Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc muốn thay đổi văn hóa dùng đũa để phòng dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc muốn thay đổi văn hóa dùng đũa để phòng dịch bệnh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Trung Quốc đang mở cuộc vận động kêu gọi người dân nâng cao ý thức vệ sinh trong ăn uống bằng cách dùng một đôi đũa thứ hai để gắp thức ăn trong bữa ăn chung với người khác, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là Covid-19.

Trung Quốc muốn thay đổi văn hóa dùng đũa để phòng dịch bệnh
Trung Quốc đang mở cuộc vận động kêu gọi người dân từ bỏ thói quen dùng cùng một đôi đũa để vừa ăn vừa gắp thức ăn, khi ngồi bàn ăn chung với người khác. Ảnh: Getty

"Cuộc cách mạng trên bàn ăn"

Chia sẻ và dùng chung thức ăn là một đặc điểm văn hóa của người dân Trung Quốc cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới để thể hiện tình cảm. Cha mẹ gắp những miếng ngon đặt vào bát của con cái để thể hiện tình yêu thương. Con cháu gắp thức ăn cho ông bà để bày tỏ sự tôn kính.

Giờ đây, nhiều người dân Trung Quốc lo ngại truyền thống lâu đời này sẽ làm tăng nguy cơ lây lan Covid-19.

Chính phủ Trung Quốc đang mở cuộc vận động thay đổi thói quen dùng đũa này bằng cách kêu gọi người dân dùng một đôi đũa thứ hai (hay còn gọi là đũa cộng đồng) chỉ để gắp thức ăn trong các bữa ăn chung.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi đó là “cuộc cách mạng trên bàn ăn”. Hai chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Trung Quốc, bác sĩ Chung Nam Sơn và bác sĩ Trương Văn Hoành, cũng lên tiếng ủng hộ cuộc vận động này.

Truyền thông Trung Quốc phát sóng những chương trình quảng cáo trên truyền hình với các khẩu hiệu như: “Khoảng cách giữa bạn và ăn uống văn minh chỉ là một đôi đũa dùng riêng cho việc gắp thức ăn”.

Một số nhà hàng đang hưởng ứng lời kêu gọi bằng cách giảm giá cho những thực khách dùng đôi đũa thứ hai để gắp thức ăn. Tại TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, hơn 100 nhà hàng nổi tiếng đã thành lập “Liên minh đũa chuyên dùng gắp thức ăn”.

Tại Bắc Kinh, Bai Yiwen, một trong những người chủ của nhà hàng Chilli Kitchen, cho biết kể từ khi nhà hàng tái mở cửa hồi giữa tháng 4, hơn một nửa nhóm thực khách yêu cầu cung cấp đũa chỉ chuyên gắp thức ăn, tăng mạnh so với con số 5% nhóm thực khách yêu cầu như vậy trước dịch Covid-19.

“Trước đây, mọi người cảm thấy phiền phức nếu dùng thêm một đôi đũa khác để gắp thức ăn. Nhưng giờ đây, mọi người đã nhận thức rõ hơn về vấn đề và họ đang dần quen với việc dùng thêm một đôi đũa để gắp thức ăn”, Bai Yimen nói.

Sử dụng đũa chuyên gắp thức ăn đang dần phổ biến hơn ở các thành phố như Thượng Hải và Bắc Kinh, những nơi có nhận thức giữ gìn vệ sinh cao. Trong khi đó, những người dân ở miền bắc Trung Quốc, đặc biệt là nam giới, vốn tự hào về phong cách “ăn to, nói lớn”, thường phớt lờ những mối lo ngại nhỏ nhặt liên quan đến vi trùng, vi khuẩn.

Tuy nhiên, một cuộc thử nghiệm nhỏ gần đây do các chuyên gia sức khỏe của chính phủ Trung Quốc thực hiện phát hiện thấy rằng lượng vi khuẩn ở các đĩa thức ăn mà mọi người dùng đôi đũa cộng đồng để gắp thấp hơn 250 lần so với lượng vi khuẩn ở các đĩa thức ăn mà mọi người dùng đũa cá nhân để gắp.

Các cuộc vận động thay đổi thói quen dùng đũa tương tự cũng xuất hiện khắp châu Á sau cơn bùng phát dịch SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) vào đầu thập niên 2000.

Cuộc vận động này đặc biệt mạnh mẽ ở Hồng Kông, nơi gần 300 người tử vong vì dịch SARS. Thậm chí ngày nay, nhiều nhà hàng ở Hồng Kông đặt hai hộp đũa có màu sắc khác nhau trên mỗi bàn ăn, một đôi dùng để gắp thức ăn và một đôi dùng để ăn. Các nhà hàng khác ở thành phố này thường đặt thìa và đũa chuyên dùng riêng để múc và gắp thức ăn ngay trên đĩa thức ăn.

Để hỗ trợ cho cuộc vận động của chính quyền, truyền thông nhà nước và các nhà sử học ẩm thực Trung Quốc đã sục sạo lịch sử để tìm ra những bằng chứng về việc người xưa dùng đũa chuyên dùng riêng cho gắp thức ăn hay dùng đĩa thức ăn riêng.

Các bài báo cho biết trong suốt 3.000 năm trước đời Nhà Đường, người Trung Quốc dùng những khẩu phần ăn riêng. Các bài báo chỉ ra rằng một bức tranh cuộn nổi tiêng vào thế kỷ thứ 10 vẽ cảnh một vị thượng thư triều đình và các vị khách dùng các đĩa thức ăn riêng.

Năm 1984, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang, một người có tư tưởng cởi mở, đã đề xuất người dân từ bỏ việc dùng đũa và các đĩa thức ăn chung để chuyển sang kiểu ăn uống theo khẩu phần cá nhân của người phương Tây. Mục đích là để tránh các căn bệnh truyền nhiễm nhưng đề xuất này nhanh chóng bị phớt lờ và lãng quên.

Nhà sử học ẩm thực Zhao Rongguang xem đại dịch Covid-19 là cơ hội để khôi phục cuộc vận động ăn uống văn minh ở Trung Quốc

Không dễ thay đổi

Đôi đũa cộng đồng chuyên dùng gắp thức ăn được đặt trên một chén nhỏ ở một bàn ăn ở nhá hàng Chilli Kitchen ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Tuy vậy, tâm lý phản đối sự thay đổi trên cũng rất mạnh mẽ. Nhiều người dân Trung Quốc xem việc dùng đũa của họ để gắp thức ăn cho người khác là một trong những cách thể hiện văn hóa cộng đồng và nhấn mạnh tình cảm gia đình, chẳng khác nào văn hóa chào hỏi bằng cách ôm nhau của người Mỹ hay hôn má của người Pháp.

Họ cho rằng việc sử dụng một đôi đũa cộng đồng để chuyên gắp thức ăn thường chỉ thích hợp trong các hoàn cảnh cần giữ phép lịch sự như các bữa tiệc tùng trang trọng hay các cuộc ăn uống chung với người lạ.

Liu Peng, chuyên gia tư vấn giáo dục, 32 tuổi, người sinh trưởng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền bắc Trung Quốc, cho biết dù anh đã quen với việc mang khẩu trang nhưng anh và bạn bè vẫn không thay đổi thói quen ăn uống.

Anh nói: “Có thể việc dùng đũa cộng đồng chuyên gắp thức ăn sẽ vệ sinh hơn nhưng ăn uống là khoảng thời gian thư giãn và chúng tôi không muốn cảm thấy phiền phức vì những quy tắc nhỏ nhặt như vậy”.

Ngoài ra, anh cho rằng Covid-19 có khả năng lây lan rất cao cho nên đũa dùng riêng cho gắp đồ ăn sẽ không giúp ngăn chặn căn bệnh này lây lan giữa những người ngồi chung một bàn ăn.

Anh hùng hồn tuyên bố: “Trong 30 năm đi ăn ở quán xá bên ngoài, tôi chưa bao giờ bị lây một căn bệnh truyền nhiễm nào cả”.

Chia sẻ thức ăn với người thân gia đình và bạn bè là một văn hóa ăn sâu trong đời sống hàng ngày của người dân Trung Quốc và việc chuyển sang dùng đôi đũa chuyên gắp thức ăn đôi khi lại bị nhìn nhận như hành động gây xa cách.

Trong một bàn ăn chung ở nhà hàng, nếu có một thực khách yêu cầu bộ đồ ăn riêng, điều này có thể bất tiện hoặc gây khó chịu vì nó có thể ẩn ý, người đó nghĩ rằng những thực khách khác trong bàn ăn có thể đang bị mắc những căn bệnh lây nhiễm.

Sara Jane Ho, người sáng lập một trường dạy nghi thức giao tế cấp cao ở Trung Quốc, cho biết khi cô mời mọi người đến nhà dùng bữa, cô thường nói rằng cô bị cảm cúm nhẹ, vì vậy, cô đề nghị dùng thêm một đũa chuyên gắp thức ăn để bảo vệ sức khỏe của mọi người. Cô nói dù đã khuyến cáo như vậy, nhưng không phải ai cũng tuân thủ.

“Thường thì bạn sẽ thấy mọi người dùng đôi đũa cộng đồng để gắp đồ ăn cho mình nhưng rồi họ quên đổi sang đũa cá nhân và sử dụng ngay chính đôi đũa cộng đồng đó để ăn”, cô nói.

Không dễ thuyết phục người dân Trung Quốc thay đổi cách dùng đũa trong ăn uống, đặc biệt là ở những khu vực nằm ngoài các thành phố lớn, trừ phi ban hành một đạo luật cụ thể bắt buộc mọi người phải thay đổi thói quen ăn này.

Đối với Shu Xiao, một nữ giáo viên 27 tuổi ở TP Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, các cuộc ăn uống chung với bạn bè có thể là điều bất tiện. Cô cho biết gia đình cô sử dụng đũa chuyên gắp thức ăn kể từ năm ngoái sau khi một cơn bùng phát bệnh liên quan đến vi khuẩn đường ruột xảy ra tại địa phương.

Khi cô đi ăn ngoài với bạn bè, cô không đủ mạnh dạn để yêu cầu mọi người dùng đũa chuyên gắp thức ăn. Thay vào đó, cô chỉ ăn những phần thức ăn trong đĩa mà mọi người ít chạm đũa vào nhất và cố kìm nén ý nghĩ vi khuẩn lây lan rộng xung quanh bàn ăn như thế nào.

“Bạn bè tôi nghĩ rằng, gia đình tôi là dạng khác người vì dùng đũa chuyên gắp thức ăn ở nhà. Vì vậy, tôi phải tuân theo xu hướng chung dù trong thâm tâm, luôn ít nhiều có sự phản kháng”, cô cho biết.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới