(KTSG Onine) - Chiếm ít hơn 20% dân số thế giới, nhưng Trung Quốc đã cố gắng dự trữ hơn một nửa lượng ngô và các loại ngũ cốc khác trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 69% dự trữ ngô toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2022, 60% gạo và 51% lúa mì. Tình trạng này khiến giá lương thực toàn cầu luôn leo thang, gây khan hiếm và rối loạn phân phối. Nhiều nước nghèo vì thế sẽ gặp nguy cơ thiếu lương thực và đương đầu với nạn đói.
Lượng nhập khẩu tăng đến 12 lần
Tập đoàn COFCO, hãng chế biến thực phẩm lớn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đang điều hành một trong những kho dự trữ lương thực lớn nhất của đại lục ở cảng Đại Liên, phía Đông Bắc Trung Quốc. Kho này lưu trữ các loại đậu và ngũ cốc từ trong và ngoài nước trong 310 bồn chứa silo khổng lồ. Từ đó, lương thực dự trữ được đưa khắp Trung Quốc thông qua mạng lưới đường sắt và đường biển.
Qin Yuyun, người đứng đầu bộ phận dự trữ ngũ cốc tại Cục dự trữ chiến lược và lương thực quốc gia, nói với báo chí hồi tháng 11 rằng: “Trung Quốc đang duy trì kho dự trữ lương thực ở mức cao trong lịch sử. Các kho dự trữ lúa mì của chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu trong một năm rưỡi. Không có vấn đề gì về nguồn cung cấp lương thực."
Các dự báo cho thấy mức tăng dự trữ tại Trung Quốc là khoảng 20 điểm phần trăm trong 10 năm qua. Các phân tích cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ đà tích trữ trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã chi 98,1 tỉ đô la cho nhập khẩu thực phẩm (không bao gồm đồ uống) vào năm 2020, tăng 4,6 lần so với một thập niên trước đó. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9-2021, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều lương thực hơn so với cả năm.
Trong 5 năm qua, nhập khẩu đậu tương, ngô và lúa mì của Trung Quốc đã tăng gấp 2-12 lần do lượng nhập khẩu từ Mỹ, Brazil và các nước xuất khẩu khác tăng vọt. Nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, sữa và trái cây tăng gấp 2-5 lần.
Một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đang gia tăng với lực đẩy là nỗ lực mua lại các công ty nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc. Tập đoàn WH chế biến thịt hàng đầu đã mua lại một công ty cùng loại ở châu Âu vào tháng 6 vừa rồi, trong khi Tập đoàn công nghiệp Yili Nội Mông mua một công ty sữa hàng đầu của New Zealand vào năm 2019.
Trách nhiệm thuộc về Trung Quốc?
Giá lương thực đang tăng trên khắp thế giới. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) trong tháng 11 cao hơn khoảng 30% so với một năm trước đó. Akio Shibata, Chủ tịch Viện nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên ở tỉnh Tochigi ở phía Bắc Tokyo, cho rằng: “Việc Trung Quốc tích trữ là một trong những lý do chính khiến giá cả tăng cao”.
Trung Quốc đang nhập khẩu nhiều ngũ cốc và các loại lương thực khác do sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu về thức ăn cho gia súc, gia cầm ngày càng mở rộng nhờ nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, số lượng người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao ở nước ngoài cũng đang tăng lên.
Sản lượng lúa mì và các nguồn cung cấp khác của Trung Quốc cũng như diện tích đất sử dụng cho canh tác nông nghiệp ở mức thấp trong năm 2015. “Năng suất nông nghiệp ở Trung Quốc thấp do sự phân tán của đất nông nghiệp và nạn ô nhiễm đất. Sản lượng nông nghiệp sẽ tiếp tục đình trệ khi nông dân di cư đến các khu vực thành thị”, Giáo sư danh dự Goro Takahashi – một chuyên gia về nông nghiệp Trung Quốc - tại Đại học Aichi phân tích.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực. Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng 4 đã thông qua luật cấm lãng phí thực phẩm. Cuối tháng 10, các nhân vật cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã chỉ thị cho các quan chức địa phương về cách giảm lãng phí thực phẩm. Tuy vậy, các luật và quy định về an toàn lương thực vẫn chưa hoàn tất.
Nhiều người Trung Quốc ở độ tuổi từ 50 trở lên đã trải qua tình trạng thiếu lương thực trong cuộc Cách mạng văn hóa 1966-1976. "Những người thuộc thế hệ chúng tôi nhớ đến nạn đói rõ hơn hết", Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện phải đối mặt với những bất ổn về lương thực do các yếu tố như mối quan hệ xấu đi với Mỹ và Úc, có thể làm thay đổi mạnh mẽ lượng lương thực và thực phẩm nhập khẩu. Đây chính là lý do thúc đẩy Trung Quốc tăng cao tỷ lệ dự trữ lương thực.
Theo Liên Hiệp Quốc, số người sống ở các vùng bị đói kém lên đến 700 triệu người vào năm 2020, tăng hơn 100 triệu người so với 5 năm trước đó. "Mặc dù toàn bộ các quốc gia phát triển đều phải chịu trách nhiệm về nạn đói. Nhưng trách nhiệm của Trung Quốc có phần lớn hơn. Trung Quốc cần có trách nhiệm về tình trạng phân phối lương thực trên thế giới”, giáo sư Takahashi nhấn mạnh.