Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tìm cơ hội mua cổ phần của các công ty năng lượng và hàng hóa Nga

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong một nỗ lực bảo đảm nguồn cung các mặt hàng nguyên liệu thô quan trọng, Trung Quốc đang xem xét mua hoặc tăng cổ phần trong các công ty năng lượng và hàng hóa của Nga, chẳng hạn như Tập đoàn khí đốt Gazprom và nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, United Co. Rusal International.

Đường ống Power of Siberia của Gazprom đưa dòng chảy khí đốt từ vùng Viễn Đông của Nga đến Trung Quốc. Gazprom đang đàm phán để xây dựng một tuyến đường ống dẫn khí thứ hai kết nối với Trung Quốc. Ảnh: Intellinews

Hãng tin Bloomberg ngày 8-3 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh đang trao đổi với các doanh nghiệp khổng lồ của nhà nước, bao gồm Tập dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn nhôm Trung Quốc, Tập đoàn khai khoáng Trung Quốc về bất kỳ cơ hội đầu tư tiềm năng nào vào các công ty hoặc tài sản của Nga.

Các nguồn tin cho biết bất kỳ thỏa thuận đầu tư nào cũng nhằm thúc đẩy hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc khi nước này tập trung vào vấn đề an ninh năng lượng và lương thực, chứ không phải để thể hiện sự ủng hộ đối với Nga trong bối cảnh Moscow hứng các đòn trừng phạt nặng nề của phương Tây. Họ tiết lộ một số cuộc đàm phán giữa các công ty năng lượng của Trung Quốc và Nga đã bắt đầu diễn ra.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trong vấn đề đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ hoạt động nhập khẩu khi chi phí năng lượng, kim loại và lương thực tăng vọt lên mức cao chưa từng thấy. Lo lắng về tác động của giá cả tăng cao đối với nền kinh tế, tuần trước, Bắc Kinh đã chỉ thị các cơ quan ban ngành liên quan phải đảm bảo an ninh nguồn cung các hàng hóa bị tác động do chiến sự ở Ukraine.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tiếp tục quan hệ thương mại bình thường với Nga bất chấp các công ty châu Âu và Mỹ đồng loạt tháo chạy khỏi Nga. Các tập đoàn năng lượng toàn cầu như BP, Shell và Exxon Mobil đã gây bất ngờ khi quyết định loại bỏ số tài sản dầu khí trị giá hàng tỉ đô la trong các liên doanh ở Nga.

Hôm 7-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định quan hệ Trung-Nga vẫn “vững như bàn thạch”, ngay cả khi Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về tình hình thương vong của dân thường trong chiến sự ở Ukraine và kêu gọi đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh.

Trung Quốc đang nắm giữ một số khoản đầu tư năng lượng đáng chú ý ở Nga. Chẳng hạn, CNPC có 20% cổ phần trong dự án liên doanh khai thác khí và sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng Yamal LNG ở cảng Sabetta, phía bắc của Nga. Tập đoàn này cũng nắm giữa 10% cổ phần tại dự án liên doanh sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 ở bờ tây bán đảo Gydan của Nga, và Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cũng sở hữu 10% ở dự án này.

Nga và Trung Quốc đang tăng cường mối quan hệ hợp tác. Tháng trước, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thông Vladimir Putin đã ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ cũng như lúa mì của Nga sang Trung Quốc. Trong khuôn khổ cuộc gặp này, Gazprom và Rosneft, hai tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga, đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất kỳ khoản đầu tư nào vào Nga đều tiềm ẩn những rủi ro vượt ra ngoài nhu cầu cân bằng địa chính trị mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Nga đã trở thành một thị trường gần như không thể đầu tư đối với các công ty toàn cầu khi nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới nhanh chóng suy sụp. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã xóa sổ hàng tỉ đô la khỏi các tài sản của Nga. Trái phiếu của Nga cũng giảm giá mạnh khi rủi ro vỡ nợ ngày càng gia tăng. Đồng nhân dân tệ đã tăng giá mạnh so với đồng rúp, đặt ra những hoài nghi về mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể giúp củng cố nỗ lực của Moscow trong việc đẩy nhanh chiến lược "xoay trục sang châu Á" thông qua các thỏa thuận cung cấp dầu thô và khí đốt. Trung Quốc đã tăng mua gấp đôi các sản phẩm năng lượng của Nga lên gần 60 tỉ đô la trong 5 năm qua.

Power of Siberia, đường ống dẫn khí đốt của Gazprom đến Trung Quốc bắt đầu vận hành năm 2019. Gazprom hiện đàm phán với Trung Quốc về kế hoạch xây dựng một tuyến đường ống dẫn khí khác có thể được ký kết trong năm nay, cho phép tập đoàn này vận chuyển nhiên liệu từ các mỏ khí đốt, vốn đang cung cấp  cho châu Âu, sang Trung Quốc.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới