Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc ngưng nhập thanh long: chuyện không mới, nhưng tiếp tục tác động lớn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu thanh long của Việt Nam là câu chuyện không mới. Thế nhưng, việc này tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả, tình hình thu mua ở thị trường trong nước.

Trung Quốc ngưng nhập thanh long Việt Nam là chuyện không mới, nhưng ngành hàng này ở trong nước tiếp tục bị tác động rất lớn. Ảnh: Trung Chánh

Mới đây, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết phía Trung Quốc đã có thông báo về việc nước này phát hiện một lô hàng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chính vì vậy, Hải quan Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã quyết định dừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam từ ngày 29-12-2021 đến hết ngày 26-1-2022.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cũng xác nhận phía Trung Quốc vừa có thông báo tạm ngưng nhập khẩu thanh long Việt Nam. “Nhưng, không phải ngưng ở tất cả các cửa khẩu”, ông nói.

Theo ông Trịnh, đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc thực hiện việc tạm ngưng này, mà đã từng xảy ra nhiều lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ chính trái thanh long của Việt Nam.

Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long các loại của Việt Nam đạt 891,35 triệu đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 89,4% tổng giá trị xuất khẩu thanh long đi các thị trường.

Chính việc chiếm tỷ trọng lớn như nêu trên, cho nên, khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu hay việc thông quan qua cửa khẩu ngày càng bị dồn ứ đã tác động không nhỏ đến thị trường trong nước.

Trao đổi với KTSG Online, một thương lái cung cấp thanh long cho nhà kho Hoa Cương của Công ty TNHH trái cây Hoa Cương, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, xác nhận nhà kho này đã có thông báo ngưng hoạt động từ ngày 31-12-2021 đến ngày 4-1-2022 và huỷ đơn hàng của các đơn vị cung cấp, dù trước đó đã thoả thuận, thống nhất giá cả.

Theo vị này, việc thoả thuận của ông với nhà kho Hoa Cương chỉ là thoả thuận miệng trên tinh thần tin tưởng nhau. “Nhưng, việc họ huỷ không nhận hàng, trong khi chúng tôi đã đặt cọc mua từ nông dân, dẫn đến thua lỗ rất nhiều”, ông cho biết.

Ông Trịnh của Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết ngoài nhà kho Hoa Cương và một số nhà kho khác huỷ đơn hàng thì các nhà kho còn lại vẫn tiếp tục thu mua, nhưng đã giảm giá mua vào.

Theo đó, hiện thanh long loại I tại kho có giá chỉ còn 15.000 đồng/kg, trong khi mức giá hồi tuần rồi là 30.000 đồng/kg. Mức giá tại vườn cũng giảm một nửa so với tuần rồi và hiện chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg đối với thanh long loại I và loại II chỉ còn 500-1.000 đồng/kg.

Liên quan việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói chung và thanh long nói riêng gặp khó khăn, ông Trịnh cho rằng các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tình trạng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà kho cũng cần mở rộng đầu tư hệ thống bảo quản để chủ động ứng phó rủi ro khi có biến động ở thị trường tỉ dân này.

Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thanh long là mặt hàng trái cây có sản lượng lớn nhất ở các tỉnh phía Nam, đạt hơn 1,3 triệu tấn năm 2021. Đây cũng là loại trái cây có kim ngạch dẫn đầu trong số các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu diện tích sản xuất thanh long cả nước năm 2022 đạt 73.000 héc ta, với sản lượng đạt 1,55 triệu tấn, tăng khoảng 150.000 tấn so với năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới