Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu tài chính bền vững ở châu Á

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, trái phiếu xanh và bền vững giúp huy động 134 tỉ đô la Mỹ năm 2023, trong đó Trung Quốc chiếm hơn một nửa.

Khói bốc lên từ một nhà máy thép sử dụng nhiệt điện than ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trung Quốc đang tăng tốc phát hành trái phiếu bền vững để đạt mục tiêu Net-Zero trước năm 2060. Ảnh: Getty

Theo nhận định của các nhà quản lý quỹ và nhà phân tích, hoạt động đầu tư vào các công ty và ngành công nghiệp để giúp tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang một tương lai phát thải carbon thấp sẽ trở thành chủ đề chính vào năm 2024. Họ dự báo nhu cầu các sản phẩm tài chính bền vững ở Trung Quốc nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung vẫn mạnh mẽ bất chấp lãi suất tăng cao.

Theo một nghiên cứu hồi tháng 4 của Viện Chính sách xã hội có trụ sở tại New York thì châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu, cần đầu tư 71 nghìn tỉ đô la Mỹ để đưa mức phát thải carbon về mức zero (Net-Zero) vào giữa thế kỷ này.

Các lĩnh vực cần chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch như vật liệu xây dựng cùng những công ty đang tìm cách giảm lượng khí thải và tăng chi tiêu cho công nghệ xanh sẽ là những khoản đầu tư hấp dẫn trong tương lai, theo Brendan Tu, người đứng đầu bộ phận tư vấn chủ đề đầu tư môi trường, xã hội và quản trị (ESG) phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng UBS.

“Môi trường lãi suất thuận lợi hơn vào năm 2024 có thể tạo điều kiện thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh hoặc trái phiếu liên kết bền vững. Nhưng chúng ta cần tìm nhiều nguồn tài trợ chuyển tiếp khác nhau để hỗ trợ các sáng kiến khử carbon của các doanh nghiệp”, Brendan Tu nói.

Jakub Malich, trưởng nhóm nghiên cứu ESG và khí hậu ở bộ phận thu nhập cố định của MSCI, cho biết trái phiếu bền vững gắn liền với các khoản đầu tư tài trợ cho quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế carbon thấp, hoặc giúp các doanh nghiệp đạt mục tiêu khử carbon.

“Trái phiếu bền vững tiếp tục tăng tỷ trọng trong các chỉ số trái phiếu toàn cầu vào năm 2023 và hoạt động phát hành chúng tăng trưởng tốt so với thị trường trái phiếu rộng lớn hơn. Đặc biệt, hoạt động phát hành loại trái phiếu này ở châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu”, Jakub Malich nói.

Trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững chiếm 5,3% tổng số vốn gốc của các loại trái phiếu có trong Chỉ số trái phiếu doanh nghiệp MSCI (MSCI Corporate Bond Indexes) vào cuối tháng 9, so với 4,4% vào cuối năm 2022.

Theo MSCI, khối lượng trái phiếu bền vững phát hành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 172 tỉ đô la Mỹ, vượt xa mức tăng trưởng 4% được ghi nhận trên toàn cầu.

“Trên thị trường trái phiếu, khía cạnh bền vững đang trở thành chủ đề trọng tâm của các nhà đầu tư. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng thị phần trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững sẽ tăng hơn nữa bất kể môi trường lãi suất như thế nào”, Olivier Menard, người đứng đầu bộ phận tài chính xanh và bền vững phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định.

Ellie Tang, giám đốc đầu tư bền vững của Công ty quản lý tài sản Fidelity International, cũng kỳ vọng trái phiếu chuyển tiếp sẽ là lĩnh vực trọng tâm của nguồn tài chính bền vững của châu Á trong năm 2024.

Không giống như trái phiếu xanh (green bond), nơi nhà phát hành trực tiếp sử dụng số tiền thu được cho các dự án thân thiện với môi trường, trái phiếu chuyển tiếp (transition bond) tập trung vào cam kết trở nên xanh hơn của tổ chức phát hành bằng cách giảm phát thải carbon.

“Tác động của rủi ro khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở châu Á ngày càng được cảm nhận rõ ràng và thời hạn để đạt mục tiêu Net-Zero đang đến gần”, Tang nói.

Công ty đầu tư Abrdn tin rằng, tài trợ cho các hoạt động chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ thu hút các nhà đầu tư. “Các nhà đầu tư ngày càng sẵn sàng hỗ trợ và linh hoạt hơn đối với các công ty có kế hoạch chuyển tiếp mạnh mẽ và đáng tin cậy”, Nicole Lim, giám đốc đầu tư chủ đề ESG ở bộ phận thu nhập cố định của Abrdn, nhận định.

Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính LSEG, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, các đợt phát hành trái phiếu xanh và liên quan đến bền vững huy động được 134 tỉ đô la trong năm nay tính đến ngày 11-12, so với 136,7 tỉ đô la trong cả năm ngoái. Các nhà phát hành trái phiếu của Trung Quốc chiếm 58,6% con số của năm nay.

Jennifer Zhang, người đứng đầu bộ phận tư vấn phát hành trái phiếu ở Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Barclays, dự báo, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng nhờ nhận thức ngày càng tăng của các tổ chức phát hành về lợi ích của mô hình kinh doanh ESG.

Theo Daniel Zhi, người đứng đầu bộ phận chiến lược dịch vụ tài chính của chi nhánh hãng kiểm toán KPMG ở Trung Quốc, tài chính chuyển tiếp sẽ trở thành một yếu tố then chốt trong bối cảnh quy mô tài chính xanh hiện tại ở Trung Quốc không đủ để đạt được mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và mục tiêu Net-Zero trước năm 2060.

Daniel Zhi dự báo, trong vài năm tới, nhu cầu thị trường về tài chính chuyển tiếp có thể sẽ tăng vọt, giải quyết khoảng trống tài chính xanh ở Trung Quốc.

“Việc chuyển tiếp các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon một cách công bằng và có trật tự không chỉ phù hợp với trọng tâm chiến lược của Trung Quốc về an ninh năng lượng và an ninh chuỗi cung ứng mà còn phù hợp với lộ trình chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch”, Siping Guo, Trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu và ESG Trung Quốc tại MSCI, nói khi đề cập tới thỏa thuận chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch đạt được tại hội nghị khí hậu Cop28 gần đây của Liên hợp quốc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới