Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tìm cách ngăn chặn nạn lạm thu tiền phạt của các địa phương

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn tình trạng các địa phương ráo riết thu tiền phạt để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

Một thông báo ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh cảnh báo mức phạt đối với việc cản trở lối đi dành cho người khiếm thị. Ảnh: NikkeiAsia

Doanh thu từ các khoản tiền phạt của chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Dữ liệu của chính phủ cho thấy các khoản tiền phạt đạt tổng cộng 368,7 tỉ nhân dân tệ (51,8 tỉ đô la) trong năm 2022, tăng hơn 2,2 lần so với mức 161,3 tỉ nhân dân tệ vào năm 2013.

Mặc dù con số năm 2023 vẫn chưa được công bố nhưng có khả năng sẽ đạt khoảng 380 tỉ nhân dân tệ, dựa trên tỷ lệ tăng doanh thu các khoản phi thuế, tức từ tiền phạt, kể từ năm 2018.

Ráo riết thu tiền phạt

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang phải chịu đựng tình trạng "mất cân bằng tài chính theo chiều dọc". Ở đó, chính quyền các địa phương phải gánh vác trách nhiệm về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Nhưng họ phải nộp hơn 50% ngân sách thu về trung ương. Tuy nhiên, địa phương sẽ được giữ lại 100% các khoản doanh từ tiền phạt.

Tuy vậy, cách gây quỹ hay tạo ra nguồn doanh thu đầy sáng tạo từ các khoản phạt vô lý cho thấy tình trạng tài chính bết bát ở các địa phương, The Economist bình luận.

Tại thị xã Bàn Cẩm, trung tâm sản xuất dầu cũ ở tỉnh Liêu Ninh, lực lượng quản lý đô thị lái xe tuần tra nhằm phát hiện các hành vi đậu xe trái quy định. Chính quyền Bàn Cẩm đã thu được 1,3 tỉ nhân dân tệ tiền phạt trong năm 2023, trung bình hơn 1.000 tệ cho mỗi cư dân và tương đương 13% doanh thu thuế của nơi này.

"Chuyện phạt tiền đã được làm ráo riết trong vài năm qua. Bạn có thể bị phạt 200 nhân dân tệ chỉ vì không nhường đường cho người đi bộ. Đó là toàn bộ thu nhập của một người lái xe công nghệ trong ngày”, một tài xế cho biết.

Mùa thu năm ngoái, các quan chức tại Châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên đã bắt đầu kiểm tra nhà của người dân. Lý do là cải thiện tình trạng vệ sinh cộng đồng nhưng chính quyền phạt từ 3-20 tệ đối với các hành vi vi phạm như để bát đĩa không rửa hoặc để giường không dọn. Tại thành phố Lạc Dương, một người đàn ông kiếm được 21 nhân dân tệ từ việc bán rau có hàm lượng thuốc trừ sâu cao hơn quy định đã bị phạt 110.000 tệ.

Một cuộc điều tra hồi tháng 1-2024 cho thấy, từ năm 2021-2023, Hà Bắc đã đẩy mạnh các khoản phạt từ việc đậu xe không đúng quy định, xe chở quá tải… Doanh thu các khoản này tăng 20% trong thời gian nói trên, nhanh gấp ba lần doanh thu từ thuế của tỉnh.

Tạp chí Caijing nói từ năm 2018 đến năm 2021, 29 trong số 247 thành phố lớn trên toàn quốc thu được các khoản phạt tương đương ít nhất 10% doanh thu thuế. Một số thành phố có nền kinh tế nhỏ, tức thu ngân sách thấp, chẳng hạn như Ngô Châu và Hạ Châu ở Khu tự trị dân tộc Choang thuộc tỉnh Quảng Tây, các khoản phạt lần lượt bằng 29,8% và 23,2% doanh thu thuế.

Nỗ lực chấn chỉnh

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, kết hợp với doanh số bán quyền sử dụng đất giảm và tình hình hỗn loạn trên thị trường bất động sản đã làm giảm nguồn thu thuế hơn 30% trong năm 2023 so với đỉnh điểm 2021. Tiền thuế không tăng khi kinh tế đình trệ buộc một số thành phố phải chuyển sang nguồn thay thế - các khoản phạt.

Theo tạp chí kinh doanh Caixin, 20/22 tỉnh của Trung Quốc đều dự báo mức tăng trưởng doanh thu thuế trong năm nay thấp hơn năm ngoái. Đầu tháng 4-2024, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ triển vọng tín dụng của Trung Quốc xuống mức tiêu cực do thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Chính quyền trung ương đang phải vật lộn để trám những con thuyền thủng, khi các khoản nợ đến hạn ở địa phương ngày càng gia tăng. Phần lớn số nợ này thuộc về các đơn vị kinh doanh, tài chính của chính quyền địa phương và nằm ngoài bản cân đối kế toán chính thức.

Chính quyền Trung Ương bắt đầu thực hiện các biện pháp để chấn chỉnh tình trạng trên. Tháng 10-2023, Bắc Kinh đã phát hành 1.000 tỉ nhân dân tệ trái phiếu để cấp ngân sách cho địa phương. Tháng 2-2024, nước này tiến hành các đợt chống tham nhũng mới. Hàng loạt cán bộ địa phương bị kỷ luật vì các cáo buộc lạm quyền, ban hành các văn bản sai quy định…

Tháng 3, Thủ tướng Lý Cường đã chỉ trích “các dự án phù phiếm”, chỉ thị chính quyền của hơn 10 tỉnh chấm dứt đầu tư vào các công trình không cần thiết. Cũng trong tháng 3, Bộ Tài chính thông báo "nghiêm cấm các địa phương áp dụng tùy tiện các loại phí, tiền phạt và lệ phí dưới mọi hình thức".

Trong cuộc họp cấp cao của Đảng và chính phủ trong tháng 7 vừa rồi, Trung Quốc đã quyết định phân phối tiền thuế thu từ các mặt hàng xa xỉ cho các tỉnh thành để cân đối thu nhập. Tuy nhiên, khối nợ của chính quyền địa phương đang là nỗi lo lớn.

Victor Shih và Jonathan Elkobi thuộc Đại học California, San Diego, ước tính các chính quyền địa phương đang nợ từ 90.000 -110.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 75-91% GDP quốc gia. Hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc báo cáo tỷ lệ nợ vượt quá 50% GDP địa phương. Theo hãng tư vấn Trivium, số vụ vỡ nợ trái phiếu của chính quyền địa phương đã tăng hơn ba lần kể từ tháng 3-2023.

Theo Nikkei Asia, The Economist

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới