Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung tâm công nghiệp châu Âu dịch chuyển về Đông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung tâm công nghiệp châu Âu dịch chuyển về Đông

Thanh Hương

(TBKTSG Online) – Trung tâm công nghiệp của châu Âu, từng là hành lang Blue Banana trải dài từ Manchester (Anh) đến Milan (Ý), đã dời về phía Đông, đơn giản vì trọng tâm chính trị của nó đã dịch chuyển về nước Đức.

Trung tâm công nghiệp châu Âu dịch chuyển về Đông
Một người đàn ông đi bộ dọc bờ sông Spree ở Berlin. Ảnh: Reuters

Tên Blue Banana ra đời vào năm 1989, năm bức tường Berlin sụp đổ, được nhà địa lý Pháp Roger Brunet đặt cho hành lang trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất châu Âu, nơi mà từ vũ trụ có thể nhìn thấy như một chuỗi ánh sáng hình vòng cung từ Anh đến Ý, đi qua Hà Lan, Bỉ, Tây Đức và Thụy Sỹ.

Brunet đã e ngại là Pháp, do nền kinh tế tập trung và do Paris thống lĩnh, rớt khỏi bản đồ khu vực hành lang này. Ông đã phát triển ý tưởng và thúc giục chính quyền đầu tư vào cơ sở hạ tầng nối trục Paris-Lyon-Marseille vào khu vực xương sống đô thị và tập trung tư bản cao của châu Âu này, nơi thu hút 110 triệu cư dân sinh sống.

Một phần tư thế kỷ sau, bản đồ công nghiệp của lục địa đã chuyển đổi. Hình ảnh phù hợp hơn có lẽ là khu vực vàng của bóng đá tại miền Nam nước Đức và vươn tới Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Áo và Romania.

“Chúng ta đã chứng kiến một sự dịch chuyển trọng tâm lớn của trung tâm công nghiệp cốt lõi của châu Âu”, Michael Landesmann, Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna nói.

Các nước khối xã hội chủ nghĩa trước đây đã tham gia Liên hiệp châu Âu từ năm 2004 đến 2007 và trở thành khu vực sản xuất kết nối với công nghiệp của Đức, không còn chỉ là cung cấp nguyên liệu thô mà có cả dây chuyền sản xuất xe hơi và máy móc công nghiệp.

Số lượng việc làm trong ngành sản xuất công nghiệp giảm ở mọi nơi trên khắp châu Âu trong tình hình gia tăng thất nghiệp chung, nhưng giảm mạnh nhất là ở Anh, Pháp và Bỉ, cùng với xu hướng toàn cầu hóa các chuỗi cung ứng được kích hoạt sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.

Sự dịch chuyển cán cân thương mại bên trong một EU 28 thành viên hiện nay trong một thập niên kể từ khi quá trình Đông tiến này đã bắt đầu tạo ra một hiệu ứng đáng ngạc nhiên.

Khu vực vàng của bóng đá – Đức, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia và Romania – gia tăng tỷ lệ thương mại giữa các nước thành viên EU đến 5,3 điểm phần trăm từ năm 2004 đến 2013, năm gần nhất có số liệu được công bố. Miếng bánh lớn nhất thuộc về Đức với 2,2 điểm phần trăm.

Trong cùng giai đoạn này, khu vực Atlantic Arc gồm Anh, Pháp, Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mất khoảng 4,4% giao dịch thương mại thị trường các nước thành viên EU, sụt giảm nhiều nhất là Tây Ban Nha và Anh, Ý cũng mất 1,7 điểm phần trăm.

Dĩ nhiên điều này được mất thế nào còn gây tranh cãi. Ở một vài mặt, việc làm trong ngành công nghiệp đã được thay thế bằng công việc ngành kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là Anh, nước vừa qua mặt Pháp để trở thành nước thứ hai châu Âu trong lĩnh vực này.

Việc làm trong ngành công nghiệp sản xuất chế tạo tại các nền kinh tế tiên tiến cũng ngày càng đòi hỏi kỹ năng cao, trong khi các ngành sản xuất khác không cần tay nghề cao đã chuyển về các khu vực có giá nhân công thấp.

Trong nền kinh tế tri thức, vị trí địa lý càng ngày càng bớt ý nghĩa và các nhà máy công nghiệp sẽ dần thu hẹp lại ở châu Âu, cũng như các mỏ than và nhà máy thép lớn đã dần biến mất vào cuối thế kỷ 20.

Tuy nhiên Đức đã gầy dựng nên một nền kinh tế thống lĩnh châu Âu bằng những nhà máy sản xuất lớn nhất.

Đáng lo ngại hơn, Landesmann nói, ngành công nghiệp khu vực rìa phía Nam châu Âu ngày càng rời xa trung tâm kể từ khi khủng hoảng nợ khu vực đồng euro đã đẩy Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tìm kiếm những hỗ trợ tài chính bên ngoài cho chính quyền và ngân hàng các nước này.

Các nhà kinh tế đơn giản cho rằng những xu hướng như vậy sẽ cân bằng trở lại qua thời gian, Landesmann nói, với lập luận rằng việc khu vực rìa phía Nam châu Âu giảm khả năng sản xuất đòi hỏi những chính sách làm tăng khả năng xuất khẩu của các nước này.

Tuy nhiên, số liệu từ Eurostat, văn phòng thống kê của EU, cho thấy xuất khẩu từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland đang tăng trở lại. Kinh tế Ireland tăng nhanh nhất trong khu vực đồng tiền chung euro năm ngoái, với tăng trưởng 4,8%, và Tây Ban Nha tăng 2%, xoay chiều được tình hình thất nghiệp của nước này. Các hãng xe hơi khổng lồ của Mỹ Ford và General Motors vừa đầu tư rất lớn để sản xuất xe hơi ở Tây Ban Nha.

Những động thái dịch chuyển này đặt vấn đề cho các nhà làm chính sách của EU và Ngân hàng đầu tư châu Âu bởi họ đang cân nhắc một kế hoạch đầu tư chiến lược đến 315 tỉ euro nhằm thu hút vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng lâu dài.

Phải chăng cần ưu tiên khu vực kinh tế Bắc-Nam, tái công nghiệp hóa khu vực công nghiệp cũ, chú trọng vào việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như khí nhập từ Nga, hay tạo điều kiện phát triển trung tâm công nghiệp mới?

Trong khi thừa nhận việc cố gắng đảo ngược quá trình dịch chuyển trọng tâm công nghiệp này là vô ích, Vincent Aussilloux và Arno Amabile của Cơ quan hoạch định chính sách của chính phủ Pháp France-Strategie vẫn lập luận rằng EU cần có đầu tư chiến lược vào những khu vực suy thoái trầm trọng nhất. Họ cũng vận động lập một quỹ riêng cho khu vực đồng tiền euro để cho vay và bảo trợ cho các nghiên cứu, các doanh nghiệp nhỏ và đào tạo nghề tại những khu vực ngoài lề nghèo nhất.

"Đây cũng là một định hướng chính trị, mà châu Âu lần nữa nhắm tới các dự án lạc quan, hướng tới tương lai và không chỉ chú trọng vào thắt lưng buộc bụng” họ nói, và cảnh báo rằng làm tăng sự cách biệt về công nghiệp có thể gây nên những bất ổn chính trị lớn.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới