Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tái mở cửa tác động ra sao đến thị trường toàn cầu?

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với việc Trung Quốc nới lỏng chính sách ‘zero Covid’, cho phép nền kinh tế tái mở cửa dần dần, các thị trường trên toàn cầu có thể được hỗ trợ. Nhưng cũng có khả năng tiến trình này sẽ đối mặt với rủi ro lặp lại những biến động chính trị, tài chính và kinh tế  - vốn từng tạo ra chu kỳ bùng nổ rồi sụp đổ của các thị trường trên thế giới trong gần hơn hai năm qua.

Trung Quốc đang tăng tốc nới lỏng chính sách ‘zero Covid’, với các hướng dẫn mới nhất của giới chức trách y tế cho phép những người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng tự cách ly ở nhà. Ảnh chụp trên đường phố Thượng Hải ngày 8-12. Ảnh: Reuters

Hôm nay (8-12), đánh dấu hai năm kể từ khi đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 bắt đầu, nhưng cả nền kinh tế Mỹ lẫn thế giới vẫn tiếp tục bị chi phối bởi các vấn đề do đại dịch gây ra. Tình trạng không chắc chắn có thể trở nên tồi tệ hơn do tiến trình tái mở cửa của Trung Quốc được dự báo không suôn sẻ và có thể dẫn đến nhiều tác động trái ngược.

Nhà đầu tư đặt cược vào tiến trình tái mở cửa

Hôm 7-12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã đưa ra các hướng dẫn mới để nới lỏng thêm chính sách ‘zero Covid’. Hướng dẫn mới bao gồm cho phép những người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà, thay vì phải vào các cơ sở tập trung. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ được mở rộng để giảm xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) đối với Covid-19. Quy mô của các lệnh phong tỏa sẽ được thu hẹp và mọi người sẽ không cần phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính khi đi vào các không gian công cộng, ngoại trừ “viện dưỡng lão, cơ sở y tế, trường mẫu giáo, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông”.

Đây là những quy định nới lỏng mạnh mẽ nhất cho đến nay giữa lúc người dân ngày càng mệt mỏi vì phải tuân thủ các hạn chế nghiêm ngặt trong cuộc chiến chống Covid-19 và nền kinh tế cũng đang chịu tổn thương nặng nề.

Thị trường đã đặt cược vào những lợi ích ngắn hạn của việc mở cửa trở lại kể từ khi có những đồn đoán về sự thay đổi chính sách ‘zero Covid’ của Bắc Kinh từ giữa tháng 11. Đồng nhân dân tệ đã đạt mức tăng giá tốt nhất trong 5 tuần qua so với đồng đô la Mỹ và chứng khoán Trung Quốc cũng đã tăng khoảng 10% trong giai đoạn này.

Nhưng rủi ro đối với các nhà đầu tư là tiến trình tái mở cửa của Trung Quốc có thể gây ra những biến động kinh tế, tài chính và chính trị, sẽ kích hoạt chu kỳ bùng nổ rồi suy sụp trong hơn hai năm qua ở phần còn lại của thế giới vốn tái mở cửa sớm hơn. Thị trường chứng khoán thế giới hiện nay đang giao dịch ở điểm giá thấp hơn so với hồi tháng 12-2021, khi Margaret Keenan, một phụ nữ hưu trí ở Coventry, Anh, trở thành người đầu tiên trên thế giới chính thức được tiêm vaccine Covid-19.

Ba lý do để lạc quan

Niềm vui đã trở lại với các nhà đầu tư cổ phiếu ở Trung Quốc sau khi thị trường chứng khoán trong nước tăng khoảng 10% trong 5 tuần qua. Ảnh: AP

Những nhà đầu tư lạc quan có ba lý do để kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc có thể ít bị tổn thương hơn trước những khó khăn đang giáng xuống phần còn lại của thế giới.

Đầu tiên, Trung Quốc không có gói kích thích của chính phủ hỗ trợ sự phục hồi sau thời kỳ phong tỏa như ở Mỹ và châu Âu. Gói này giúp củng cố thị trường việc làm nhưng đồng thời cũng đốt nóng lạm phát. Tính đến tháng 9-2001, gói hỗ trợ ban đầu trong thời kỳ dịch bệnh của Bắc Kinh là tương đối khiêm tốn, chỉ ở mức 5% GDP so với 26% ở Mỹ, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Kể từ đó, Bắc Kinh đã tránh xa các biện pháp kích thích lớn.

Vì các hộ gia đình Trung Quốc không có chi phiếu hỗ trợ lấp khoảng trống ngân sách chi tiêu của họ, nên đà phục hồi kinh tế có thể sẽ kém mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ giúp các hãng hàng không, khách sạn và nhà hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dễ dàng đáp ứng nhu cầu phục hồi. Những người trước đây làm việc tại nhà cũng sẽ tạo ra cơn bùng nổ yếu hơn trong chi tiêu mua sắm ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 so với người tiêu dùng phương Tây.

Quan trọng hơn, sự phục hồi của nhu cầu khó có thể xảy ra đột ngột, vì Trung Quốc đang tái mở cửa thận trọng hơn so với những nước khác, đặc biệt là khi số người có kháng thể đối với Covid-19 vẫn còn quá ít. Khi dịch bệnh lan rộng và các bệnh viện chật kín, người tiêu dùng có thể thận trọng ngay cả khi chính phủ không tái triển khai các biện pháp phong tỏa.

Thứ hai, Trung Quốc có nhiều năng lực dự phòng trong nền kinh tế để mở rộng các dịch vụ có nhu cầu tăng đột biến vì tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và các doanh nghiệp nhỏ đang chịu tổn thương nặng nề. Áp lực trên các thị trường toàn cầu có lẽ cũng sẽ ít nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc mở cửa trở lại giữa lúc tăng trưởng thế giới đang suy yếu.

Thứ ba, Trung Quốc có khả năng sẽ không đối mặt tình huống khan hiếm lao động giống như ở Mỹ, nơi nhiều người rút khỏi lực lượng lao động kể từ sau đại dịch Covid-19.

Tao Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng UBS, cho biết vì nhiều người dân Trung Quốc đang chịu mất mát thu nhập nhưng không có những khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp như người tiêu dùng Mỹ, nên họ buộc phải quay trở lại thị trường lao động.

Nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường chứng khoán Trung Quốc và đây thường là một dấu hiệu tốt. Ngay sau cả sau những đợt tăng gần đây, chỉ số MSCI China, theo dõi các cổ phiếu tiêu biểu ở Trung Quốc, đang giao dịch ở mức 12 lần dự báo thu nhập trong 12 tháng tới, so với 18 lần ở Mỹ. Mối quan tâm của nước ngoài đối với cổ phiếu Trung Quốc được mua thông qua chương trình kết nối chứng khoán Hồng Kông cũng giảm mạnh từ tháng 8 đến tháng 10 trước khi bắt đầu tăng trở lại trong tháng vừa qua.

Không phải là ván cược chắc thắng

Nhưng những lý do trên không khiến chứng khoán của Trung Quốc trở thành ván cược chắc thắng như nhiều người nghĩ. Và cũng không có nghĩa là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ không gây xáo trộn cho các thị trường trên thế giới.

Những biến động đảo chiều mạnh mẽ và bất ngờ về giá hàng hóa, dịch vụ và tài sản ở Mỹ có thể khiến nhà đầu tư cảnh giác với những dự đoán về đà phục hồi của Trung Quốc. Trong hơn hai năm qua, các thị trường trên toàn cầu chứng kiến những biến động bất ngờ, bao gồm cú tăng giá sốc của dầu thô trong thời gian ngắn, từ mức âm lên mức trên 120 đô la Mỹ/thùng, giá cước vận tải biển và giá gỗ xẻ tương lai giảm gấp 5 lần từ mức đỉnh, hay bong bóng cổ phiếu công nghệ bùng vỡ.

Hơn nữa, chứng khoán Trung Quốc có thể được định giá thấp hơn so với Mỹ, phần lớn nguyên nhân không phải do lo ngại về chính sách ‘zero Covid’ mà là lo ngại về các căng thẳng địa chính trị và vấn đề tái cấu trúc của các nhà phát triển bất động sản đang chìm ngập trong nợ nần. Mặc mức định giá của chứng khoán Trung Quốc đã giảm rất nhiều, nhưng cũng chỉ trở về mức tương đương trước đại dịch Covid-19.

Thoạt nhìn, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tái mở cửa là tốt cho các thị trường chứng khoán trên thế giới, thúc đẩy nhu cầu và loại bỏ các hạn chế đối với nguồn cung. Nhưng nếu nhu cầu toàn cầu tăng lên, đặc biệt là về dầu mỏ, điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở những nơi khác càng khó khăn hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể gây ít hỗn loạn hơn so với phương Tây, nhưng vẫn có khả năng gây ra những biến động lớn trên các thị trường toàn cầu.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới