Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc trục lợi từ khủng hoảng châu Âu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc trục lợi từ khủng hoảng châu Âu

Bùi Thị Thanh Hương

Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh.

(TBKTSG) – Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu xuất phát từ Hy Lạp đã và đang khiến nhiều nước trên khắp các châu lục lo ngại về tác động của nó tới nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang lên một kế hoạch khác với mục tiêu tận dụng khó khăn của người biến thành lợi ích cho mình.

Gần như lâm vào tình trạng phá sản và hoàn toàn mất điểm trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, điều mà Chính phủ Hy Lạp mong mỏi nhất hiện giờ là tìm đường vực dậy nền kinh tế.

Đúng vào lúc này, Trung Quốc nhập cuộc với kế hoạch bơm hàng trăm triệu euro, thậm chí hàng tỉ euro, vào nền kinh tế đang lâm vào cảnh khốn cùng.

Sự việc được Hy Lạp ví như cảnh người sắp chết đuối vớ được tấm phao và Trung Quốc, từ một đất nước châu Á xa cách cả về địa lý lẫn văn hóa, bỗng chốc trở thành ân nhân của Hy Lạp.

“Xây tổ cho đại bàng”

Thoạt nhìn, hành động “nghĩa hiệp” của Trung Quốc có vẻ hơi dại dột vì tất cả các nhà đầu tư đều tháo chạy khỏi Hy Lạp. Tuy nhiên đằng sau “quyết định khờ dại” này lại là một tính toán cao tay: thâu tóm cảng Piraeus ở phía Tây Nam thủ đô Athens, một trung tâm vận tải biển có vai trò huyết mạch ở phía Đông Địa Trung Hải để bắc cầu nối liền các xưởng sản xuất của Trung Quốc với người tiêu dùng khắp châu Âu và Bắc Phi.

Không có thời điểm nào thuận lợi hơn lúc này vì Chính phủ Hy Lạp đang đưa ra những chính sách ưu đãi rất lớn, đang nỗ lực tư nhân hóa các cơ sở quốc doanh có hiệu quả thấp, kể cả cảng biển, đường sắt và sòng bạc… lấy tiền trả nợ và kích thích kinh tế; còn giá tài sản thì đang xuống mức thấp nhất.

Cách đây gần hai năm, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng bến container tại cảng Piraeus với mục đích kiểm soát phần nào một trung tâm vận tải biển có ý nghĩa chiến lược. Đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay mà Hy Lạp đón nhận.

Sắp tới đây, Hy Lạp sẽ được nhận thêm 700 triệu đô la từ Trung Quốc để xây dựng một bến tàu mới và nâng cấp những bến tàu hiện có; đổi lại, từ tuần này tập đoàn vận tải Cosco khổng lồ của Trung Quốc sẽ được toàn quyền kiểm soát bến đỗ tàu chở container tại cảng Piraeus.

Chính phủ Hy Lạp cũng cam kết sẽ kiềm chế các nghiệp đoàn công nhân hùng mạnh, đảm bảo để Trung Quốc có thể thực hiện những thay đổi lớn nhằm tăng năng suất và hiệu quả khi vận hành cảng biển Piraeus.

Kèm theo đó, Hy Lạp cũng tranh thủ xin thêm đầu tư của Trung Quốc vào một số việc khác, trong đó có dự án xây dựng một trung tâm phân phối lớn tại khu công nghiệp lâu nay bỏ hoang ở phía Tây Athens, dự án mở tuyến đường ray xe lửa, một loạt khách sạn năm sao, một công viên duyên hải…

Khác với những người giàu ở châu Âu hiện đang phải hoãn các chuyến du lịch nước ngoài tốn kém, du khách Trung Quốc đang tấp nập kéo tới nghỉ ở Hy Lạp. Hòn đảo Santorini, điểm du lịch đẹp nổi tiếng thế giới với những bãi cát dài, trắng tinh chẳng hạn, đã bắt đầu tự quảng cáo là địa điểm lý tưởng cho “Những đám cưới Trung Hoa giàu có” và lượng khách tới từ đất nước Vạn lý Trường thành ngày càng đông.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Athens tuần trước, Wei Jiafu, Giám đốc điều hành của tập đoàn Cosco, hùng hồn tuyên bố: “Người Trung Quốc có câu: “Hãy xây tổ cho đại bàng rồi đại bàng sẽ tới”. Chúng tôi đã xây tổ đại bàng ở đất nước các bạn để thu hút những đàn đại bàng Trung Quốc. Đó chính là những gì mà chúng tôi đã cống hiến cho Hy Lạp”.

Mối lo của châu Âu

Trái với niềm hoan hỉ của Chính phủ Hy Lạp, ngày càng dấy lên lo ngại ở khắp nơi rằng Trung Quốc đang dần đạt được mục tiêu rải hàng hóa giá rẻ khắp châu Âu. Người Trung Quốc đã không quản ngại đầu tư từ Angola cho tới Peru để đảm bảo kinh tế Trung Quốc vốn tăng quá nóng có được nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cũng như việc xuất khẩu hàng hóa sẽ trôi chảy khắp thế giới.

Theo các nhà phân tích, những khoản đầu tư vào Hy Lạp là một phần trong kế hoạch tạo dựng một mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn và hệ thống cảng biển giống như một con đường tơ lụa thời hiện đại để thúc đẩy thương mại Đông-Tây của Trung Quốc.

Trong khi Hy Lạp trở thành điểm đầu tư lý tưởng tuy hơi tốn kém đối với Trung Quốc thì các nước châu Âu vẫn nghi ngại khi nghĩ tới những khoản đầu tư từ Bắc Kinh. Mới đây Trung Quốc đã thất bại khi nỗ lực mua lại một công ty của Pháp vì lý do Pháp muốn bảo vệ an ninh quốc gia.

Jonathan Wood, chuyên gia phân tích những vấn đề quốc tế tại hãng Control Risks ở London, nhận xét: “Người châu Âu ngày càng lo ngại về mức độ và quy mô thâm hụt thương mại của khối này với Trung Quốc. Họ đang sợ rằng châu Âu cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự như Mỹ, luôn bị thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp vẫn coi khoản đầu tư từ Trung Quốc là của trời cho. Vấn đề nan giải hiện giờ của Liên hiệp châu Âu là làm sao để các nền kinh tế cạnh tranh kém như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp có thể tự cải thiện để sánh vai với các quốc gia thành công như các nước Bắc Âu. Vì vậy mà các quan chức Hy Lạp cho rằng đầu tư từ Trung Quốc đang đem đến cho họ cơ hội để thực hiện điều đó bằng cách phát huy khả năng chuyên môn cao của họ trong lĩnh vực vận tải biển.

Phó thủ tướng Hy Lạp Theodoros Pangalos nói: “Người Trung Quốc muốn có cửa ngõ vào châu Âu. Họ không giống các nhà đầu tư Mỹ, chỉ nói mà không làm, chỉ đầu tư tài chính trên giấy tờ. Người Trung Quốc làm ăn bằng tiền thật và họ sẽ giúp vực dậy nền kinh tế thực của Hy Lạp.”

Không dễ!

Tuy nhiên không phải ai cũng nghĩ thế. Quá trình tư nhân hóa hải cảng Piraeus tỏ ra đầy khó khăn, nhất là khi Hy Lạp cố gắng tư nhân hóa nhiều cơ sở của nền kinh tế hơn nữa. Hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng trong 35 năm đã có từ năm 2006, theo đó tập đoàn Cosco sẽ nắm quyền kiểm soát tạm thời cầu cảng chính của Piraeus từ ngày 1-10-2009.

Từ đó, các nghiệp đoàn công nhân cảng liên tục tổ chức biểu tình, bãi công, có khi kéo dài hàng tháng trời, để phản đối sự tham gia của người Trung Quốc. Chính phủ mới của Hy Lạp, lên cầm quyền tháng 10 năm ngoái, lúc đầu đứng ra ủng hộ công nhân, có lúc họ đã định hủy bỏ hợp đồng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế lao dốc, Chính phủ Hy Lạp thay đổi hẳn thái độ, họ không chỉ chào đón người Trung Quốc vào cảng container mà còn thương lượng thêm các dự án xây dựng xưởng sửa chữa tàu biển ngay tại cảng và xây dựng trung tâm phân phối.

Theo hợp đồng với Trung Quốc, khoảng 500 công nhân từng làm việc lâu năm tại cảng Piraeus sẽ dần dần bị sa thải để Cosco thuê nhân công mới với giá rẻ hơn. Chính phủ Hy Lạp đã phải xoa dịu tình hình bằng cách trả tiền hưu 2.000 đô la Mỹ mỗi tháng cho 140 công nhân và cam kết tìm việc trong cơ quan nhà nước cho số công nhân còn lại.

Nghiệp đoàn và Đảng Cộng sản Hy Lạp thì tố cáo rằng ông chủ Trung Quốc thuê các nhà thầu phụ có ít hơn 20 công nhân – không đủ số lượng để thành lập nghiệp đoàn theo quy định của pháp luật Hy Lạp. Ngoài ra, những công nhân mới tuyển bị ép phải làm việc quá sức, mới tuần trước đã xảy ra sự cố hai công nhân mới thuê phải vào bệnh viện vì bị tai nạn lao động.

Một lãnh đạo công đoàn thuộc Hiệp hội Công nhân Cảng Hy Lạp phẫn nộ: “Chúng ta không chỉ từ bỏ chủ quyền quốc gia mà còn bán rẻ nhân công của mình. Đây không phải là lựa chọn đúng đắn cho Hy Lạp”.

(Tổng hợp từ The Washington Post và New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới