Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc muốn đồng nhân dân tệ ‘vừa yếu, vừa mạnh’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu, gây lạm phát cho nền kinh tế. Nhưng đây lại là điều Trung Quốc không mong muốn, bởi Bắc Kinh muốn nhân dân tệ mạnh hơn, nâng cao vai trò của đồng tiền trong thanh toán quốc tế.

Nhà đầu tư nước ngoài dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ yếu hơn vào cuối năm, khi kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất sẽ giảm bớt. Ảnh: Getty Images

Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã ban hành tỷ giá cố định hàng ngày ở mức 7,1196 tệ ăn 1 đô la, mức thấp nhất kể từ ngày 23-11-2023. Tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải tuần rồi, Thống đốc PBoC Phan Công Thắng phát biểu rằng tỷ giá đồng tệ đã “duy trì mức ổn định tương đối trong một môi trường phức tạp và ngân hàng trung ương sẽ duy trì tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái bằng cách ấn định tỷ giá”.

Nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa cuối năm

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đang dự đoán đồng tệ sẽ yếu hơn vào cuối năm giữa lúc mọi người kỳ vọng vào việc Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Đầu tháng này, Fed đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 20 năm và dự kiến ​​chỉ cắt giảm lãi suất một lần nữa trong năm nay.

PBoC cũng giữ lãi suất chuẩn ổn định trong tháng 6 này. Một số nhà kinh tế kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm “rã băng” thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài cũng đang cần đô la Hồng Kông (để trả cổ tức nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu tăng mạnh), gây áp lực lên đồng nội tệ.

Hôm 21-6, tỷ giá đồng nhân dân tệ đã giảm xuống còn 7,2613 so với đồng đô la, tiến gần hơn đến giới hạn trên của mức cộng hoặc trừ 2% mà đồng tiền này được phép dao động so với mức ấn định hàng ngày. Đó là mức thấp nhất trong bảy tháng, kể từ tháng 11-2023. Nếu tệ vượt qua mức 7,3498 được ghi nhận vào ngày 8-9-2023, thì đó sẽ là mức thấp mới kể từ năm 2008. Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, được giao dịch tự do hơn, đã chạm mức thấp mới từ đầu năm là 7,2926.

Các đồng tiền châu Á đang gặp khó khăn vì đồng đô la mạnh. Trong khi đó, đồng tiền Trung Quốc có vẻ là ngoại lệ duy nhất. Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới đã tác động đến chuyện nắm giữ tài sản bằng đồng tệ. Đặc biệt, các nhà đầu tư lo lắng về khả năng áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc nếu cựu tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Kiyong Seong, trưởng nhóm chiến lược vĩ mô châu Á thuộc ngân hàng Societe Generale của Pháp, nói rằng “vẫn giữ quan điểm đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá”. Ông cũng dự báo tệ sẽ giảm xuống mức 7,4 ăn 1 đô la trong quí 3. Seong nói đà giảm này sẽ khiến đồng tệ rơi xuống mức giá thấp nhất kể từ tháng 12-2007, phản ánh mối lo ngại về tình hình đối đầu địa chính trị trước và trong kỳ bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Seong, PBoC sẽ tiếp tục quản lý đồng tiền tệ theo kiểu chính sách cục bộ, khu biệt hơn là chiến lược tổng thể trong hơn sáu tháng còn lại của năm.

Cheuk Wan Fan, CIO châu Á của ngân hàng tư nhân HSBC và Leonard Kwan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại hãng quản lý tài sản T Rowe Price của Mỹ cùng dự đoán, đồng nhân dân tệ sẽ yếu hơn trong năm nay.

Trên thị trường tự do sáng 27-6, tỷ giá chuyển đổi là 7,2687 tệ ăn 1 đô la, theo trang investing.com.

Động lực và áp lực

Đồng nhân dân tệ yếu sẽ là động lực kích thích xuất khẩu, đồng thời cũng tạo áp lực lạm phát đối với nền kinh tế khi chi phí nhập khẩu gia tăng. Michelle Lam, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Societe Generale, cho rằng đây là hai lực mà nền kinh tế đại lục thật sự cần. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với tháng 4, cho thấy áp lực giảm phát dai dẳng.

“Nhưng tôi không nghĩ đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách muốn. Liệu điều này có hiệu quả lâu dài hay không thì còn phải tranh cãi. Nhưng tôi không nghĩ họ cũng muốn một đồng tiền suy yếu”, Lam nói. Bà cũng viện dẫn rằng chương trình làm việc gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình thường xoay quanh việc củng cố sức mạnh và tăng tỷ lệ đồng nhân dân tệ được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trong hai tháng 4 và 5. Thặng dư thương mại của Trung Quốc ở mức 82,62 tỉ đô la trong tháng 5, tăng so với tháng 4.

Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Mizuho Securities ở Hồng Kông, cho rằng Trung Quốc có thể "có xu hướng xem xét cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá thêm để chống lại tác động từ việc tăng thuế tiềm năng". Tuy vậy, ông tin rằng bất kỳ sự giảm giá nào do điều chỉnh chính sách có thể sẽ xảy ra từ từ.

Còn bà Lam từ Societe Generale cho rằng đợt suy yếu của đồng nhân dân tệ năm 2015 đã tạo áp lực đẩy dòng vốn chảy ra ngoài. Bà tin rằng đó thực sự là điều mà các nhà hoạch định chính sách muốn tránh xa vào lúc này.

Nếu đồng nhân dân tệ mất giá hơn nữa, thì tình trạng dòng vốn chảy ra bên ngoài có thể trầm trọng hơn.  Trở lại năm 2015, khi PBoC phá giá đồng nhân dân tệ, thị trường tiền tệ toàn cầu đã bị sốc. Đồng won Hàn Quốc, đồng đô la Úc và Singapore đều giảm giá theo.

Giới thượng lưu Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hóa tài sản ở nước ngoài do ảnh hưởng của lãi suất tiết kiệm bằng tệ ở mức thấp, thị trường chứng khoán không sáng sủa và đà trượt dốc của thị trường bất động sản. Các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi ngân hàng bằng đô la Hồng Kông là những lựa chọn phổ biến của người dân đại lục.

Theo Nikkei Asia, Reuters, investing.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới