáo khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung ghi nhận sự lạc quan của các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ đối với triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Có đến 21% trong số 117 tập đoàn đa quốc gia được khảo sát nói rằng họ bi quan về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc trong 5 năm tới, một tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
90% trong số các tập đoàn đa quốc gia này cho biết mối quan hệ Mỹ-Trung đang rạn nứt khiến doanh số bán hàng của họ bị giảm.
Bất chấp khó khăn ngày càng gia tăng, một số công ty lớn ở châu Âu vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Rhodium Group, đầu tư của EU vào Trung Quốc tăng 15% trong nửa đầu năm 2022 so với một năm trước, một phần là nhờ hãng xe BMW của Đức mua cổ phần kiểm soát trong liên doanh sản xuất ô tô ở Trung Quốc vào quí 1.
Trong tháng này, Tập đoàn hóa chất BASF của Đức đã khai trương giai đoạn đầu tiên của một nhà máy mới tại Trung Quốc. Theo thông báo của BASF, nhà máy này sẽ trở thành một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc và là khoản đầu tư lớn nhất của BASF. Đó là dấu hiệu cho thấy xu hướng đầu tư từ châu Âu vào Trung Quốc chủ yếu liên quan đến một số ít công ty lớn, phần lớn là của Đức.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng đang xem xét lại địa điểm và cách thức sản xuất hàng hóa của họ. Báo cáo của EUCCC cho biết: “Với việc Trung Quốc gần như đóng cửa biên giới hoàn toàn, các công ty châu Âu nhận thấy họ cần phải tăng sự linh hoạt cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Điều này mang lại cơ hội cho các thị trường mới nổi khác, những nơi sẵn sàng chào đón đầu tư và việc làm mới”.
Báo cáo nhận định sẽ không có sự tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, nhưng các chiến lược chuỗi cung ứng thay thế đang được hội đồng quản trị của các doanh nghiệp châu Âu thảo luận.
Trung Quốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng đáng kể và có các cơ sở sản xuất, các cụm công nghiệp đẳng cấp thế giới, vì vậy, rất khó, nếu không muốn nói là không thể nếu xây dựng chuỗi cung ứng quy mô lớn tương tự ở những nước khác. “Tuy nhiên, mức độ cam kết của doanh nghiệp châu Âu đối với đầu tư ở Trung Quốc không còn được xem là điều hiển nhiên”, báo cáo kết luận.
Theo Bloomberg