Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thiết lập các sàn giao dịch dữ liệu để thúc đẩy kinh tế số

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tuần trước, các hoạt động mua bán dữ liệu giống như một loại hàng hóa đã chính thức khởi động tại một sàn giao dịch dữ liệu do nhà nước điều hành ở Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía nam của Trung Quốc. Sàn giao dịch dữ liệu này cho phép các công ty mua và bán dữ liệu trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách xây dựng thị trường dữ liệu để thúc đẩy kỹ nền kinh tế số.

Sàn giao dịch dữ liệu Thâm Quyến chính thức khai trương hôm 15-11. Ảnh: Xinhua

Tờ South China Morning Post hôm 22-1 cho biết, Sàn giao dịch dữ liệu Thâm Quyến đã chính thức khai trương hôm 15-11. Sàn này được thành lập hồi tháng 12 năm ngoái và đã xử lý 415 giao dịch thương mại với tổng giá trị giao dịch là 1,1 tỉ nhân dân tệ, cỡ 150 triệu đô la Mỹ trong thời gian vận hành thử nghiệm.

Tổng cộng, có 484 công ty đã đăng ký hoạt động trên sàn giao dịch, bao gồm 98 nhà cung cấp dữ liệu, 91 nhà môi giới dữ liệu và 295 người mua dữ liệu hiện hành và tiềm năng.

Công ty lưới điện China Southern Power Grid, thuộc sở hữu nhà nước, từ lâu đã bán dữ liệu tín dụng của các doanh nghiệp cho một số ngân hàng dựa trên việc sử dụng điện của họ. Giờ đây, công ty sẽ niêm yết những dữ liệu này trên sàn giao dịch Thâm Quyến để có thể giao dịch rộng rãi hơn.

Năm 2006, nhà toán học và doanh nhân người Anh Clive Humby gọi dữ liệu là “dầu mỏ mới” trong nền kinh tế hiện đại. Trung Quốc đang cố gắng áp dụng các quy tắc thương mại để tạo ra thị trường dữ liệu sôi động, được Bắc Kinh coi là một yếu tố sản xuất mới, giống như đất đai, vốn và lao động con người.

Tính đến tháng 8, hơn 40 sàn giao dịch dữ liệu đã được thành lập hoặc đang được lên kế hoạch thành lập ở Trung Quốc, theo Trung tâm Thông tin nhà nước Trung Quốc.

Thượng Hải đã ra mắt sàn giao dịch dữ liệu vào tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, Quảng Châu đã thử nghiệm sàn giao dịch dữ liệu riêng của mình hồi tháng 9 năm nay, với giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu nhân dân tệ vào đầu tháng này.

Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải (SDE) được thiết kế để cải thiện việc sử dụng và quản lý dữ liệu đồng thời kết nối “các ốc đảo dữ liệu bị cô lập”.

Ban đầu, SDE niêm yết 20 sản phẩm dữ liệu trong 8 lĩnh vực bao gồm tài chính, vận tải, truyền thông, điện lực... với dữ liệu của hãng hàng không China Eastern Airlines, dữ liệu vận chuyển từ hãng vận tải biển COSCO và nhiều dữ liệu khác từ ba nhà mạng viễn thông China Mobile, China Unicom và China Telecom.

Nhờ SDE, các ngân hàng giờ đây có thể tiếp cận dữ liệu từ các công ty điện lực và viễn thông để quyết định có phê duyệt các khoản vay cho doanh nghiệp hay không.

Một trong những giao dịch đầu tiên được thực hiện tại SDE là giao dịch của một chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại Thượng Hải đã đạt thỏa thuận sử dụng dữ liệu từ Công ty Điện lực TP. Thượng Hải.

SDE chủ yếu nhắm đến người dùng doanh nghiệp và tổ chức. Việc chuyển giao và xử lý dữ liệu qua SDE được đảm nhận bởi các công ty công nghệ để bảo đảm an toàn dữ liệu. Luật An ninh dữ liệu của Trung Quốc ủng hộ việc thành lập thị trường giao dịch dữ liệu với điều kiện không được phép giao dịch các dữ liệu được xem là nhạy cảm với an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Theo SDE, sẽ không có giao dịch nào được thực hiện nếu người mua dữ liệu không thể giải thích kịch bản chính xác mà dữ liệu sẽ được sử dụng. Tất cả việc sử dụng và giao dịch dữ liệu sẽ được thực hiện theo các quy tắc nghiêm ngặt, chẳng hạn như “dữ liệu được sử dụng nhưng không được nhìn thấy” để bảo vệ an ninh dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư cá nhân.

Tổng cộng, có 100 công ty đã ký thỏa thuận với SDE để đảm bảo tuân thủ và bảo mật các giao dịch dữ liệu. Thị trưởng Thượng Hải Gong Zheng xem SDE là một phần của đề án để đưa thành phố này trở thành “trung tâm số hóa toàn cầu”.

Mua bán dữ liệu đã diễn ra trong một thời gian dài trên các thị trường tư nhân ở Trung Quốc. Shao Zhanpeng, một chuyên gia về kinh tế dữ liệu hiện giảng dạy tại Đại học Hồ Hải ở Nam Kinh, cho biết từ lâu những sản phẩm dữ liệu đã được rao bán trên mạng nhưng việc thiếu giám sát và minh bạch trong lĩnh vực này có thể dẫn đến các vi phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Do vậy, ông cho rằng các sàn giao dịch được nhà nước quản lý sẽ giúp tiêu chuẩn hóa hoạt động mua bán dữ liệu.

Các chuyên gia cho biết, các sàn giao dịch dữ liệu thử nghiệm vẫn tiếp tục triển khai mặc dù Trung Quốc thiếu một khung pháp lý đầy đủ có thể giúp giải quyết các vấn đề phức tạp xung quanh giao dịch dữ liệu, chẳng hạn như quyền sở hữu dữ liệu.

Trong một báo cáo công bố trong tháng này, He Lifeng, một quan chức tại Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã xem việc thiếu khung quản lý cơ bản đối với việc sản xuất dữ liệu là một trong những vấn đề cản trở sự phát triển của nền kinh tế số Trung Quốc.

Li Hongguang, Chủ tịch Sàn giao dịch dữ liệu Thâm Quyến, cho rằng giao dịch dữ liệu đang đối mặt với các vấn đề như thiếu dữ liệu chất lượng cao và cơ chế phân phối lợi nhuận cho các bên liên quan. Vì vậy, hầu hết các công ty vẫn đang chờ đợi các quy định rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, ông tin tưởng nền kinh tế số mạnh mẽ của Thâm Quyến sẽ mang lại lợi thế cho thành phố này. Ông cho cho biết, sàn giao dịch dữ liệu Thâm Quyến đặt mục tiêu đạt giá trị giao dịch 10 tỉ nhân dân tệ, cỡ 1,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 và đóng góp 5 tỉ nhân dân tệ cho nền kinh tế.

Giá trị nền kinh tế số của Trung Quốc đã đạt 45,5 nghìn tỉ nhân dân tệ, khoảng 6,4 nghìn tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, chiếm 39,8% GDP của đất nước, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu không gian mạng Trung Quốc.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về thương mại dịch vụ công bố năm ngoái, Bộ Thương mại Trung Quốc (Mofcom) đã cam kết hỗ trợ mua bán các sản phẩm kỹ thuật số, thúc đẩy một môi trường thuận lợi để đưa các sản phẩm kỹ thuật số ra nước ngoài và nghiên cứu hoạt động mua bán dữ liệu.

Theo SCMP, Sixth Tone

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới