Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc quyết liệt chống tham nhũng y tế

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong năm nay, giới chức trách ở Trung Quốc đã bắt giữ hơn 190 bí thư đảng ủy, giám đốc, phó giám đốc, cả đương nhiệm lẫn về hưu ở các bệnh viện trên khắp toàn quốc, theo thống kê của Wall Street Journal dựa vào các thông báo chính thức.

Các vụ bắt bớ diễn ra khi Bắc Kinh tiến hành chiến dịch điều tra chống tham nhũng sâu rộng ở ngành y tế trong nỗ lực giảm chi phí khám chữa bệnh và vực dậy nền kinh tế.

Các đại diện của một ủy ban kiểm tra và kỷ luật kiểm tra việc mua bán, sử dụng thuốc tại một bệnh viện ở huyện Lục Lương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hồi tháng 8. Ảnh: VCG

Chống tham nhũng để giảm chi phí y tế

Trước đây, Trung Quốc đã nhắm vào nạn tham nhũng trong ngành y tế nhưng chiến dịch năm nay đặc biệt mạnh mẽ. Một tờ báo nhà nước Trung Quốc cho biết, số lượng lãnh đạo bệnh viện hàng đầu bị bắt giữ trong năm nay đã cao hơn gấp đôi tổng số người bị giam giữ trong cả năm 2022.

Những lo ngại về nạn tham nhũng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc cũng đã tác động đến hãng dược phẩm nước ngoài. Hồi tháng 8, Frank Han, cựu giám đốc phân tích tuân thủ pháp lý toàn cầu của Pfizer (Mỹ) đã đệ đơn kiện hãng dược này ra tòa án California. Han cáo buộc, ông bị sa thải sau khi nêu ra những lo ngại về việc tuân thủ pháp lý liên quan đến việc hối lộ và quà cáp cho các quan chức ở Trung Quốc. Pfizer đã bác bỏ cáo buộc này.

Xi Chen, giáo sư ở Đại học Yale, nhận định tấn công tham nhũng là một giải pháp để giới chức trách Trung Quốc để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, gánh nặng của nhiều các gia đình ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các chuyên gia y tế cho rằng, chiến dịch này cũng nhằm thực hiện cam kết của Chủ tịchTập Cận Bình nhằm tạo ra “sự thịnh vượng chung”.

Từ lâu, Bắc Kinh đã nỗ lực ngăn chặn chi phí gia tăng ở các lĩnh vực như nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, thường được mô tả ở Trung Quốc là “ba ngọn núi lớn” đóng góp nhiều nhất vào chi phí sinh hoạt của nhiều hộ gia đình. Theo các nhà kinh tế, chi phí ở các lĩnh vực này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo, gây áp lực lên tiêu dùng và kéo tỷ lệ sinh xuống.

Hơn 95% dân số Trung Quốc có bảo hiểm y tế cơ bản, giúp người dân trang trải chi phí khám chữa bệnh cơ bản. Theo dữ liệu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2020, người dân Trung Quốc phải sử dụng tiền túi để trang trải khoảng 1/3 chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Con số đó cao gấp ba lần tỷ lệ sử dụng tiền túi để thanh toán chi phí y tế của người Mỹ phải trả sau khi được chi trả bảo hiểm y tế.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng khi người dân không được chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng. Điều đó sẽ đe dọa sự ổn định xã hội”, Winnie Yip, giáo sư ở Đại học Harvard và chuyên gia về chính sách y tế Trung Quốc nói.

Các học giả nghiên cứu ngành y tế Trung Quốc cho biết, ngành này ngày càng xảy ra tràn lan tham nhũng do sự giám sát yếu kém. Một lý do khác là áp lực tài chính ở các bệnh viện được tài trợ kém, buộc các bác sĩ và lãnh đạo phải nhận hối lộ để tăng thu nhập và mang lại nhiều doanh thu hơn. Bệnh nhân đôi khi thực hiện các khoản thanh toán không chính thức, thường được gọi là “phong bao đỏ”, cho bác sĩ để có thể tiếp cận phương pháp điều trị nhanh hơn hoặc chất lượng cao hơn.

Tỷ suất lợi nhuận cao trong ngành dược phẩm cũng khuyến khích việc hối lộ. Các hãng dược thường “lại quả” cho bác sĩ để thuyết phục họ kê đơn sản phẩm của các hãng này.

Tham nhũng vì áp lực tài chính?

Hồi tháng 5, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch “chấn chỉnh các xu hướng không lành mạnh” trong mua sắm và dịch vụ y tế, bao gồm cả việc sử dụng hối lộ, rò rỉ thông tin đấu thầu và dàn xếp để “thổi giá” thuốc và thiết bị y tế. Hai tháng sau, Bắc Kinh tiếp tục phát động một chiến dịch chính thức nhằm làm sạch tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực y tế.

Một số khu vực đã báo cáo kết quả sớm. Chính quyền tỉnh miền trung Thiểm Tây cho biết, trong tám tháng đầu năm, đã điều tra 2.371 vụ tham nhũng y tế, “xử lý” 937 người và buộc hoàn trả hơn 3.400 “phong bao đỏ” cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật của tỉnh Quảng Đông, một bệnh viện địa phương chứng kiến phí điều trị ngoại trú và nội trú trong năm tháng đầu năm giảm lần lượt giảm trung bình 16,6% và 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi cựu giám đốc của bệnh viện này bị điều tra tham nhũng vào cuối năm 2022.

Một nghiên cứu do giáo sư Fu Hongqiao ở Đại học Bắc Kinh chủ trì, xem xét hơn 3.500 vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực y tế ở Trung Quốc từ năm 2013 đến 2019 cho thấy, tội danh hối lộ chiếm khoảng 68% số vụ kết án. Khoảng 80% người nhận hối lộ là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hầu hết người đưa hối lộ là nhà cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế và hàng tiêu dùng.

Trong vụ kiện liên quan Pfizer, vị cựu giám đốc phân tích tuân thủ pháp lý cáo buộc hãng đã chi 168 triệu đô la Mỹ cho “các quan chức chính phủ có khả năng ảnh hưởng” ở Trung Quốc trong gia đoạn từ quí 2-2019 đến quí 3- 2021. Con số này cao hơn hơn 10 lần số tiền mà  Pfizer bị cáo buộc chi cho những quan chức ở các nước trong cùng kỳ.

Giáo sư Xi Chen cho rằng, căn nguyên của nạn tham nhũng trong lĩnh vực y tế ở Trung Quốc là sự hỗ trợ tài chính ít ỏi mà các bệnh viện nhận được từ chính phủ.  Điều này tạo ra “động lực rất mạnh mẽ để các bệnh viện tìm cách tăng doanh thu, điều trị quá mức và chẩn đoán quá mức”, ông nói.

Đại dịch Covid-19 làm tăng áp lực tài chính lên các bệnh viện Trung Quốc, vốn phải ưu tiên kiểm soát đại dịch hơn là các dịch vụ tạo thu nhập. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, 43,5% bệnh viện công hàng đầu của Trung Quốc thua lỗ vào năm 2020, cao hơn gấp đôi tỷ lệ của năm 2019

Chen và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác cảnh báo, chiến dịch chấn chỉnh sâu rộng trong ngành y tế, ngay cả khi có thể giải quyết phần nào nạn tham nhũng thì cũng có thể tạo ra những vấn đề khác. Trong đó, có việc gây làm tổn hại đến tinh thần của các bác sĩ và nhân viên y tế, đồng thời làm sâu sắc thêm sự ngờ vực giữa bệnh nhân và bác sĩ, vốn có thể bùng phát thành bạo lực.

Yip, giáo sư Harvard, cho biết nếu không có những thay đổi về cơ cấu đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, bao gồm trả lương cao hơn cho bác sĩ, bất kỳ khoản tiết kiệm chi phí nào có được từ cuộc trấn áp tham nhũng cuối cùng sẽ mất sạch.

“Nếu các bệnh viện và bác sĩ không thể nhận “lại quả”, họ sẽ tìm cách khác để kiếm lợi nhuận và chi phí sẽ tiếp tục cao”, bà nhận định.

Chiến dịch chống tham nhũng đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Chỉ số chăm sóc sức khỏe của CSI 300, theo dõi các nhà sản xuất thuốc men và công ty thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc, giảm 15% kể từ đầu năm, vượt xa mức giảm 3,5% của chỉ số CSI 300 rộng lớn hơn.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới