(KTSG Online) - Trung Quốc đang kêu gọi các nước đang phát triển phản đối việc đánh thuế khí thải carbon đối với vận tải biển, một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm nhất thế giới. Bắc Kinh chỉ trích các nước giàu đặt ra các mục tiêu “không thực tế”, khiến chi phí tài chính đáng kể đối với hoạt động vận tải biển.
- Hãng tàu biển phải mua giấy phép phát thải carbon khi hoạt động ở châu Âu
- EU khơi mào căng thẳng thương mại khi buộc tàu biển đóng phí khí thải
Financial Times hôm 2-7 đưa tin, Bắc Kinh đã gửi một công hàm ngoại giao cho các nước đang phát triển khi họ chuẩn bị dự cuộc họp quan trọng của Ủy ban bảo vệ môi trường biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ở London từ ngày 3 đến 7-7. Trung Quốc cảnh báo “mục tiêu giảm phát thải quá tham vọng sẽ cản trở nghiêm trọng sự phát triển bền vững của vận tải biển quốc tế, làm tăng đáng kể chi phí của chuỗi cung ứng và sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”. Trung Quốc cho rằng thuế khí thải là “một cách trá hình” để các nước phát triển cải thiện tính cạnh tranh thị trường của họ. Bắc Kinh cũng phản đối việc đặt năm 2050 là thời hạn cuối để ngành vận tải biển đạt mục tiêu phát thải zero ròng.
Công hàm ngoại giao của Trung Quốc, cho biết thêm: “Các nước phát triển đang thúc đẩy IMO đạt được những tầm nhìn và mức độ tham vọng không thực tế. Họ đang ủng hộ một mức thuế cào bằng và điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi phí vận tải biển”. Cho đến nay, các nước gia giàu vẫn chưa đạt được sự nhất trí về một mức thuế khí thải đối với vận tải biển.
Nỗ lực vận động hành lang của Trung Quốc diễn ra vài ngày sau khi Pháp tập hợp 22 đồng minh ủng hộ thuế khí thải đối với ngành vận tải biển.
Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và là nơi nhà nước sở hữu một phần lớn hoạt động ngành vận tải biển. Động thái trên của Trung Quốc làm gia tăng mối lo ngại về những bất động trong nỗ lực khử carbon trong lĩnh vực vận tải biển, vốn cung cấp tới 90% hàng hóa giao dịch trên toàn cầu, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Trong cuộc họp sắp tới ở London, IMO sẽ cam kết đến năm 2050, giảm một nửa lượng khí thải hàng năm của ngành vận tải biển so với mức của năm 2008. Nếu IMO, cơ quan quản lý vận tải biển của Liên hợp quốc, nhất trí đánh thuế khí thải carbon, thì điều đó sẽ khuyến khích ngành vận tải biển tăng tốc chuyển đổi xanh nhanh. Sau đó, IMO chuyển số tiền huy động từ loại thuế này, có thể lên đến 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, đến các nước nghèo hơn để giúp họ đối phó với biến đổi khí hậu.
Nhưng những người tham gia các cuộc đàm phán tại IMO cho biết việc Trung Quốc tìm cách hợp hợp nhóm các nước đang phát triển đứng về phía mình càng khoét sâu chia rẽ giữa nhóm này với các nước giàu.
Brazil, Argentina và Nam Phi cũng phản đối việc đánh thuế khí thải nhằm vào các công ty vận tải biển. Họ lo ngại loại thuế này sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu cho các thị trường hàng hóa lớn của họ.
Tuy nhiên, một số nước nghèo không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Quần đảo Marshall, nơi đối mặt với mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, kêu gọi đánh thuế khí thải 100 đô la/tấn đối với các hãng tàu biển. Albon Ishoda, đại sứ của Quần đảo Marshall tại IMO, cho biết điều khó hiểu là một số nước đang phát triển phàn nàn rằng thuế khí thải sẽ làm tăng gánh nặng tài chính của họ, nhưng đồng thời, họ kêu gọi không được sử dụng nguồn thu từ biện pháp đánh thuế này để đầu tư vào những lĩnh vực bên ngoài ra bên ngoài ngành vận tải biển.
Công hàm củaTrung Quốc kêu gọi sử dụng bất kỳ khoản thu nào từ các quy định của IMO để đầu tư vào ngành vận tải biển. Trung Quốc cho rằng việc sử dụng nguồn thu này cho các mục đích rộng rãi sẽ chuyển trách nhiệm tài chính về khí hậu “chuyển từ các nước phát triển sang ngành vận tải biển quốc tế.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới lập luận, việc cho phép sử dụng khoản thu từ thuế phát thải carbon của IMO vào các mục đích rộng rãi hơn sẽ hỗ trợ các nước nghèo có ít cơ hội đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực vận tải biển.
Công hàm ngoại giao của Trung Quốc nêu lại bình luận của Thủ tướng Lý Cường, nêu ra một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tuần trước: “Thật không công bằng khi các nước đang phát triển đi theo tiêu chuẩn của các nước phát triển. Các nước phát triển nên gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong việc đối phó với thách thức khí hậu”.
Tại một hội nghị ở Paris trong cùng tuần đó, Pháp và các nước giàu có khác kêu gọi IMO đặt ra các mục tiêu điều chỉnh hoạt động vận tải biển phù hợp với tham vọng quốc tế nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng kế hoạch áp thuế carbon đối đối với vận chuyển biển bằng cách đưa ngành này vào chương trình mua bán khí thải của khu vực. Bắt đầu từ năm 2024, các hãng vận tải biển phải mua giấy phép phát thải carbon khi tàu của họ hoạt động ở lãnh thổ của EU.
Theo Financial Times