Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung tâm ngoại ngữ chuyển mình giữa thị trường đầy cạnh tranh sau dịch

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khoảng thời gian chuyển đổi để hoạt động giảng dạy phù hợp và thích nghi với những bối cảnh ngặt nghèo như trong đại dịch Covid hay giai đoạn khôi phục sau đại dịch, các trung tâm ngoại ngữ đã bắt kịp cơ hội của thị trường, phát triển thêm kênh dạy học và đa dạng hóa phương pháp tương tác. Bên cạnh đó, các trung tâm tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy để đủ sức cạnh tranh, tiếp tục tồn tại giữa thị trường “trăm hoa đua nở” cơ sở dạy ngoại ngữ ở Việt Nam.

Hằng năm, ba tháng hè thường là mùa cao điểm của các trung tâm ngoại ngữ khi phụ huynh cho con em học thêm một ngôn ngữ mới, cũng là thời điểm thích hợp chuẩn bị tiếng Anh làm hồ sơ đi nước ngoài, du học. Các đơn vị cho biết sau dịch, năm 2022 mức tăng trưởng doanh thu ở trung tâm đáng kể, đặt nhiều kỳ vọng đẩy mạnh mở rộng hệ thống. Nhưng đến hè năm nay, hoạt động dạy học của trung tâm có phần trầm lắng hơn, ước tính giảm khoảng 20-30% so với 2022.

Nhìn chung, số lượng học sinh có mục tiêu dùng chứng chỉ tiếng Anh đi du học năm nay đang giảm vì biến động kinh tế kèm thị trường Châu Âu đang không tốt. Tuy vậy, chính từ sự thích nghi kịp thời trong hai năm giãn cách, các đại diện cho rằng doanh nghiệp mình đã tìm thấy cơ hội mở rộng, ứng dụng hiệu quả mô hình này cho đến hiện tại.

Số hóa hoạt động giảng dạy và đào tạo

Chị Nguyễn Đình Mỹ Duyên, nhà sáng lập của trung tâm anh ngữ Ehouse, với cơ sở hoạt động ở khu vực làng đại học, TP Thủ Đức, cho biết quy mô giảng dạy đã nâng lên gần gấp 8 lần sau 6 năm. Với lượng học viên mỗi tháng dao động khoảng 500 người, chị chia sẻ đội ngũ nhân sự đã phải nỗ lực thay đổi rất nhanh để kịp “sống còn” trong thời điểm dịch bệnh buộc đóng cửa các cơ sở tập trung đông người.

Tận dụng nền tảng trực tuyến, chuyển sang dạy online để duy trì hoạt động đào tạo là cách làm hầu như của mọi doanh nghiệp lúc bấy giờ. Tuy nhiên làm sao để giữ được bài toán chất lượng cũng như giữ chân học viên khi tiếp cận với mô hình mới là điều khó khăn. Ngoài các chính sách giảm giá, hỗ trợ học phí, ưu đãi cộng thêm, nâng cao sự tương tác giữa giảng viên và người học thì việc chuyển đổi số dần dần các bộ phận để tối ưu vận hành, quản lí hệ thống, làm thương hiệu cũng là việc chị Mỹ Duyên quan tâm và bắt tay thực hiện ngay.

Hoạt động giảng dạy tại trung tâm Ehouse. Ảnh: ĐVCC

Theo chị Mỹ Duyên, ngay sau khi cuộc sống trở lại bình thường, lượng học viên tăng lên gần như gấp đôi. Trước nhu cầu tăng cao này, trung tâm ngoại ngữ cũng phải cạnh tranh nhiều hơn với các đơn vị khác và cả điểm dạy nhỏ lẻ, cá nhân tự phát trong khu vực. Chị cho biết nhờ ứng dụng công nghệ tạo nền tảng làm việc trực tuyến, việc điều hành trung tâm từ xa trở nên thuận tiện hơn, chị đánh giá đây là chiến lược thích ứng Covid-19 hiệu quả và tiếp tục duy trì sau dịch với kỳ vọng kênh dạy học ngoại ngữ online chiếm khoảng 20% song song với việc dạy trực tiếp tại lớp.

Cùng nhận thấy cơ hội từ thách thức, chị Lai Ngọc Châu, người thành lập IELTS Ms.Chau ở TP Cần Thơ cũng đồng quan điểm về sự chuyển dịch từ học trực tiếp sang trực tuyến đã giúp cho người học, người dạy tận dụng được tối đa tài nguyên, nguồn lực sẵn có trong xã hội.

Theo chị Châu, dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, nhưng đó cũng là cơ hội để làm mới mình. Sau dịch cơ sở có thêm rất nhiều học viên từ các tỉnh thành xa đăng ký học online với học phí “nhẹ nhàng” hơn. Ngoài ra, học viên theo học không còn giới hạn ở một vị trí địa lý nhất định. Điều này đã đưa việc học IELTS được phổ biến rộng rãi trên khắp mọi miền tổ quốc. Hiện trung tâm của chị Châu vẫn hoạt động song song hai kênh trực tuyến và trực tiếp phù hợp với nhu cầu của người học.

Các lứa học viên tại trung tâm IELTS Ms.Chau. Ảnh: NVCC

Ngay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc xen kẽ hai hình thức này giúp trung tâm mở rộng tiếp cận được nhiều đối tượng, tối ưu được chi phí vận hành, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng sau dịch và tăng độ phủ sóng thương hiệu.

Tuy vậy, chị Mỹ Duyên, đại diện Ehouse cho biết chuyển đổi số nghe đã nhiều nhưng với những doanh nghiệp làm về giáo dục còn gặp nhiều khó khăn trong toàn bộ máy. Xây dựng hệ thống số quản lý tài chính, nhân sự, phần mềm thi cử, giảng dạy tương tác trực tiếp hai bên cho sinh động cũng đang dần hoàn thiện không dễ trong một sớm một chiều, chị nhấn mạnh.

“Với tôi cả hai kênh offline và online không phải là sản phẩm thay thế nhau, cái nào quan trọng hơn cái nào mà chủ yếu bổ trợ cho nhau, đem đến kết quả tốt hơn. Đội ngũ Ehouse mong muốn tận dụng linh hoạt nguồn lực của trung tâm tương xứng với số tiền học viên bỏ ra cho việc học ngoại ngữ rất tiện lợi ngày nay”, CEO của trung tâm anh ngữ Ehouse nhận định.

Chất lượng khẳng định giá trị

Trước những thay đổi chiến lược để thích ứng với những bối cảnh mới của thị trường, đại diện từ hai trung tâm ngoại ngữ nhìn nhận việc duy trì hoạt động của cơ sở không còn như 5 – 10 năm trước bởi sự cạnh tranh lớn từ nhiều đơn vị, tổ chức bên ngoài.

Theo chị Ngọc Châu, tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp để chúng ta trao đổi, học tập và làm việc mà còn mang lại giá trị tích cực trong “thế giới phẳng” hiện nay. Nhu cầu xã hội thay đổi và phát triển theo từng thời kỳ, bằng cấp trong tương lai có thể không còn được đánh giá cao nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh trong đời thực vẫn luôn quan trọng.

Vậy nên, chị nói thêm việc tập trung vào chất lượng giảng dạy, kết quả của học viên và phát triển đội ngũ giảng viên chính là kim chỉ nam cho bất kì trung tâm ngoại ngữ muốn phát triển. Nghĩa vụ của người làm giáo dục chính là luôn theo sát, truyền lửa và chắp cánh cho những giấc mơ của học sinh trở thành hiện thực.

“Tôi không phủ nhận vai trò của marketing hay truyền thông đa kênh, nhưng dồn lực vào chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố cốt lõi. Tôi tin rằng học sinh và phụ huynh thời đại ngày nay rất thông minh, có thể tự đánh giá và lựa chọn nơi học chất lượng tốt nhất. Việc của chúng tôi chính là liên tục đổi mới, cải thiện và nỗ lực theo sát, truyền lửa giúp các em chinh phục những mức điểm IELTS cao và thực hiện hóa ước mơ du học của mình thay vì tốn nhiều sức lực đầu tư vào truyền thông quảng cáo”, chị Châu nhấn mạnh.

Còn chị Nguyễn Đình Mỹ Duyên, đại diện Ehouse tâm niệm yêu cầu học viên cao hơn, thì phía người cung cấp dịch vụ phải nghiên cứu lại bộ tiêu chí nương theo kỳ vọng của khách hàng. Chị cho biết tuy tỉ lệ học viên giảm lại trong mùa hè này nhưng tổng doanh thu trung tâm gần như giữ nguyên, chỉ giảm nhẹ vài phần trăm vì người học chọn thêm lộ trình học cao hơn, gắn bó với trung tâm lâu dài hơn trước.

Trung tâm Ehouse thường xuyên liên kết với các trường đại học trong khu vực tổ chức thi thử TOEIC cho sinh viên. Ảnh: ĐVCC

Chia sẻ với KTSG Online, chị Mỹ Duyên bộc bạch đây là giai đoạn doanh nghiệp củng cố lại chất lượng và tái khẳng định mình, xây dựng thương hiệu của trung tâm giữa thị trường “trăm hoa đua nở”. Ngoài ra, người lãnh đạo cũng cần có tầm nhìn để tối ưu những sản phẩm đào tạo phù hợp với thời thế, nhưng phải cân bằng bài toán tài chính và giáo dục, không bị kinh tế hóa quá của các trung tâm ngoại ngữ hiện nay.

Ghi nhận từ một số trung tâm Anh ngữ khác cũng cho thấy, để phù hợp với quy định mới của Bộ GD-ĐT liên quan đến việc xét tuyển sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, các trung tâm cũng tạo thêm nhiều chương trình học linh động, nhằm kịp các mốc thời gian xét tuyển của học viên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới