Trung Quốc trong bức tranh xuất nhập khẩu 2018 của Việt Nam
Ngọc Lan
(TBKTSG Online)- Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2018 cao hơn tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu (16,6% so với 11,7%). Tuy đã giảm dần mức nhập siêu từ Trung Quốc nhưng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất về Việt Nam vẫn tăng với tốc độ chóng mặt.
![]() |
Việt Nam đã tăng tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc vẫn còn khoảng cách 24,2 tỉ đô la Mỹ. Ảnh:TL |
Tăng xuất nhưng vẫn là xuất thô
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 57 tỉ đô la Mỹ hàng hóa từ Trung Quốc, tính ra bằng 30% tổng giá trị nhập, khiến nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 26,3 tỉ đô la, cỡ khoảng 10% GDP của Việt Nam.
Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 mới được Bộ Công Thương công bố, dù nhập khẩu tăng lên 65,4 tỉ đô la nhưng tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ còn 27% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhập siêu giảm xuống còn 24,2 tỉ đô la. Sự sụt giảm này nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua đạt 41,3 tỉ đô la (tăng 16,6% so với năm trước đó).
Trong bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam 2018, việc san sẻ thị trường (cả xuất và nhập khẩu), giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã được cải thiện hơn nhưng mức độ và tốc độ cải thiện còn chậm. Trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 72% tổng giá trị xuất nhập khẩu 2018 thì Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất, đạt 106,7 tỉ đô la, chiếm 22,7% tổng giá trị xuất nhập khẩu. Các nước xếp sau có khoảng cách khá xa: như Hàn Quốc chiếm 13,7% hay Hoa Kỳ chiếm 12,6%.
Sự phụ thuộc của hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Trung Quốc mà người ta quen gọi là “thị trường truyền thống” thể hiện rất rõ ở những mặt hàng như nông thủy sản, hoa quả hoặc nhóm những mặt hàng nguyên liệu thô. Hay nói khác đi, nhóm hàng xuất khẩu này của Việt Nam vẫn phải lệ thuộc vào Trung Quốc do chưa thể tiếp cận được những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ví dụ như xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam vào 6 thị trường lớn (trong đó có Trung Quốc, EU…) có tổng kim ngạch năm 2018 là 20,31 tỉ đô la thì Trung Quốc nhập đến 7,26 tỉ đô la (khoảng 1/3 tổng kim ngạch vào 6 quốc gia). Xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch rất cao: 2,78 tỉ đô la.
Hay cao su thiên nhiên xuất sang Trung Quốc đến 1,37 tỉ đô la, chiếm 65,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu đặt trong bối cảnh lượng cao su thiên nhiên sản xuất ra đến 80% là xuất khẩu càng cho thấy thì sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hàng chục năm qua lớn cỡ nào. Đặc biệt mỗi khi Trung Quốc giảm thu mua hay đóng cửa khẩu Lục Lầm (cửa khẩu chuyên xuất cao su) thì hàng Việt Nam thường chịu những hệ lụy rớt giá khá nặng nề.
Sự phụ thuộc cũng thể hiện ở tình cảnh các đoàn xe chở dưa hấu xếp hàng dài ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cả tháng, mòn mỏi chờ đưa hàng sang, không được thì “bán đổ, bán tháo”.
Hoặc trong năm 2018, khi Trung Quốc gia tăng sử dụng sản phẩm thay thế như ngô để sản xuất ethanol, nhu cầu nhập khẩu sắn giảm, giá trị xuất khẩu sắn từ Việt Nam đi giảm gần 8% so với năm trước đó, trong khi Trung Quốc là đối tác thu mua sắn lớn nhất của Việt Nam.
Mặt khác, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn phản ánh chung sự hạn chế tổng thể của xuất khẩu Việt Nam là xuất khẩu thô.
Kể cả khi Việt Nam thay đổi cơ cấu xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu dầu thô, thì kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện (chủ yếu là linh kiện) đạt 8,36 tỉ đô la, chiếm 28,52% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp FDI đặt cơ sở sản xuất linh kiện tại Việt Nam, chuyển ngược sang thị trường Trung Quốc lắp ráp để đến nước thứ ba ngày càng tăng.
Mặt hàng xuất thô khác là xuất khẩu xơ, sợi năm 2018 đạt trị giá 4,02 tỉ đô la (2018) thì thị trường Trung Quốc chiếm 55% tổng kim ngach nhóm hàng. Rồi xuất khẩu quặng sắt, bô xít, kẽm, apatit nay vẫn chủ yếu là xuất sang Trung Quốc với 71% tổng lượng quặng khoáng xuất khẩu cả nước.
Để giảm phụ thuộc
Việt Nam hàng năm vẫn nhập siêu từ Trung Quốc gần 10% GDP. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dù nhanh hơn vẫn chưa thể bù đắp được tốc độ tăng chậm của kim ngạch nhập khẩu.
Các doanh nghiệp nước ta nhập từ Trung Quốc 12 tỉ đô la máy móc, thiết bị, phụ tùng; máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử nhập về 7,8 tỉ đô la. Hoặc chúng ta xuất được xơ sợi 2,2 tỉ đô la thì nhập về vải các loại đến 7,1 tỉ đô la. Đặc biệt là sắt thép các loại trong nước đã dư cung, xuất khẩu sang thị trường nhiều quốc gia phát triển song vẫn phải nhập khẩu tử Trung Quốc 4,5 tỉ đô la.
Nếu tính cả kim ngạch nhập khẩu của các thị trường liên quan đến Trung Quốc như Đài Loan hay Hồng Kông thì độ rộng của kim ngạch nhập khẩu còn cao hơn nữa. Mặt khác, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch hay còn gọi là “nhập lậu” không tính vào đây cũng chiếm con số không hề nhỏ.
Độ rộng của nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam hiện chưa thể kéo gần dù gia tăng xuất khẩu có lý do chính là Việt Nam xuất hàng thô, giá trị gia tăng thấp. Ngược lại nhập về vẫn là nhập những nhóm mặt hàng có giá trị lớn, là đầu vào thiết yếu cho sản xuất như máy móc, nguyên phụ liệu nên giá trị cao.
Việt Nam không thể hạ thấp nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian ngắn mà chỉ có thể hạn chế hơn sự phụ thuộc này bằng cách tận dụng thật tốt các FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản, CPTPPP… để cơ cấu, thị trường xuất khẩu rộng hơn, giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc.
Mời xem thêm: