Trung Quốc, từ đối tác trở thành đối thủ của Đức
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Mối quan hệ đối tác với Trung Quốc, từng hỗ trợ nền kinh tế Đức trong nhiều thập kỷ, đang lung lay, đe dọa đà phục hồi kinh tế của Berlin lẫn châu Âu ở thời kỳ hậu Covid-19 giữa lúc người khổng lồ châu Á bật dậy mạnh mẽ.
Công nhân làm việc tại một nhà máy của Công ty Herrenknecht ở Schwanau, Đức. Những cỗ máy khoan đường hầm khổng lồ của Herrenknecht không còn nắm giữ vị trí độc tôn ở thị trường Trung Quốc do các công ty xây dựng lớn nước này đã tự sản xuất được các máy khoan hầm cỡ lớn. Ảnh: WSJ |
Đức đã cung cấp cho Trung Quốc nhiều loại máy móc, thiết bị tân tiến để vận hành nền kinh tế trong nhiều thập kỷ qua. Cũng nhờ vậy mà nền kinh tế Đức có thể hồi phục nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp Đức cho biết mô hình hợp tác này không còn có khả thi nữa khi Trung Quốc chuyển từ vai trò đối tác sang đối thủ của Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực máy móc và thiết bị sản xuất, xây dựng.
Các công ty Trung Quốc gia tăng cạnh tranh
GDP của Đức có thể suy giảm khoảng 5,8-7,1% trong năm nay, theo dự báo của các nhà kinh tế Đức, vẫn tốt hơn so với mức suy giảm của các nền kinh tế phương Tây khác nhưng kém hơn nhiều so với mức tăng trưởng được dự báo 2,5% của Trung Quốc.
Dù các nhà xuất khẩu của Đức đang hưởng lợi từ sự phục hồi thương mại quốc tế, họ không nhận được lực nâng đỡ mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc như cách đây một thập kỷ. Trong tháng 7, doanh số xuất khẩu của Đức tăng so với tháng trước đó nhưng vẫn thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số xuất khẩu trong tháng 7 và tháng 8 của Trung Quốc đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp Đức cho rằng sự chênh lệch này một phần do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất các máy móc, thiết bị tinh vi hơn, có khả năng cạnh tranh cao với các sản phẩm tương tự của Đức, vốn trước đây không đối thủ nào bắt kịp.
Đối với nhiều nhà xuất khẩu của Đức, điều này không chỉ khiến việc bán hàng của họ ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn mà còn khiến các công ty Trung Quốc đang trở thành đối thủ của họ ở những thị trường khác.
Công ty sản xuất thiết bị xây dựng Herrenknecht, nhà sản xuất máy khoan hầm số một thế giới, ở Schwanau, Đức cảm nhận tổn thương này rất rõ.
Trong suốt 15 năm sau thời điểm chuyển giao thế kỷ, Herrenknecht luôn đóng vai vài trò trung tâm ở các dự án hạ tầng khắp châu Á. Những cỗ máy khoan hầm khổng lồ của Herrenknecht từng tham gia đào đường hầm tàu điện ngầm dưới lòng các đô thị từ Bắc Kinh đến Thượng Hải.
Doanh thu hàng năm của công ty gia đình này đã tăng gần gấp bảy lần trong giai đoạn 2000-2015, lên khoảng 1,3 tỉ euro, trong đó 20% đến từ Trung Quốc, giúp tạo ra hàng nghìn việc làm tại các cơ sở sản xuất của Herrenknecht ở vùng tây nam nước Đức.
Tuy nhiên, trong bốn năm qua, doanh thu hàng năm của Herrenknecht giảm khoảng 5%. Các công ty xây dựng lớn của Trung Quốc đã phát triển máy khoan hầm của riêng họ, nên không cần mua máy móc của Herrenknecht nữa. Công ty Robbins (Mỹ), một đối thủ lớn trên thị trường máy móc cỡ lớn, gần đây đã sáp nhập vào Tập đoàn Công nghiệp nặng Phương Bắc (Trung Quốc).
Achim Kuehn, người phát ngôn của Herrenknecht, cho biết: “Các công ty Trung Quốc tăng sức cạnh tranh hơn hết bao giờ trên thị trường quốc tế và đưa ra mức giá bán thấp bất thường”.
Trong gần hai thập kỷ, Trung Quốc dựa vào rô-bốt công nghiệp, thiết bị nhà máy và xe cộ của Đức để vươn lên trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới. Các công ty Đức xem mức tăng trưởng doanh thu hai con số ở thị trường Trung Quốc là điều hiển nhiên. Điều này đã giúp Đức trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới trong một vài năm đầu thế kỷ này.
Giờ đây, các công ty Trung Quốc đang cung cấp tuốc bin gió ở Pháp, xe buýt ở Na Uy, lưới điện ở Ba Lan và máy móc công nghiệp tiên tiến trên khắp thế giới. Một tập đoàn Trung Quốc gần đây đã trúng gói thầu đào ba đường hầm cho hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Nhà máy sản xuất pin điện của Công ty Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc, ở Arnstadt, Đức, được mở rộng vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg News |
Không còn là nước đang phát triển
Ông Karl Haeusgen, Chủ tịch Công ty sản xuất thiết bị thủy lực HAWE Hydraulik (Đức), cho biết trong các phân khúc quan trọng của ngành sản xuất công nghệ cao, bao gồm thiết bị hạ tầng, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với các công ty Đức. Ông nói công ty ông đang chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn từ Trung Quốc ở những thiết bị như van và bơm thủy lực, được sử dụng trong các tuốcbin gió và máy móc.
“Trung Quốc không còn là một nước đang phát triển, hoàn toàn không còn. Đó là một nước sản xuất hàng đầu thế giới”, ông Haeusgen nói.
Nhờ dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát sớm và và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn hơn trong xuất khẩu toàn cầu khi các nước khác vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ulrich Ackermann, Giám đốc bộ phận ngoại thương ở Hiệp hội ngành công nghiệp kỹ thuật cơ khí ((Đức), nói: “Việc các công ty Trung Quốc vươn lên vị trí số một chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Thị phần thương mai thế giới của Đức ở mảng hàng hóa kỹ thuật cơ khí, một lĩnh vực sử dụng 1,3 triệu lao động ở Đức, đã giảm từ 19,2%, xuống còn 16,1% trong giai đoạn 2008-2018. Trong cùng thời gian, thị phần trên toàn cầu của Trung Quốc ở mảng hàng hóa này tăng từ 8,5% lên 13,5%.
Trung Quốc đang mở rộng thị phần trên toàn cầu ở những lĩnh vực, vốn là thế mạnh của công ty kỹ thuật ở Đức, chẳng hạn như hạ tầng, theo một nghiên cứu của hãng luật Baker McKenzie công bố hồi tháng trước.
Tháng 12 năm ngoái, Công ty sản xuất đầu máy tàu lửa CRRC Tangshan (Trung Quốc) đã vượt qua Siemens của Đức, giành gói thầu trị giá 50 triệu euro để sản xuất 18 đoàn tàu cho Mạng lưới metro của Porto, thành phố lớn thứ hai của Bồ Đào Nha.
Đây là hợp đồng sản xuất tàu lửa đầu tiên mà một công ty Trung Quốc nhận được ở Liên minh châu Âu. Jorge Morgado, người phát ngôn Mạng lưới metro của Porto, nói công ty Trung Quốc thắng thầu nhờ nhiều yếu tố bao gồm giá cả, chất lượng kỹ thuật và thiết kế. Giá chào thầu của công ty này thấp hơn 6,5 triệu euro so với chi phí mua tàu dự tính của Mạng lưới metro của Porto.
Stefan Brandl, Giám đốc điếu hành Tập đoàn ebm-papst (Đức), chuyên sản xuất động cơ điện của ô tô và các thiết bị gia dụng, cho biết cách đây ba năm, ông bắt đầu nhận ra chất lượng của các sản phẩm cạnh tranh từ Trung Quốc tăng lên. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng thứ hai của ebm-papst sau Đức nhưng doanh số của tập đoàn này tại Trung Quốc đã trì trệ trong nhiều tháng ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Gia tăng hiện diện tại các hội chợ
Tim Loeschner, Tổng Giám đốc NGC Europe, công ty con của Tập đoàn sản xuất thiết bị truyền động bánh răng tốc độ cao Trung Quốc, cho biết cách đây chưa lâu, tại những hội chợ thương mại máy móc công nghiệp ở Đức, các công ty Trung Quốc chỉ xuất hiện với những gian hàng trưng bày nhỏ, không bắt mắt. “Nhưng hiện nay, bạn không thể thấy sự khác biệt giữa nhiều công ty Trung Quốc với các nhà sản xuất Đức tại các hội chợ đó”, ông nói.
Năm ngoái, tại hội chợ thương mại Hannover, một trong những hội chợ triển lãm thiết bị và máy móc sản xuất lớn nhất thế giới, các công ty Trung Quốc chiếm gần 20% tổng các gian hàng, tăng so với con số 13,6% vào năm 2015.
Năm 2019, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ năm 2015. Dù kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19, các công ty Đức không được hưởng lợi nhiều như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018.
Sebastian Bauer, Giám đốc công ty sản xuất công nghiêp Bauer Maschinen (Đức), cho biết các công ty kỹ thuật vừa và nhỏ của Đức, thường là các công ty gia đình và hoạt động dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, đang đối mặt với sự cạnh tranh các công ty nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, vốn được hưởng lợi nhờ quy mô rộng lớn của nền kinh tế trong nước.
Ông nói: “Máy móc công nghiệp không phải là hàng xa xỉ. Khách hàng quan tâm chất lượng lẫn giá cả của chúng”.
Ngay cả ngành công nghiệp ô tô quyền lực của Đức cũng đang bị đe dọa. Công ty Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc, giờ đây là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới.
CATL đang xây dựng một nhà máy sản xuất pin khổng lồ ở Đức với vốn đầu tư hơn 2 tỉ đô la để cung cấp pin cho các hãng xe ở châu Âu. Nhà máy này có diện tích rộng gấp ba lần Gigafactory, nhà máy sản xuất pin của Tesla ở Mỹ. Trong khi đó, Bosch (Đức), nhà sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất thế giới, không tự sản xuất pin xe điện, thay vào đó, đang hợp tác với CATL.
Các nhà phân tích ước tính pin chiếm 40% giá thành xe điện. Năm ngoái, chính phủ Đức cảnh báo gần 50% trong số 870.000 việc làm trong ngành ô tô của nước này có thể biến mất do làn sóng chuyển đổi sang xe điện.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Đức vẫn xem Trung Quốc là thị trường lớn nhất của họ. Nhưng họ đang mất kiên nhẫn với các cản trở của thủ tục hành chính, chính sách cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước và đủ kiểu rào cản bảo hộ của Bắc Kinh. Một số lãnh đạo doanh nghiệp Đức đang kêu gọi Berlin bắt chước cách tiếp cận cứng rắn về thương mại và công nghệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh.
Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, một đồng minh chính trị của Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cho rằng Trung Quốc chỉ cần Đức chừng nào Đức còn duy trì thế mạnh công nghệ. Ông nói: “Tôi lo ngại thời kỳ đó đang dần khép lại. Trung Quốc đang tiến bộ và ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt công nghệ, còn chúng ta đang dậm chân tại chỗ”.
Theo Wall Street Journal