(KTSG Online) - Trung Quốc đang siết chặt cơ chế giám sát đầu tư xuyên biên giới nhằm hạn chế nguồn tiền của giới siêu giàu đại lục được đổ vào nguồn trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV).
- Sàn thương mại điện tử Trung Quốc không còn tập trung bán giá siêu rẻ
- Trung Quốc chi 400 tỉ đô la để cải tổ doanh nghiệp nhà nước
Lo ngại dòng vốn chảy lệch
Các quỹ QDLP (đối tác hữu hạn trong nước đủ điều kiện) có thể huy động vốn trong nước bằng nhân dân tệ và đem đầu tư vào thị trường tài sản toàn cầu. Đây là kênh chính để đầu tư ra nước ngoài của giới siêu giàu Trung Quốc. Chỉ một số ít tỉnh và thành phố mới có thẩm quyền phê duyệt các dự án và hạn mức đầu tư ra nước ngoài.
Thượng Hải là nơi đầu tiên thành lập cơ chế QDLP vào năm 2012, dành cho các cá nhân và tổ chức có giá trị tài sản ròng cao có thể đầu tư vào thị trường công và tư ở nước ngoài. Tính đến hết năm 2020, các quỹ QDLP ở Thượng Hải đã đầu tư 10 tỉ đô la ra nước ngoài.
Năm 2015, thử nghiệm QDLP của Thượng Hải trở thành chương trình quốc gia khi Bắc Kinh cảm thấy tự tin hơn về việc quản lý tài sản, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Năm 2016, chương trình bị tạm hoãn bởi đồng nhân dân tệ mất giá. Năm 2018, chương trình được khôi phục với hơn một chục ngân hàng đầu tư trong và ngoài nước được cấp phép.
Theo dữ liệu của Z-Ben Advisors có trụ sở tại Thượng Hải, trong năm tháng đầu năm nay, có 11 quỹ QDLP ra đời, cao hơn tổng số quỹ đầu tư ra nước ngoài được cấp phép hàng năm trước đó. Các quỹ QDLP thu hút mạnh mẽ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân và định chế tại Trung Quốc bởi đồng nhân dân tệ xuống giá, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thấp kỷ lục, kinh tế nội địa trì trệ…
Các quỹ QDLP càng được chuộng khi nhà đầu tư trong nước muốn nắm giữ tài sản ở nước ngoài trong bối cảnh bất định của kinh tế nội địa.
Quyết định siết chặt cơ chế QDLP diễn ra khi chính phủ trung ương đang cảnh giác với những rủi ro từ các công cụ tài chính của chính quyền các địa phương. Các đợt phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương (LGFV) nhằm mục tiêu xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, củng cố dịch vụ công ở địa phương, nhưng thường bị sử dụng sai mục đích.
Từ đầu năm nay, các chi nhánh của Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) tại Thượng Hải, Hải Nam và Trùng Khánh đã tiến hành kiểm tra liên tục nguồn tiền QDLP có đang đổ vào nguồn trái phiếu của chính quyền địa phương hay không.
Một nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng một nhà quản lý châu Âu có trụ sở tại Thượng Hải đã đầu tư hơn 100 triệu đô la vào LGFV.
Nhà chức trách Trung Quốc đang lo ngại rằng LGFV là một ngôi nhà mong manh, dễ sụp đổ. Theo một số ước tính của Trung Quốc, các LGFV hiện tại có tổng nợ phải trả ước tính là hơn 60.000 tỉ nhân dân tệ (8.370 tỉ đô la) tính đến cuối năm 2023. Tuy vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói con số này có thể hơn 9.000 tỉ đô la, hơn 50% GDP của Trung Quốc (đạt quy mô 17.890 tỉ đô la tính đến cuối năm 2023).
Xu hướng chung của các quỹ quản lý tài sản tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản ở nước ngoài. Khó có thể lý giải vì sao các quỹ QDLP lại đổ tiền vào thị trường trái phiếu địa phương đang mất tính thanh khoản và có nguy cơ vỡ nợ cao.
Nhu cầu đầu tư tài sản nước ngoài vẫn ở mức cao
Các quỹ quản lý tài sản vẫn muốn sử dụng cơ chế QDLP để đáp ứng nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của khách hàng tại Trung Quốc.
“Nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện hạn ngạch và giấy phép mới được kiểm soát rất chặt chẽ", Alexandre Werno, Tổng giám đốc điều hành của một liên doanh quản lý tài sản giữa BNP Paribas và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cho biết.
Vào đầu tháng 5, liên doanh này đã nhận được hạn ngạch 50 triệu đô la cho một kế hoạch đầu tư ra nước ngoài khác dành cho các nhà đầu tư cá nhân ở đại lục. Werno hy vọng sẽ ra mắt sản phẩm vào giữa tháng 10.
“Đồng nhân dân tệ đang gặp áp lực, thị trường chứng khoán kém tươi sáng, kinh tế nội địa vẫn trì trệ… Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh đó, việc kiểm soát dòng tiền chảy ra ngoài sẽ chặt chẽ hơn trong vài quí tới”, Werno nói.
Còn Ivan Shi, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Z-Ben Advisors, nói rằng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các sản phẩm tài sản nước ngoài đang tăng nhanh trong năm nay do đồng nội tệ yếu và tâm lý thị trường.
Đồng nhân dân tệ đã tăng giá trong bối cảnh thị trường toàn cầu hỗn loạn tuần trước, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về đồng đô la yếu hơn. Kết thúc ngày 13-8, nhân dân tệ đứng ở mức 7,1659 đổi một đô la, giảm so với mức cao 7,112 của tuần trước.
Theo Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg, Caixin Global