Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tăng dòng tín dụng cho phát triển nông thôn

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc họp chính sách thường niên của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) đã tổ chức sớm hơn thường lệ đến ba tháng khi kinh tế sáu tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại. Dù PBOC cam kết tăng dòng tín dụng phát triển, tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khiến đồng tiền của các nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đối diện nguy cơ bị nhà đầu tư bán tháo.

Chủ động trước Fed để vực dậy kinh tế nông thôn

Cuộc họp bốn ngày của PBOC kết thúc đúng ngày 26-8 khi hội nghị chính sách của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khai mạc. Trong chừng mực nào đó, có thể hiểu Trung Quốc đã quyết nhanh hơn trong việc chủ động ra các chính sách vĩ mô, không chờ “giải quyết hậu sự” cho Fed.

Tiêu dùng nội địa của Trung Quốc giảm đáng kể, ảnh hưởng đến sản xuất. Chỉ số quản lý thu mua PMI trong tháng 7 chỉ còn 50,4 điểm, gần chạm lằn ranh khủng hoảng 50. Ảnh: Reuters

Kết thúc cuộc họp kín với các bộ tài chính, nông nghiệp và cơ quan chính phủ, PBOC tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho phát triển nông thôn bằng các công cụ chính sách như tái cấp vốn và tái chiết khấu. PBOC cũng thúc giục hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính tăng dòng tín dụng cho nông thôn, đặc biệt với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang đối diện với hồi phục kinh tế không ổn định và không bằng phẳng, bên cạnh môi trường bên ngoài “vô cùng phức tạp và khắc nghiệt”.

Hôm khai mạc 23-8, Thống đốc PBOC Dịch Cương đã cam kết bơm thêm vốn và tăng cường các nỗ lực để giảm lãi suất cho vay “thật sự thấp” đối với doanh nghiệp. Trong bình luận trên trang nhất của nhật báo China Securies Journal sáng nay 27-8, các nhà phân tích nói rằng PBOC sẽ giảm bớt tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại sau lần đột ngột giảm tỷ lệ này vào tháng 7 vừa rồi.

Lần cuối cùng PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tháng 4-2020 khi Trung Quốc đang trong đỉnh dịch đợt đầu, với 1 điểm phần trăm đối với các định chế tài chính nông thôn và ngân hàng thương mại khu vực. Kết quả là có thêm 400 tỉ nhân dân tệ, hay 61,7 tỉ đô la, được bơm về vùng nông thôn – theo Bloomberg.

Hội nghị chính sách PBOC năm nay được tổ chức sớm hơn thường lệ đến ba tháng. Điều này dẫn đến sự đồn đoán rằng chính quyền trung ương thật sự lo lắng khi tăng trưởng tín dụng đang kém đi, khiến cỗ máy tăng trưởng chậm lại.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) Dịch Cương cam kết tăng tín dụng cho nông thôn bằng việc điều chỉnh các công cụ chính sách. Ảnh: Reuters

Theo trang tin tài chính Caixin, các dữ liệu được PBOC công bố đầu tháng 8 cho thấy các khoản vay mới hay quỹ do các định chế tư nhân huy động đang trên đà yếu đi. Trong tháng 7, tổng các nguồn tài chính xã hội, một thước đo tổng quát về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế, đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020. Con số này giảm chỉ còn 1.060 tỉ tệ trong tháng rồi, so với con số 1.700 tỉ tệ trong tháng 7-2020, tức giảm 31,7%. Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia cũng cho thấy kinh tế chậm lại trong tháng 7, với tăng trưởng tiêu dùng và khu vực dịch vụ rất khiêm tốn.

“Một trong những mục tiêu chính sách của ngân hàng trung ương là khơi dòng tín dụng và ổn định tăng trưởng”, Chung Lĩnh Nam, nhà phân tích về chính sách kinh tế vĩ mô của hãng GF Securities nói.

Trong thông cáo kết thúc hội nghị thường niên, PBOC nói rằng các ngân hàng cần có chính sách cho vay dài hơi, kết nối mục tiêu cho vay của 6 tháng cuối năm 2021 với 6 tháng đầu năm 2022. Nhà phân tích Chung nói rằng PBOC không muốn các ngân hàng thương mại phê chuẩn các khoản vay vào quí 4 năm nay, để đến quí 1 năm tới mới tháo khoán nhằm “tạo thành tích, hay ấn tượng về khởi đầu năm mới tốt đẹp”.

Còn nhà chiến lược Mary Xia của hãng UBS Securities nhận định: “Chúng tôi tin rằng PBOC đã đánh đi tín hiệu rõ ràng từ hội nghị này là khích lệ các ngân hàng sẵn sàng tung tiền ra và PBOC không muốn tăng trưởng tín dụng suy giảm quá nhanh”. Nhưng nữ chiến lược gia này không tin rằng đợt bơm vốn lần này sẽ thuộc loại “khủng”, bởi cần có những biện pháp khác để tính thanh khoản ổn định và giảm chi phí cấp vốn của nhà băng.

Để bơm thêm dòng vốn, PBOC cần khuyến khích các ngân hàng phát hành trái phiếu loại 2 và mở rộng việc sử dụng trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành để một lần nữa tạo thêm dòng tín dụng cho các doanh nghiệp MSME. Giảm bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng có thêm nguồn tiền cho doanh nghiệp – nhà phân tích Chung từ GF Securites nói.

PBOC đã không thay đổi mức lãi suất cho vay trung hạn từ tháng 4-2020. Nhưng nhà phân tích ngân hàng cấp cao Vương Dịch Phong của hãng Everbright Securies, cho rằng không cần điều chỉnh lãi suất. “Bởi lãi suất sẽ tự nhiên đi xuống do áp lực của chính sách kinh tế vĩ mô đè xuống và chênh lệch giữa cung cầu trên thì thị trường tín dụng”, nhà phân tích Vương phát biểu.

Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc lo âu

Xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn lao đối với các nước phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của đất nước đông dân nhất thế giới, tạo sức ép lên đồng tiền của các nước. Vì thế, theo Nikkei Asia, đồng đô la Úc, đồng won Hàn Quốc và đồng real của Brazil đang đối diện với nguy cơ bán tháo khi thị trường lo ngại về tình trạng đi xuống của kinh tế Trung Quốc.

Đồng đô la Úc chạm đáy thấp nhất so với đô la Mỹ trong 9 tháng qua. Các đồng tiền của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ bị bán tháo trong thời gian tới. Ảnh: Nikkei Asia

“Khi Trung Quốc hắt hơi, Úc sẽ cảm lạnh”. Tokuhiro Wakabayashi, trưởng chi nhánh Tokyo của ngân hàng State Street Bank & Trust bình luận về tình trạng sụt giá lớn của đồng đô la Úc.

Đồng tiền của Úc đang ở đáy thấp nhất trong 9 tháng qua so với đô la Mỹ. Trong khi đó, tỷ giá đô Úc với yên Nhật thấp nhất trong một năm qua, với 1 đô đổi dưới 80 yen. Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài khi chủng Delta lan ra toàn cầu, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc đã kích hoạt các đợt bán tháo đồng đô Úc. Bởi “hai nền kinh tế này có quan hệ mật thiết với nhau” – Wakabayashi phân tích.

Trung Quốc ngày càng nhập nhiều hơn hàng hóa từ Úc trong hai thập niên qua, hiện chiếm đến 40% xuất khẩu của Úc. Hồi phục kinh tế của xứ kangaroo sẽ chật vật nếu như nhu cầu của Trung Quốc suy yếu, đặc biệt là quặng sắt, vốn là nguồn xuất khẩu chính của Úc.

Morgan Stanley gần đây đã cảnh báo rằng các quốc gia phụ thuộc vào khai thác tài nguyên sẽ gặp nhiều nguy cơ từ các thay đổi hay yếu tố bất định của nền kinh tế Trung Quốc. Tập đoàn ngân hàng và tài chính Mỹ đã khuyến cáo nhà đầu tư bán đồng real Brazil, đồng peso Chile và đồng peso Mexico để đổi lấy đồng bạc xanh.

Ngay cả với nền kinh tế ít phụ thuộc vào tài nguyên như Hàn Quốc, thì đồng won cũng trượt giá kể từ mùa thu năm ngoái. Một trong những lý do chính: Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu.

Nhu cầu nội địa Trung Quốc đang giảm đáng kể. Chỉ số quản lý thu mua PMI chính thức đã giảm trong bốn tháng liên tục và chỉ còn 50,4 trong tháng 7 rồi, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020. Khi tiệm cận lằn ranh 50 điểm, nền kinh tế nước này đang đứng trước ngã ba: dưới 50 thì suy thoái, trên 50 thì có cơ hội tăng trưởng.

Chủng Delta đã tàn phá kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu tháng 8, khiến chính quyền ban hành các giới hạn mới và cảng biển lớn thứ hai dừng hoạt động. Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc trong tháng 8 này sẽ xấu hơn – nhà tư vấn Matthew Hornbach của Morgan Stanley nhận định.

Dù dưới khẩu hiệu “thịnh vượng chung” hay “xóa bớt tình trạng bất bình đẳng”, các biện pháp kiểm soát và trừng phạt nặng nề với một số lĩnh vực công nghệ và các trường dạy kèm đã gây hại nhiều hơn lợi. Bởi sự nghi ngờ và tâm lý bất an của nhà đầu tư ngày càng gia tăng trước bối cảnh tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm đi và có xu hướng đi xuống.

Đồng nhân dân tệ có sức chịu đựng bền bỉ trong suốt hai tháng qua khi neo được tỷ giá 6,5 tệ ăn 1 đô la. Thặng dư cán cân thanh toán khổng lồ cùng với chính sách duy trì đồng tệ ổn định của Bắc Kinh đã góp phần ngăn chặn đà yếu đi của đồng tiền.

Nhìn về tương lai, các nhà phân tích nói rằng cần có sự hiểu biết sâu sắc về phát triển chậm lại và tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu.

“Chi tiêu tài khóa của Trung Quốc trong suốt nửa đầu năm nay được xem là khắc nghiệt hơn kỳ vọng. Nền kinh tế sẽ bật nẩy tùy thuộc vào chính sách tài khóa mở rộng như thế nào trong các tháng còn lại của năm”, nhà kinh tế cấp cao Hiroshi Ugai thuộc JPMorgan Securities dự báo.

Nhưng thức khuya mới biết đêm dài. Tỷ suất sinh đang giảm và tỷ lệ già hóa dân số ngày càng tăng sẽ trì kéo nền kinh tế xuống. PBOC dự báo tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng sẽ giảm xuống còn 5,1% trong năm 2025, từ tỷ lệ luôn trên 6% trước dịch Covid-19.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới