(KTSG Online) - Với mức tăng trưởng 3% trong năm ngoái, cao hơn dự báo của giới phân tích, nền kinh tế Trung Quốc chứng tỏ sức chống chịu các bất ổn vĩ mô và tác động của đại dịch Covid-19 tốt hơn với dự báo.
Mức tăng trưởng này cũng báo hiệu giai đoạn tăng trưởng tồi tệ nhất của Trung Quốc có thể đã qua và nền kinh tế lớn thứ hai đang bước vào giai đoạn phục hồi đầy thách thức.
Hôm 17-1, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết GDP của Trung Quốc tăng 3% trong năm ngoái, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ thập niên 1970. Dù vậy, mức tăng trưởng này cao hơn mức dự báo 2,7% của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát. Ngoài ra, GDP của Trung Quốc trong quí 4-2022 tăng 2,9%, cao hơn hẳn so với mức dự báo tăng 1,6%.
Dữ liệu kinh tế trong tháng cuối cùng năm ngoái cũng tốt hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế. Chẳng hạn, sản lượng công nghiệp tăng 1,3% so với cách đây một năm, cao hơn mức dự báo tăng 0,1%, và doanh số bán lẻ suy giảm 1,8%, tốt hơn nhiều so với mức dự báo suy giảm 9%. Trong tháng 12, tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực đô thị của Trung Quốc giảm xuống còn 5,5% so với 5,7% trong tháng 11.
Ban đầu, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm 2022, trước khi các biện pháp phong tỏa kiểm soát Covid-19 và việc đột ngột từ bỏ chính sách ‘zero Covid’ vào tháng 12 khiến mục tiêu đó vượt quá tầm với.
Các nhà kinh tế nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trong những tháng tới sau khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện tại lắng xuống. Dự báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng gần 5% trong năm 2023.
Tuy nhiên, quỹ đạo phục hồi sẽ gập ghềnh khi niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp kỷ lục, thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn trong tình trạng ảm đạm và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
“Triển vọng tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc đã được cải thiện so với dự báo trước đây của chúng tôi. Nhưng điều đó không thể phủ nhận thực tế rằng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những cản lực đáng kể, bao gồm cả nhu cầu suy yếu ở bên ngoài và rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu trong năm nay”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng ING, người hiện dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay nói.
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã báo hiệu về việc sẽ ưu tiên các chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2023 với trọng tâm chính là thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn có thể được cân nhắc, trong khi gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng đã chấm dứt chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ và đảo ngược một số hạn chế trên thị trường bất động sản.
Trong một cáo cáo nhanh hôm 17-1, hai nhà kinh tế Chang Shu và Eric Zhu, cho biết dữ liệu GDP quí 4-2022 của Trung Quốc vừa gây lo lắng vừa mang lại một chút lạc quan.
Theo đó, mức tăng trưởng trong quí 4 vượt xa so với kỳ vọng sẽ làm giảm bớt những lo lắng về một cú sụp đổ kinh tế. Những các dữ liệu vẫn còn rất yếu, không thể che giấu sự thật rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bị giáng một đòn rất nặng do sự rút lui hỗn loạn từ chính sách ‘zero Covid’ và các đợt lây nhiễm Covid-19 càn quét khắp đất nước vào tháng 12. Dù vậy, các chỉ số tần suất cao cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể đã chạm đáy.
"Chúng tôi dự báo sự phục hồi vững chắc sẽ diễn ra trong quí 2-2023”, nhà kinh tế này viết.
Các dữ liệu công bố hôm 17-1 cũng làm nổi rõ những thách thức dài hạn, với việc dân số Trung Quốc trong năm 2022 giảm lần đầu tiên sau sáu thập niên. NBS cho biết, tổng dân số của Trung Quốc vào cuối năm 2022 thấp hơn 850.000 người so với một năm trước đó. Tình trạng dân số giảm sẽ có tác động thị trường lao động, nhu cầu về nhà ở và hệ thống lương hưu của đất nước trong những năm tới.
“Trung Quốc không thể dựa vào lợi thế nhân khẩu học như một động lực cho tăng trưởng kinh tế. Trong tương lai, nhân khẩu học sẽ là một cản lực. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng năng suất lao động”, Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nói.
Ngoài những thách thức trong nước, Trung Quốc còn đối mặt với những rủi ro từ nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Nhu cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã giảm mạnh trong những tháng gần đây làm suy yếu hoạt động xuất khẩu, một trong những trụ cột của tăng trưởng.
NBS đánh giá, nền tảng của sự phục hồi kinh tế “vẫn chưa vững chắc” khi môi trường quốc tế vẫn “phức tạp và khắc nghiệt”.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tốt hơn mong đợi trong tháng trước một phần là do lượng mua ô tô tăng mạnh khi người mua tận dụng các khoản trợ cấp của chính phủ trước khi hết hạn. Trong khi đó, chi tiêu cho thuốc men tăng gần 40% do số ca nhiễm Covid-19 tăng bùng nổ.
Một số nhà phân tích hoài nghi về dữ liệu mà NBS cung cấp do một số khác biệt đáng chú ý. Hầu hết các lĩnh vực công nghiệp chính của Trung Quốc đều suy giảm trong tháng 12,nhưng con số chung về sản lượng công nghiệp lại tăng trong tháng này. Sản lượng ô tô giảm 16,7% nhưng doanh số ô tô tăng 4,6%. Trong cả năm 2022, sản lượng xi măng của Trung Quốc cũng chỉ giảm 10,8% dù doanh số bán nhà ở giảm 28,3%.
“Thị trường sẽ không quan tâm quá nhiều đến số liệu kinh tế quí 4 của Trung Quốc. Ngay cả khi các số liệu đó rất yếu, họ cũng sẽ không chú ý, thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc”, Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered Plc nói.
Theo Bloomberg