Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt chấn chỉnh đối với các hãng công nghệ?

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau khi phá được thế độc quyền đôi của Tencent và Alibaba cùng với việc buộc nhiều hãng công nghệ phải thay đổi, nhà chức trách Trung Quốc đang phát đi các tín hiệu, các đợt chỉnh đốn các hãng đại công nghệ sẽ có thể kết thúc vào cuối năm nay.

Chuyến xuất ngoại đến châu Âu của tỉ phú Jack Ma dường như là tia sáng mới sau gần một năm các hãng công nghệ lao đao với các chính sách kiếm soát mới.

Tin về chuyến đi châu Âu của tỉ phú Jack Ma đã giúp cổ phiếu của Alibaba trên thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng gần 10% hôm 20-10. Ảnh: Bloomberg

Chiến dịch đã vào hồi kết

Chủ tịch Ủy ban quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) Quách Thụ Thanh nói rằng ông kỳ vọng sẽ đạt được các tiến bộ quan trọng trong các đợt chấn chỉnh đang diễn ra với các hãng fintech trước cuối năm nay. Tuyên bố của ông Quách càng củng cố các đồn đoán rằng chiến dịch trấn áp các hãng đại công nghệ của Bắc Kinh đang hạ nhiệt.

Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình trung ương CCTV, ông Quách cho biết nhà chức trách đã phát hiện trên 1.000 vấn đề liên quan đến hoạt động công nghệ tài chính (fintech) của 14 sàn giao dịch điện tử. Số công ty này đã phản hồi tích cực và một nửa trong số các biện pháp sửa đổi được đề nghị đã được các hãng fintech thực hiện. Chủ tịch Quách cũng nói thêm rằng ông kỳ vọng “thậm chí các tiến bộ quan trọng hơn” sẽ đạt được trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo CBIRC cam đoan sẽ thực hiện những quy định nghiêm ngặt và phá vỡ tình trạng độc quyền. Ông nói rằng cạnh tranh không công bằng vẫn tiếp tục tồn tại ở một số lĩnh vực của ngành công nghiệp tài chính Trung Quốc. Bắc Kinh “sẽ không khoan nhượng” với các hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Các nhà đầu tư đang cố gắng nắm bắt bất cứ tín hiệu nào cho thấy các đợt chấn chỉnh gần một năm nay đang bước vào giai đoạn cuối và trong những tuần gần đây đã góp phần nâng đỡ cổ phiếu công nghệ bị vùi dập suốt năm qua. Khoản tiền phạt đối với gã khổng lồ ngành giao nhận thức ăn Meituan hồi đầu tháng 10 là 3,4 tỉ nhân dân tệ (khoảng 527,4 triệu đô la) – chiếm 3% tổng doanh thu của Meituan trong năm 2020. Mức này thấp hơn mức phạt 2,75 tỉ đô la, tức 4% doanh thu của Alibaba trong năm 2019.

Bên cạnh đó, cơ quan an ninh mạng cũng kết thục vụ điều tra hãng gọi xe công nghệ Didi Global Inc.

Tất cả tạo nên sự lạc quan trên thị trường. Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index chuyên theo dõi cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên thị trường Mỹ đang trên đà đạt kết quả tốt nhất trong một năm. “Các đợt chỉnh đốn đang đi đến hồi kết, có thể là trong vài tháng tới. Giá trị cổ phiếu Trung Quốc hiện nay không đắt lắm và khá hấp dẫn, đặc biệt là cổ phiếu các hãng công nghệ”, Tom Masi, Giám đốc đầu tư thuộc GW&K Investment Management, nói với Bloomberg.

Bên cạnh đó, chuyến đi châu Âu tuần qua của tỉ phú Jack Ma giống như một tia sáng hiếm hoi báo hiệu thời kỳ đen tối của các hãng công nghệ sắp chấm dứt. Chuyến đi dù kín tiếng, dù Alibaba nói chuyến đi của Jack Ma nhằm “nghiên cứu về nông nghiệp và môi trường”, nhưng giá cổ phiếu của Alibaba bật lại 10%. Dù chưa đủ sức bù đắp cho vụ IPO trị giá gần 40 tỉ đô la bị hủy vào giờ chót trong năm ngoái, nhưng chuyến đi có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi nếu Bắc Kinh muốn bóp nghẹt Jack Ma và Alibaba thì chắc chắn sẽ không có chuyến xuất ngoại này.

Cùng lúc đó, Alibaba cũng được ghi tên vào danh sách các ứng viên vòng cuối trong việc mua lại hãng chip Tsinghua Unigroup – niềm tự hào quốc gia của ngành bán dẫn Trung Quốc. Kết quả sẽ được công bố vào tháng 2-2022. Nếu Alibaba thắng thì có nghĩa một kết cục đẹp đang đến, mang ý nghĩa của khởi đầu mới.

Mở “vườn cấm” của Alibaba và Tencent

Alibaba Group Holding và Tencent dường như có lãnh địa riêng của mỗi tập đoàn, không ai được phép lai vãng. Chưa mang ý nghĩa là “Tử cấm thành”, nhưng hệ sinh thái của Alibaba được gọi là “vườn cấm” vốn không chấp nhận bất cứ người lạ bên họ Tencent và ngược lại.

Trước đây, phần lớn các dịch vụ của Alibaba không chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử WeChat Pay. Trong khi Tencent lại khóa các tìm kiếm thông qua các chương trình mini của WeChat, vì thế các dịch vụ của Alibaba không được xuất hiện. “Vấn đề chỉ là thời gian trước khi các dịch vụ của hai bên hoàn toàn mở cho đối thủ”, một nguồn tin bên trong Alibaba nói với Nikkei Asia.

Từ hai tháng qua, cả hai đã bắt đầu cho phép các link dịch vụ của đối thủ chạy trên ứng dụng của họ, phá vỡ thế trận tạo ra một trong những nền tảng của chính sách gần như “độc quyền của bộ đôi Alibaba và Tencent” trong lĩnh vực Internet ở Trung Quốc.

Các dịch vụ của Alibaba như nền tảng giao nhận thức ăn Ele.me và trang streaming Youku Tudou hiện đã chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử WeChat Pay của Tencent. Các ứng dụng khác, bao gồm ứng dụng của chuỗi siêu thị Freshippo, cũng hỗ trợ thanh toán bằng WeChat Pay. Duy chỉ còn nền tảng giao dịch trực tuyến Taobao của Alibaba vẫn “đóng cửa” với WeChat.

Không chỉ mở cửa cho đối thủ kèn cựa, cả Alibaba lẫn Tencent cũng buộc phải mở cửa cho bên thứ ba. Hồi tháng 8, Tencent bắt đầu cho phép người dùng kết nối với nội dung của các hãng đối thủ trên WeChat. Ngày 30-9, cả Tencent lẫn Alibaba nói rằng họ sẽ tích hợp UnionPay – dịch vụ thanh toán của nhà nước – vào các phương thức thanh toán trên cả hai nền tảng.

Sự thay đổi cốt lõi này diễn ra vào lúc Bắc Kinh đang ra sức “tảo thanh” các công ty công nghệ lớn, gây áp lực để buộc các hãng thay đổi cách thức kinh doanh vốn bóp nghẹt tính cạnh tranh và giúp họ tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua.

Nhà chức trách Trung Quốc đã luôn miệng cảnh cáo các gã khổng lồ về công nghệ “không được đóng cửa với các dịch vụ bên ngoài”. Khóa các đường dẫn mà không có lý do thuyết phục “làm ảnh hưởng trải nghiệm của người dùng, gây thiệt hại quyền lợi người dùng và phá vỡ trật tự thị trường”, ông Triệu Trí Quốc, người phát ngôn của Bộ Thông tin và Công nghiệp Trung Quốc, nói với báo chí.

Bộ này cũng thực hiện nhiều biện pháp được luật cho phép. Alibaba và Tencent đã chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị này.

Điểm xung đột mấu chốt kế tiếp là cách Tencent sẽ đối xử như thế nào với ByteDance, nhà phát triển của ứng dụng TikTok. Mối quan hệ đắng nghét giữa hai bên luôn diễn ra trên thị trường streaming và mạng xã hội. Dường như Tencent vẫn chưa gỡ bỏ chính sách khóa các đường link đến Douyin, phiên bản nội địa của TikTok tại thị trường Trung Quốc.

Một cú đảo ngược chính sách sẽ là cú hích cho Douyin tăng trưởng. Nhưng Tencent có nguy cơ mở cánh cửa cho Douyin - tức một ByteDance thứ hai. Sự chuyển dịch trong chiến lược “các khu vườn kín cổng cao tường” tượng trưng cho sự kết thúc của kỷ nguyên Internet do Tencent và Alibaba thống lĩnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới