(KTSG) - Chính phủ Trung Quốc mới đây đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ về việc sẽ nới lỏng chính sách chống dịch, nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn số hai thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp và đầy chông gai.
- Kỳ vọng Trung Quốc tái mở cửa, thị trường kim loại công nghiệp phục hồi
- Mở được 2 ngày, cửa khẩu Bắc Phong Sinh với Trung Quốc lại tạm đóng
Những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế
Ngay sau khi Trung Quốc phát đi những tín hiệu về việc nới lỏng chính sách zero-Covid, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra những đánh giá tích cực. Phát ngôn viên IMF hôm 30-11 cho biết, cơ quan này nhận thấy việc Trung Quốc điều chỉnh dần và an toàn chính sách zero-Covid có thể giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng cao hơn vào năm 2023. Trước đó, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2022 và 4,4% trong năm 2023.
Các tổ chức tài chính lớn cũng đưa ra những dự báo khác nhau về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc. Goldman Sachs và UBS dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 4,5% vào năm 2023. Trong khi đó, Morgan Stanley dự đoán mức tăng trưởng năm tới là 5%, còn Nomura lại thận trọng hơn với dự báo là 4%.
Phản ứng của thị trường tài chính
Những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện trên thị trường tài chính, khi thông báo của Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan ngay lập tức kích hoạt một đợt phục hồi của cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Các chỉ số chứng khoán của sàn Thượng Hải và Hồng Kông cũng đồng loạt tăng điểm trong tuần trước, với mức tăng lần lượt là 1,76% và 6,27%. Đồng nhân dân tệ cũng ghi nhận sự tăng giá so với đô la Mỹ.
Theo Reuters, giới phân tích đã đồng loạt nâng dự báo về thu nhập doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2023.
Theo IBES, dự báo thu nhập 12 tháng tới của các công ty thuộc nhóm chỉ số MSCI China đã tăng 2% trong tháng 11, một sự cải thiện đáng kể so với mức dự báo giảm 15% trong giai đoạn 10 tháng đầu năm nay, do những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế.
Còn theo Refinitiv, doanh thu của các công ty có giá trị vốn hóa lớn và trung bình tại Trung Quốc (tối thiểu 1 tỉ đô la), dự kiến sẽ tăng trung bình 17,3% trong năm 2023, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Tiêu dùng sẽ là lĩnh vực quan trọng nhất đối với chứng khoán Trung Quốc trong năm 2023, khi việc nền kinh tế mở cửa trở lại, cho phép người tiêu dùng đảo ngược xu hướng tiết kiệm trong suốt thời kỳ đại dịch. IBES nhận định, các lĩnh vực hàng tiêu dùng được dự báo sẽ dẫn đầu về mức độ cải thiện doanh số, với tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt khoảng 35%. Các công ty công nghiệp và công nghệ cũng được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 30% và 23%.
Thị trường hàng hóa cũng đang kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Bank of America đánh giá, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ củng cố triển vọng tăng giá cho một số kim loại nhất định, bởi nước này hiện chiếm tới 50% nhu cầu kim loại toàn cầu.
Con đường mở cửa còn nhiều thách thức
Chia sẻ với SCMP, ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng của Nomura về thị trường Trung Quốc, cho hay: “Chúng tôi e rằng con đường để Trung Quốc tiến tới sống chung với dịch bệnh vẫn sẽ diễn ra chậm chạp, tốn kém và gập ghềnh”.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EuroCham China) cho biết chính phủ Trung Quốc đã lãng phí “ít nhất một năm qua để chuẩn bị nền tảng cho miễn dịch cộng đồng”. “Nếu các hạn chế được dỡ bỏ trước khi Trung Quốc đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, các bệnh liên quan đến Covid-19 sẽ có nguy cơ gia tăng đáng kể”, EuroCham cảnh báo.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo giới đầu tư cần thận trọng trước khi đưa ra quyết định, bởi chính sách của Chính phủ Trung Quốc là “không thể đoán trước”. Chia sẻ với CNBC, chuyên gia về bán khống Carson Block cho biết, Bắc Kinh hiện vẫn chưa vạch ra các mục tiêu chính sách kinh tế của mình, và thị trường cần đánh giá kỹ lưỡng rủi ro này.
Nguồn: Reuters, Business Insider, SCMP, Schroders, CNBC, Bloomberg