Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc mua lại cổ phiếu ngân hàng lớn sau khi nhà đầu tư nước ngoài bán tháo

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quỹ đầu tư Central Huijin Investment (CHI) đã mua lại cổ phiếu của bốn ngân hàng lớn nhất đại lục sau khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 140 tỉ nhân dân tệ (hơn 19 tỉ đô la Mỹ) cổ phiếu loại A  trên thị trường mở. Đây là lần đầu tiên quỹ đầu tư chính phủ mua cổ phiếu của các ngân hàng này kể từ khi chứng khoán đại lục lao dốc vào năm 2015.

Nhà đầu tư nước ngoài đã quay xe trước cổ phiếu các ngân hàng lớn và doanh nghiệp Trung Quốc mặc dù các dữ liệu kinh tế trong quí 3-2023 được cải thiện. Ảnh: Reuters

Giá cổ phiếu tăng sau động thái của CHI

Trong những tuyên bố riêng lẻ gần như giống hệt nhau vào tối 11-10, nhóm tứ đại (Big 4) gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) nói rằng CHI đã mua cổ phiếu niêm yết ở Thượng Hải và "có ý định tiếp tục tăng" lượng cổ phiếu nắm giữ trong sáu tháng tới.

Thông báo này đã giúp thúc đẩy tâm lý thị trường chứng khoán các phiên giao dịch ngày 12-10. Cổ phiếu của cả bốn ngân hàng trên đều tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch sớm ở Thượng Hải, trong khi cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông tăng hơn 4%.

Thành lập năm 2003 và do Bộ Tài chính Trung Quốc quản lý, CHI chuyên nắm giữ cổ phần của các tổ chức tài chính quan trọng. Ban đầu quỹ được thành lập như một phần của cuộc cải cách tài chính ngân hàng dẫn đến việc niêm yết cổ phiếu của bốn ngân hàng quốc doanh bắt đầu từ giữa những năm 2000. Lần này, CHI đã mua từ 18 -37 triệu cổ phiếu của bốn ngân hàng trên. Dựa trên giá đóng cửa hôm 11-10, tổng giá trị mua vào khoảng 477 triệu nhân dân tệ (hơn 65 triệu đô la Mỹ).

Lần cuối cùng CHI thực hiện động thái tương tự là vào năm 2015 khi chi hơn hai tỉ nhân dân tệ trong một lần mua cho cổ phiếu của nhóm “tứ đại” khi thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Thực tế, CHI đã là cổ đông lớn của bốn ngân hàng nên lần thu mua mới nhất chỉ tăng tỷ lệ sở hữu của CHI ở mỗi ngân hàng thêm 0,01 điểm phần trăm, tức 34,72% đối với ICBC, 57,12% với CCB, 40,04% với ABC và 64,03% với BOC.

Weiqing Li, thành viên Ủy ban Thường vụ ngân hàng tư nhân của Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, nhận định rằng việc mua lại có thể là một động thái mang tính biểu tượng “thể hiện sự hỗ trợ cho thị trường”. Tuy nhiên, ông Li đã đặt dấu hỏi về hiệu quả lâu dài của cách làm này.

“Tâm lý thị trường tồi tệ hơn năm 2015. Trước đó, chúng ta vẫn còn những nhà đầu tư cơ hội và nhà đầu tư dài hạn tìm cách tham gia thị trường. Giờ đây, mọi thứ đều không còn nữa. Số tiền mua cũng tương đối nhỏ. Nếu số tiền lớn hơn thì có thể có tác động đáng kể hơn”, ông Li phát biểu.

Vẫn còn đó những lo âu dù dữ liệu kinh tế cải thiện

Dựa trên sự cải thiện của dữ liệu kinh tế vĩ mô, sức mua của người tiêu dùng và hoạt động du lịch gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, ngân hàng Standard Chartered đã kỳ vọng GDP của Trung Quốc sẽ tăng lần lượt 5,1% trong quí 3 vừa rồi, 5,6% trong quí 4 và đạt mức 5,4% trong năm nay - cao hơn sự đồng thuận của thị trường. Dù vậy, tâm lý thị trường đã không tốt lên. Từ đầu tháng 8 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 140,46 tỉ nhân dân tệ cổ phiếu loại A thông qua chương trình Stock Connect với Hồng Kông.

Giới truyền thông bình luận rằng, CHI can thiệp “nhỏ giọt” sau khi các nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi chứng khoán Trung Quốc bởi sự hồi phục kinh tế của đại lục không như mong đợi. Còn Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á thuộc Standard Chartered, cho rằng sự kết nối giữa thị trường và kinh tế đã đứt đoạn và cho dù nền kinh tế (Trung Quốc) không tệ nhưng tâm lý nhà đầu tư không hào hứng”.

Trong tháng 9, doanh thu trung bình hàng ngày của cổ phiếu loại A của Trung Quốc đã giảm xuống 719 tỉ nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2020. Báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC cho biết số tiền từ các thương vụ IPO (lên sàn lần đầu) giảm 69% so với tháng 8 sau khi cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc thắt chặt các quy tắc gây quỹ, với hy vọng thúc đẩy giá cổ phiếu hiện có.

“Niềm tin vào vốn chủ sở hữu của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất mà chúng tôi có thể quan sát được kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Niềm tin yếu đi do đà tăng trưởng kinh tế suy yếu, lực cản bất động sản và căng thẳng Mỹ-Trung. Chúng tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư quốc tế không chú ý nhiều đến mức định giá rẻ. Ngay cả kết quả thu nhập khả quan của một số công ty cũng bị thị trường bỏ qua và chưa phản ánh vào giá cổ phiếu”, theo Jian Shi Cortesi, giám đốc đầu tư quỹ GAM Investments ở Zurich.

Theo Nikkei Asia, Caixin, Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới