(KTSG Online) – Số lượng nhà bị tịch biên và phát mãi ở Trung Quốc tăng 43% trong năm 2023, lên gần 400.000 căn. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng nợ quá hạn của các khoản vay thế chấp gia tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản của quốc gia này sụt giảm kéo dài và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.
- Các ngân hàng Hồng Kông chật vật thanh lý nhà tịch biên
- Giấc mơ vụn vỡ ở những dự án căn hộ chưa hoàn thiện của Trung Quốc
Nhà bị tịch biên ngày càng tăng
Dữ liệu mới công bố của công ty nghiên cứu bất động sản độc lập China Index Academy cho thấy số lượng nhà bị tịch biên ở để bán đấu giá ở Trung Quốc vào năm ngoái là 389.000 căn, tăng 43% so với năm 2022. Trong đó có 99.000 căn trị giá tổng cộng 150 tỉ nhân dân tệ (21 tỉ đô la Mỹ) đã được bán thành công tại các cuộc đấu giá.
Nếu tính tổng số bất động sản bị tịch biên bao gồm bất động sản thương mại, công nghiệp, nhà ở, đất đai, nhà để xe và chỗ đậu xe thì tổng cộng là 796.000 đơn vị. Cuộc khảo sát của China Index Academy ghi nhận đây là con số kỷ lục và tăng 36,7% so với năm 2022.
Năm ngoái, thị trường bất động sản Trung Quốc chứng kiến giá nhà mới giảm mạnh nhất trong gần 9 năm, kìm hãm đà phục hồi nói chung của nền kinh tế đất nước. Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái nhờ tín dụng được chuyển từ lĩnh vực bất động sản sang các nhà sản xuất và đầu tư hạ tầng.
Theo China Index Academy, các thành phố hạng hai phía tây nam Trung Quốc như Trùng Khánh và Thành Đô là những nơi có lượng nhà tịch biên và phát mãi lớn nhất trong năm 2023. Công ty cho biết, số lượng nhà tịch biên ở Trung Quốc tăng dần kể từ năm 2020 và con số này tiếp tục tăng trong những ngày đầu năm 2024.
Hồi đầu tháng 1, nền tảng thương mại điện tử JD.com thông báo đã bán thành công 11 căn nhà với tổng giá trị hơn 10 triệu nhân dân tệ chỉ trong 10 ngày đầu của tháng 1. Nền tảng này đang lên kế hoạch tổ chức đấu giá nhiều căn nhà cao cấp hơn ở các thành phố hàng đầu như Bắc Kinh và Thượng Hải trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, lượng nhà tịch biên tăng tạo ra cơ hội cho những người đang tìm mua những căn nhà giá rẻ để ở. Sau khoảng hai năm tìm kiếm, Lucas Huang, 28 tuổi, nhân viên ngành ngân hàng ở Thượng Hải, đã mua được một ngôi nhà tịch biên ở quận Phố Đông của thành phố.
Huang rất vui khi chỉ phải trả 3,6 triệu nhân dân tệ (500.000 đô la Mỹ) cho ngôi nhà rộng 100 mét vuông vào tháng 12. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với mức giá trung bình 5 triệu nhân dân tệ cho một bất động sản có cùng diện tích ở khu vực lân cận. “Đó là căn nhà có giá tốt và tôi không có ý định bán lại. Mua nhà tịch biên tiết kiệm chi phí hơn, đặc biệt vì giá rẻ hơn nhiều so với nhà mới hoặc nhà cũ thông thường”, Huang chia sẻ.
Huang là một trong số nhiều người mua nhà với ý định để ở chứ không phải đầu tư, vì vậy, họ rất quan đến đến những tài sản bị ngân hàng thu hồi và đem ra bán đấu giá.
Người mua nhà để ở áp đảo trên thị trường
Theo các nhà quan sát thị trường, những khách hàng mua nhà để ở như Huang đang áp đảo nhóm khách hàng mua nhà với ý định đầu tư trên thị trường nhà tịch biên.
Những ngôi nhà tịch biên là tài sản bị ngân hàng thu hồi và bán lại sau khi chủ sở hữu của chúng không trả được nợ. Ngân hàng thường bán những tài sản này với giá thấp hơn đáng kể so với giá trị thị trường. Mức giảm giá đối với những căn nhà như vậy có thể lên tới 20- 30%. Theo Viện Nghiên cứu dữ liệu Hanhai, ở Trung Quốc hiện có gần 250.000 bất động sản bị tịch biên được rao bán trong tháng 11-2023, tăng gấp đôi so với tháng 10 và tăng 177,35% so với cùng kỳ năm 2022.
Với việc nguồn cung nhà tịch biên tăng vọt cũng khiến giá của loại hình nhà ở này giảm mạnh. Tại các thành phố cấp một như Bắc Kinh, giá bán trung bình của một căn nhà tịch biên tương đương 52.600 nhân dân tệ (7.370 đô la Mỹ/m2) trong tháng 11-2023, giảm 3% so với tháng trước và giảm 10,39% so với một năm trước. Dữ liệu của Hanhai cho thấy, giá bán nhà ở tịch biên thấp hơn 16,24% so với nhà ở thông thường.
Hay như giá nhà tịch biên ở Thượng Hải cũng suy giảm về ngang với những căn nhà cũ chưa được sửa và diện tích nhỏ và không có tiện ích.
Hai năm trước, các nhà đầu tư thống trị thị trường nhà tịch biên ở Thượng Hải vì chưa có quy định hạn chế mua những bất động sản đó. Trước đây, người mua nhà bị tịch biên không bắt buộc phải có hộ khẩu ở Thượng Hải. Nhưng yêu cầu đó được áp dụng kể từ tháng 1-2022, khiến nhiều nhà đầu tư rời khỏi thị trường, tạo cơ hội cho những người mua nhà để ở.
“Chúng tôi nhận thấy xu hướng hiện nay là số lượng người mua nhà để ở trên thị thị trường nhà tịch biên cao hơn số lượng người mua để đầu tư. Ngoài việc bị hạn chế liên quan đến hộ khẩu, nhiều nhà đầu tư đã rời khỏi thị trường vì thời gian bán lại nhà tịch biên dài hơn và lợi nhuận không chắc chắn trong bối cảnh thị trường suy thoái”, Liu Huanhuan, Tổng giám đốc của công ty đấu giá tài sản Huapai Auction ở Thượng Hải nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Ma Hengheng cho biết, nhà đầu tư chứng kiến lợi nhuận bị sụt giảm khi thị trường nhà ở Trung Quốc chững lại. Trước đây, các nhà đầu tư thường chiếm tới 70% giao dịch trong thị trường nhà tịch biên nhưng đến nay người mua nhà để ở đang áp đảo với 80% tổng giao dịch.
“Các nhà đầu tư bây giờ không dám mua nhà tịch biên vì họ dự đoán giá nhà tịch biên vào năm sau thậm chí còn thấp hơn năm nay. Tôi từng mua nhà tịch biên để kiếm lời nhưng bây giờ rất rủi ro vì giá nhà nhiều khả năng sẽ giảm tiếp. Điều này có thể khiến việc bán lại nhà tịch biên khó khăn hơn”, Ma Hengheng nói.
Theo Reuters, SCMP