Thứ tư, 30/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc “xuất khẩu” nhà máy xi măng ô nhiễm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc “xuất khẩu” nhà máy xi măng ô nhiễm

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Các nhà máy xi măng do Trung Quốc đầu tư đang “nở rộ” dọc theo con đường tơ lụa mới nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, giữa lúc Bắc Kinh quyết liệt đóng cửa hàng loạt nhà máy xi măng ở trong nước để giải quyết vấn đề dư thừa công suất và hạn chế nạn ô nhiễm môi trường, theo hãng tin Reuters.

Trung Quốc “xuất khẩu” nhà máy xi măng ô nhiễm
Nhà máy xi măng do tập đoàn Gezhouba (Trung Quốc) và công ty Corporation DANAKE (Kazakhstan) hợp tác đầu tư ở vùng Kyzylorda, Kazakhstan. Ảnh: Reuters

Ồ ạt xây dựng nhà máy xi măng ở nước ngoài

Trên một thảo nguyên lộng gió ở tây nam Kazakhstan, một nhà máy xi măng do Trung Quốc đầu tư mới mọc lên ở vùng ven của ngôi làng Shieli thuộc vùng Kyzylorda và nó được xem là một biểu tượng của tiến trình công nghiệp hóa ở đất nước Trung Á này.

“Chúng tôi cần xi măng trét để phục vụ ngành công nghiệp dầu mỏ và khai thác uranium. Nhà máy này đáng ra phải ra phải được xây dựng sớm hơn. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ mở rộng nó”, Yevgeniy Kim, Phó Thống đốc vùng Kyzylorda, nói.

Được xây dựng bởi một liên doanh giữa tập đoàn kỹ thuật và xây dựng Gezhouba có trụ sở ở Vũ Hán (Trung Quốc) và công ty Corporation DANAKE (Kazakhstan), nhà máy trên là một ví dụ cho thấy Trung Quốc đang sử dụng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI) để đưa các hoạt động sản xuất công nghiệp ra xa biên giới của nước này.

Trung Quốc nói rằng BRI mang đến cơ hội “cùng thắng”, giúp các nước nâng cấp các mối liên kết hạ tầng và giao thông trong khi đó củng cố thương mại của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc cũng xem BRI là một giải pháp tiềm năng để giải quyết tình trạng dư thừa công suất công nghiệp trong nước.

Các nhà phân tích cho biết nhiều công ty Trung Quốc hoat động trong các ngành từ sản xuất thép, xi măng cho đến than đã hưởng ứng BRI và điều này đang sắp xếp lại bản đồ sản xuất toàn cầu.

“Hàng tuần đều có tin tức Trung Quốc xây dựng một máy xi măng mới ở châu Á hay ở các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (các quốc gia thành viên của Liên Xô trước đây)”, Raluca Cercel, nhà phân tích thị trường xi măng ở công ty tư vấn CW Group (Mỹ), nói.

Hàng trăm nhà máy xi măng đã bị đóng cửa ở Trung Quốc trong cuộc vận động chống ô nhiễm môi trường. Hiệp hội Xi măng Trung Quốc cho biết nước này đặt mục tiêu giảm công suất xi măng 400 triệu tấn vào năm 2020, tương đương 1/10 tổng công suất xi măng hiện nay ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong năm 2018, các tập đoàn lớn của Trung Quốc bao gồm, Gezhouba, Anhui Conch Cement và Shangfeng Cement đã thông báo đầu tư vào ít nhất 18 nhà máy xi măng ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ với tổng công suất hơn 20 triệu tấn. Con số này lớn hơn sản lượng xi măng hàng năm của đa số nước châu Âu.

Li Jinqing, Tổng Giám đốc của Gezhouba Shieli Cement, công ty con của tập đoàn Gezhouba, nói công ty này muốn chộp các cơ hội mới. “Chúng tôi đã có 17 nhà máy xi măng ở Trung Quốc nhưng đây lần đầu tiên chúng tôi có một nhà máy xi măng ở Kazakhstan. Chúng tôi có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy xi măng ở các nước Trung Á. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào thị trường”.

Lo ngại xuất khẩu “ô nhiễm”

Trung Quốc nói rằng BRI sẽ thúc đẩy thương mại dọc theo con đường tơ lụa mới kết nối châu Á với châu Âu, Trung Đông và nhiều khu vực khác nhưng các chuyên gia nghi ngờ Trung Quốc đang sử dụng sáng kiến này để xuất khẩu công suất công nghiệp dư thừa, đặc biệt trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong khi BRI khuyến khích các doanh nghiệp khổng lồ của Trung Quốc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài, các chuyên gia lo ngại xu hướng này có thể làm méo mó các nền kinh tế trong khu vực của BRI và làm gia tăng sự phụ thuộc của họ vào dòng tiền đầu tư của Trung Quốc.

Cách đây 5 năm, Trung Quốc bắt buộc các công ty lắp đặt các công nghệ chống ô nhiễm môi trường để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng cao trong sản xuất vật liệu chẳng hạn xi măng, đồng thời cấm cấp phép các công suất xi măng mới ngoài các dự án được xem là cần thiết. Nhà chức trách cũng đóng cửa các nhà máy xi măng có mức độ gây ô nhiễm cao.

Đặt mục tiêu mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài, công ty xi măng Shangfeng Cement ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đang xây dựng các nhà máy ở Kyrgyzstan và Uzbekistan.

“Thực trạng dư thừa công suất xi măng ở Trung Quốc đã rất nghiêm trọng và đó là lý do tại sao chúng tôi cân nhắc xây dựng các nhà máy dọc ở các nước trong BRI. Hiện tại, Trung Quốc có thể sản xuất hơn 3 tỉ tấn xi măng mỗi năm nhưng nhu cầu thực tế của thị trường chỉ khoảng 2,2 tỉ tấn”, Qu Hui, Phó Chủ tịch Shangfeng Cement, nói. Shangfeng Cement đã nhận khoản vay lãi suất thấp 68 triệu đô la từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất đầu tiên ở nước ngoài.

Các công ty xi măng Trung Quốc cho biết các nhà máy mà họ đang xây dựng ở nước ngoài sử dụng công nghệ mới nhất, được trang bị các hệ thống lọc bụi thiết yếu và tuân thủ các quy định quản lý môi trường ở địa phương.
Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ môi trường lại lo ngại họ đang “xuất khẩu” ô nhiễm.

“Hầu hết các nước mà các công ty Trung Quốc nhắm làm điểm đến cho các khoản đầu tư công nghiệp có các tiêu chuẩn và thực thi pháp luật liên quan môi trường và khí thải rất yếu”,  Lauri Myllyvirta, nhà phân tích của Tổ chức Hòa bình xanh, nói.

Theo Hiệp hội các nhà sinh thái học thực hành (APE), Kazakhstan không có các tiêu chuẩn quốc gia thống nhất về quản lý ô nhiễm giống như ở Liên minh châu Âu hay Trung Quốc và nước này cũng không giám sát khí thải thủy ngân từ các lò nung xi măng.

Dù nhiều nước Trung Á sốt sắng nâng cao sản lượng xi măng để tạo việc làm và giảm phụ thuộc vào xi măng nhập khẩu nhưng mức hấp thụ các công suất mới của thị trường có giới hạn. Tajikistan, một nước Trung Á khác, đang là thỏi nam châm thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng từ Trung Quốc. Nước này xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng trong năm 2017, tăng so với mức chỉ 500 tấn vào năm 2015.

Qu Hui, Phó Chủ tịch Shangfeng Cement, cho rằng nguy cơ dư thừa xi măng có thể khó tránh khỏi ở các nước Trung Á. “Tình hình chỉ tốt nếu bạn là nhà đầu tư đầu tiên nhưng khi có 2 đến 3 công ty xây dựng nhà máy xi măng ở một nước, dư thừa công suất có thể xuất hiện rất nhanh chóng”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới