Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: Phẫn nộ với nạn bạo hành trẻ em

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: Phẫn nộ với nạn bạo hành trẻ em

Thái Bình

Trung Quốc: Phẫn nộ với nạn bạo hành trẻ em
Phụ huynh tập trung trước cổng trường Mẫu giáo RYB ở Bắc Kinh phản đối bạo hành trẻ em hôm 24-11-2017. Ảnh: TVCNEWS.TV

(TBKTSG) – Một làn sóng phẫn nộ lan rộng trên mạng truyền thông Trung Quốc sau khi một trường mẫu giáo ở Bắc Kinh bị phụ huynh học sinh tố cáo đã ngược đãi con em họ.

Trường Mẫu giáo RYB nằm trong khu dân cư trung lưu Tân Thiên Địa (Xintiandi) ở phía Đông thủ đô Bắc Kinh, trong chuỗi trường mẫu giáo do Công ty RYB Education – doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán New York, điều hành.

Từ tuần trước, trên các mạng xã hội ở Trung Quốc đã lan truyền với tốc độ chóng mặt những hình ảnh và lời tố cáo học sinh của trường bị bạo hành tệ hại. Báo chí Trung Quốc trích lời nhiều vị phụ huynh nói rằng ở trường mẫu giáo này con em của họ bị cho uống những viên thuốc màu trắng, gây buồn ngủ; những phụ huynh khác chia sẻ hình ảnh con em họ có những vết kim đâm khắp người, có cháu bị tới 50 vết; có người nói con họ bị những người lớn ở trần dẫn vào góc nhà và bị bắt cởi hết quần áo… Thứ Năm tuần trước, nhiều phụ huynh quá bức xúc đã tụ tập trước cổng trường để đòi nhà trường phải trả lời; có người vào tận lớp học bắt con về và đòi lại tiền học phí.

Trước cổng trường, một phụ nữ vừa khóc vừa nói với phóng viên: “Cô giáo bảo bọn trẻ, cô có cái ống dòm dài lắm nhìn thấy tận trong nhà các cháu, cháu nào làm gì nói gì cô cũng biết. Như thế bảo sao các cháu không sợ? Đó là lý do tại sao bọn trẻ không dám kể cho cha mẹ chuyện bị đánh đập ở trường”. Đoạn video ghi lại hình ảnh và lời nói của vị phụ huynh này được cộng đồng chia sẻ rộng rãi trên mạng và gây phẫn nộ trong nhiều tầng lớp xã hội. Một bình luận lan truyền nhanh trên các mạng WeChat (tương tự Twitter) và Weibo (tương tự Facebook) kêu gọi: “Cứu lấy những trẻ em này! Đòi hỏi công lý cho trẻ em!”.

Các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc thường thẳng tay xóa bỏ những lời bình luận có nội dung phê phán chính phủ hoặc kích hoạt bất ổn. Nhưng lần này họ dường như không thể dập tắt được cuộc bùng nổ cảm xúc của người dân, bởi vì ở Trung Quốc, ít có đề tài nào được dân chúng quan tâm và dễ xúc động hơn chuyện bạo hành trẻ em. Với chính sách “mỗi gia đình chỉ sinh một con” – chỉ mới được nới lỏng gần đây – thì trẻ em thật sự là những viên ngọc quý của mọi nhà, bất luận giàu hay nghèo; và do vậy mọi sự ngược đãi trẻ em đều bị cả xã hội lên án.

Ngay cả Tân Hoa Xã – cơ quan truyền thông chính của nhà nước Trung Quốc, trong một bài xã luận hôm thứ Năm, cũng đặt câu hỏi: “Nhìn vào những vụ bạo hành trẻ em trong những năm gần đây, không thể không tự hỏi: Làm thế nào mà những kẻ hoàn toàn không có đạo đức sư phạm, thậm chí không đủ tiêu chuẩn nghề nghiệp lại có thể chui được vào ngành giáo dục?”. Và theo hãng tin này, cần truy trách nhiệm những người phụ trách các cơ quan quản lý: “Nếu chuyện này xảy ra chỉ do tình cờ, đột xuất thì có thể quy cho những yếu tố cá nhân. Nhưng bạo hành trẻ em trong trường học cứ diễn đi diễn lại, nhất thiết phải được sự quan tâm từ cấp cao. Các ban ngành liên quan phải thể hiện thái độ có trách nhiệm cao đối với xã hội và tương lai đất nước”, bài xã luận viết.

Nỗi tức giận trước thông tin trẻ em bị bạo hành đã phơi bày sự mất lòng tin trong dân chúng về những điều kiện khắc nghiệt, thậm chí lạm dụng trong các trường học Trung Quốc – nơi lẽ ra phải là môi trường an toàn và lành mạnh. Bà Quách Ngọc Hoa (Guo Yuhua), giảng viên trường Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) danh tiếng ở Bắc Kinh, cho rằng sự phẫn nộ của dân chúng trên mạng cho thấy nhiều người Trung Quốc không tin tưởng vào các thiết chế của nhà nước trong việc bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em. “Khi có báo cáo về những sự cố độc ác chống lại những tập thể dễ bị tổn thương nhất, ít được bảo vệ nhất thì luôn luôn có những phản ứng mạnh mẽ”, bà Quách nói với báo The New York Times qua điện thoại.

Công ty RYB Education hiện điều hành trực tiếp khoảng 80 trường mẫu giáo trên khắp Trung Quốc và đã có giấy phép mở thêm 175 trường nữa. Nhưng đã có nhiều trường hợp bạo hành xảy ra tại các trường mẫu giáo của công ty này. Năm 2015, bốn giáo viên trường RYB ở Tứ Bình (Siping), tỉnh Cát Lâm (Jilin) phía Đông Bắc Trung Quốc, bị cáo buộc dùng kim máy may chích vào người hơn 20 học sinh như một biện pháp trừng phạt. Hồi tháng 4-2017, các giáo viên này bị kết án, người nhẹ nhất lãnh án hai năm rưỡi tù giam. Trong một vụ khác, báo chí đầu năm nay đăng tải một đoạn video cho thấy một giáo viên tại một trường mẫu giáo RYB phía Bắc thủ đô Bắc Kinh dùng chân đá vào học sinh. Công ty RYB Education sau đó đã xin lỗi và sa thải người giáo viên bạo hành đó.

Tình trạng bạo hành trẻ em không chỉ giới hạn trong hệ thống của Công ty RYB Education. Hồi đầu tháng này một nhà giữ trẻ ở Thượng Hải, thuộc Công ty Ctrip, đã bị đóng cửa sau khi xuất hiện video cho thấy ba nhân viên của nhà trẻ đã xô một bé gái xuống đất và cưỡng ép một bé trai phải ăn thứ bột nhão mà phụ huynh cho là tương cải wasabi!

Theo báo Tài Kinh (Caixin) – một tờ báo uy tín của Trung Quốc, từ năm 2010 đến nay, báo chí và mạng xã hội đã báo cáo hơn 60 trường hợp trẻ em bị bạo hành, bị lạm dụng ở các trường mẫu giáo và nhà trẻ khắp cả nước. Trước áp lực của dư luận, hôm thứ Bảy, Công ty RYB thông báo ba giáo viên bị tố cáo ở trường mẫu giáo khu Tân Thiên Địa đã bị buộc thôi việc và băng ghi hình video của trường đã được giao nộp cho cơ quan công an. Nhà trường khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ, song cũng than phiền về những “lời vu khống đầy ác ý”. Công an Bắc Kinh cũng thông báo đã bắt tạm giam một nữ nhân viên trường RYB 22 tuổi, có họ là Lưu, để điều tra hình sự; đồng thời cũng bắt một phụ nữ được cho là đã loan tin thất thiệt trên mạng.

Chính phủ Trung Quốc cũng vừa ra thông báo cho biết sẽ cử các đoàn thanh tra để xem xét, bảo đảm các trường mẫu giáo và nhà trẻ đều an toàn. Việc liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em cho thấy “vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong việc quản lý một số khu vực, một số trường mẫu giáo”, thông báo viết.

Trên thị trường chứng khoán New York, nơi Công ty RYB Education niêm yết cổ phiếu, giá cổ phiếu của công ty đã giảm gần 40% trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

(Theo The New York Times, MSN)

Làm thế nào chấm dứt nạn bạo hành trẻ em?

Tình trạng bạo hành tràn lan trong các trường mẫu giáo và nhà trẻ Trung Quốc có nhiều nguyên nhân cần được nghiên cứu để có giải pháp tận gốc:

Nhu cầu lớn: Nhu cầu cho trẻ em đi nhà trẻ, mẫu giáo bùng nổ cùng với làn sóng công nhân nhập cư đổ về các thành phố làm việc. Từ năm 2010-2013, Trung Quốc xây dựng 48.200 trường mẫu giáo, tăng trưởng mỗi năm 32%!

Giáo viên vừa thiếu vừa yếu: Năm 2013, bộ giáo dục Trung Quốc quy định tỷ lệ giáo viên/học sinh ở bậc mẫu giáo là 1/5 nhưng hiện nay tỷ lệ này là 1/18. Trung Quốc hiện có 44 triệu học sinh mẫu giáo nhưng chỉ có 2,5 triệu giáo viên; thiếu tới 3 triệu giáo viên mầm non và để mở lớp, các trường mẫu giáo gần như thu nhận bất cứ ai muốn làm việc, bất kể trình độ hoặc tư cách. Năm 2016, 22,4% giáo viên mẫu giáo Trung Quốc chỉ có bằng trung học cơ sở hoặc thấp hơn.

Lương thấp. Lương và thu nhập của giáo viên mầm non là thấp nhất trong hệ thống giáo dục. Chi phí thời gian và tiền bạc để học tập trở thành giáo viên mầm non là khá lớn nhưng lương bổng quá thấp nên không ai muốn vào nghề này. Đây cũng là nghề bị xã hội coi thường “chuột chạy cùng sào…”.

Trường công, trường tư. Chính phủ Trung Quốc từ thập niên 1980 đã ban hành tiêu chuẩn, chương trình và phân bổ ngân sách cho giáo dục mầm non. Nhưng ngân sách nhà nước chỉ dành cho trường công – nơi có cơ sở trường lớp tốt hơn, tiêu chuẩn nhập học cao hơn, giáo viên chọn lọc hơn – và hầu như chỉ thu nhận con em gia đình khá giả, ở đô thị, có hộ khẩu thường trú. Hai phần ba hệ thống mẫu giáo là trường tư, phục vụ con em gia đình nghèo, dân nhập cư, với tiêu chuẩn chất lượng rất đáng ngờ. Hầu hết các vụ bạo hành trẻ em đều xảy ra ở loại trường này.

Để chấm dứt nạn bạo hành trẻ em trong trường mầm non, chỉ xét xử vài người, sa thải vài người nhằm xoa dịu dư luận là không ổn. Trung Quốc cần một cuộc cải tổ sâu rộng ngành giáo dục mầm non, bắt đầu từ chuyện lương bổng cho đến chất lượng đào tạo giáo viên và khôi phục vị trí xã hội tương xứng với ngành nghề hết sức quan trọng cho tương lai này.

(Theo Bloomberg)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới